Nghịch lý đất nước có 30,3 triệu con lợn, hơn 558 triệu con gia cầm, nhưng nhập khẩu thịt vẫn tăng 85%

Thiên Ngân Thứ tư, ngày 20/12/2023 05:18 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Phải xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ, xem lại cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, tăng gia cầm, giảm đàn lợn để có sự cân đối. Chuyển dịch như thế nào thì phải quan tâm đến doanh nghiệp - "đầu tàu" dẫn dắt ngành.
Bình luận 0

Chiều 19/12, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, với sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Cả nước có 30,3 triệu con lợn, hơn 558 triệu con gia cầm, vẫn phải nhập siêu

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, mặc dù năm 2023 ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá lợn hơi thấp, chi phí chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới phức tạp…, nhưng tình hình chăn nuôi, đàn trâu bò khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn; chăn nuôi lợn có kết quả tích cực.

Ước tính tổng đàn lợn tính đến cuối tháng 11/2023 ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu đạt 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%.

Nghịch lý đất nước có 30,3 triệu con lợn, hơn 558 triệu con gia cầm, nhưng nhập khẩu thịt vẫn tăng 85% - Ảnh 1.

Cục Chăn nuôi tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, với sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: K.Trung

Cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% (trong đó thịt lợn hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50 nghìn tấn thịt dê, cừu các loại). Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ước đạt 20 triệu tấn (giảm 2,4% so với năm 2022). Giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính đều giảm so với năm 2022.

Cụ thể: ngô hạt 7,76 nghìn đồng/kg (giảm 12,5%); khô dầu đậu tương 14,1 nghìn đồng/kg (giảm 3,1%); ngô lên men (DDGS) 9,24 nghìn đồng/kg (giảm 7,6%); cám mì 6,87 nghìn đồng/kg (giảm 1,9%); cám gạo chiết ly 6,19 nghìn đồng/kg (giảm 1,7%). Tuy nhiên, so với năm 2022 giá các nguyên liệu chính trong năm 2023 vẫn cao hơn từ 32,4% đến 45,6% so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng mặc dù tăng trưởng về đầu con và sản lượng, nhưng giá trị một số sản phẩm chăn nuôi lại "tăng trưởng âm". 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thậm chí nhiều con nuôi còn lỗ. Nhập siêu về một số sản phẩm chăn nuôi vẫn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thịt lợn tăng tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái. 

"Nhập thịt trâu bò 56%, thịt gia cầm trên 200.000 tấn, tương đương năm ngoái. Sản lượng lớn như thế thì lại gây áp lực rất lớn cho sản xuất và tiêu thụ trong nước. Đề nghị phải bàn câu chuyện giải pháp một cách căn cơ để kiểm soát được nhập siêu về chăn nuôi trong nước" - ông Sơn nói.

Cụ thể, theo Cục Chăn nuôi, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 891 triệu USD, giảm 10,8%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 3,6%.

So với cùng kỳ 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu thịt lợn và đặc biệt phụ phẩm từ lợn tăng 85,2%; phụ phẩm từ trâu tăng 56,18%; phụ phẩm bò tăng từ 25,8%. Gần 2 năm trở lại đây, chúng ta đang giảm mạnh nhập khẩu trâu bò sống dùng để giết mổ (năm 2022 chỉ nhập bằng 49,5% so với năm 2021 và 11 tháng đầu năm 2023 chỉ nhập bằng 43,7% so với cùng kỳ 2022).

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ngành chăn nuôi đang có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. 

"Cục Chăn nuôi cần có phương án điều tiết như thế nào để tất cả cùng đi một con đường, chứ không chỉ vài năm tới chỉ còn các doanh nghiệp FDI kiểm soát. 

Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất của ngành chăn nuôi đang có vấn đề và bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều lĩnh vực chưa chọn đúng điểm rơi nên chưa kiểm soát được giá thành sản phẩm ngành chăn nuôi. Chỉ một số ít các doanh nghiệp lớn có giá thành đạt xấp xỉ mức giá trên thế giới", ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Nghịch lý đất nước có 30,3 triệu con lợn, hơn 558 triệu con gia cầm, nhưng nhập khẩu thịt vẫn tăng 85% - Ảnh 2.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo ngành chăn nuôi "cần chủ động, không ngồi chờ" để có sự bứt phá hơn trong năm tới. Ảnh: K.Trung.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2023 của ngành chăn nuôi, sự tăng trưởng về số lượng, giá trị kinh tế của các đàn vật nuôi, đặc biệt là công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường cho ngành chăn nuôi phát triển.

"Sản lượng tăng trưởng trong lúc khó khăn, tổng cung tổng cầu thay đổi vẫn tăng trưởng, khả năng tiêu thụ thấp nhưng vẫn tăng trưởng cao, đó là bài toán khó đặt ra cho ngành chăn nuôi. Phải xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ, xem lại cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, tăng gia cầm, giảm đàn lợn để có sự cân đối", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

"Các đơn vị cần tăng cường sự phối hợp, đặc biệt phải chủ động tổ chức sản xuất, không được ngồi chờ. Bộ đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước cho rồi thì không được làm đối phó, nửa vời, phải làm thực chất, có kết quả, hiệu quả. 

Lĩnh vực khoa học công nghệ, giống gốc, chương trình giống… các đơn vị được giao nhiệm vụ phải thay mặt Bộ để thẩm định, kiểm soát chặt chẽ vấn đề về giống. Các đề nghiên cứu khoa học còn nợ, chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu đề ra phải đẩy nhanh tiến độ vì sắp hết thời hạn", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nêu cao vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi: "Tăng trưởng nhờ đâu, tái cơ cấu như thế nào, chuyển dịch cơ cấu các đối tượng vật nuôi chủ lực như thế nào phải quan tâm đến doanh nghiệp, "đầu tầu" dẫn dắt ngành. Vì vậy phải nhanh tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, bên cạnh đó tăng cường cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem