Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: 17 chỉ tiêu cụ thể, 3 nhiệm vụ đột phá, 7 nhiệm vụ giải pháp

Đức Thịnh Thứ bảy, ngày 23/03/2024 06:32 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 22/3, đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2023.
Bình luận 0

3 điểm nhấn quan trọng

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đã thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2023 – 2028; thông tin về Đại hội; những nội dung cơ bản của báo cáo chính trị Đại hội. 

Đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết: Với sự chuẩn bị sớm, tinh thần trách nhiệm cao, công phu, khoa học, Báo cáo chính trị Đại hội VIII đạt được 3 điểm nhấn quan trọng.

Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: 17 chỉ tiêu cụ thể, 3 nhiệm vụ đột phá, 7 nhiệm vụ giải pháp- Ảnh 1.

Đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2023. Ảnh: Đức Quảng

Theo đó, với tiêu đề Báo cáo chính trị: "Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" đã thể hiện, bao hàm được cơ bản toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Hội, vai trò, vị trí của nông dân; đúng chủ trương của Đảng về xây dựng Hội và giai cấp nông dân trong những năm tới.

Chủ đề Đại hội VIII là Đại hội "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển".

Phần II của Báo cáo chính trị về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2023 – 2028 bám sát với các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị.

Đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết: Đại hội được tổ chức trọng thể từ ngày 25 - 27/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Việt Nam, thủ đô Hà Nội. Đại hội đã vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước dự và chỉ đạo Đại hội.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm đã thông tin những nội dung cơ bản của báo cáo chính trị. Theo đó, báo cáo chính trị Đại hội gồm 2 phần: Phần thứ nhất là kết quả công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023. Phần thứ 2 là phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào nông dân năm 2023 – 2028.

Đồng chí Bùi Thị Thơm đánh giá, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã được các cấp Hội chú trọng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.

Theo đó, cùng với tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là liên quan lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà nổi bật là Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 20, Nghị quyết 46, các Nghị quyết của Hội; nội dung tuyên truyền tập trung vào các cách làm hay, các mô hình hiệu quả, tuyên truyền kiến thức KHKT; tuyên truyền các sản phẩm nông sản, kết nối tiêu thụ nông sản hiệu quả. Đây là điểm mới về nội dung.

Về hình thức: Ngoài các phương pháp truyền thống thì điểm mới trong công tác tuyên truyền là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các mạng xã hội để tuyên truyền.

Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: 17 chỉ tiêu cụ thể, 3 nhiệm vụ đột phá, 7 nhiệm vụ giải pháp- Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (khoá VIII), nhiệm kỳ 2023 – 2028; Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Đồng chí Bùi Thị Thơm cũng đánh giá cao Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt, Tạp chí Nông thôn mới đã bám sát tôn chỉ mục đích, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hính thức ngày càng đáp ứng nhu cầu cán bộ, hội viên nông dân. 

Đặc biệt báo điện tử Dân Việt đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển báo theo hướng hiện đại, truyền thông đa phương tiện, đa nền tiện cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin đến độc giả, cán bộ hội viên, nông dân. Trước Đại hội VIII, Báo NTNN/Dân việt đã mở chuyên mục "Góp ý dự thảo Văn kiện trình Đại hội VIII" để lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân cả nước, trên 12.000 lượt đọc và cho ý kiến góp ý.

5 bài học kinh nghiệm trong công tác Hội và phong trào nông dân

Đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết: Công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã hoàn thành cơ bản với hầu hết chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội VII đề ra. Có 30/33 chỉ tiêu thành phần thực hiện đạt và vượt, chiếm 91%.

Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; tổ chức tốt các phong trào nông dân mang lại hiệu quả thiết thực. Vai trò của Hội là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường ngày càng được thể hiện rõ nét; vị trí, uy tín, vị thế của Hội được khẳng định và nâng cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, tổ chức bộ máy một số tỉnh, thành Hội còn chậm hoàn thiện, trình độ, năng lực một số cán bộ Hội chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động Hội một số nơi chậm đổi mới; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng; công tác kiểm tra, giám sát ở cấp cơ sở chưa hiệu quả; phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, một số nơi hiệu quả chưa cao.

Đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết: Qua thực tế phong trào, đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm.

Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với Hội Nông dân cùng cấp là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân.

Hai là, sự đoàn kết, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức Hội là nhân tố cơ bản, quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội và chất lượng phong trào nông dân.

Ba là, chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là người đứng đầu là yếu tố quan trọng để phát triển tổ chức Hội; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo nâng cao đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, tổ chức tốt các phong trào mang lại hiệu quả thiết thực là động lực thu hút nông dân tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội sát với điều kiện thực tế, phù hợp với đặc thù của từng địa phương và định hướng phát triển của nền kinh tế, xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế với các chính sách mới là cơ sở thực hiện thành công, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào của nông dân.

Năm là, phát huy dân chủ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội sẽ phát huy sức mạnh tinh thần đoàn kết, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của nông dân, củng cố niềm tin, gắn bó nông dân với Đảng, Nhà nước.

Về phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 2023 – 2028, đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2023-2028) là xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đại hội VIII đề ra 5 mục tiêu tổng quát với 5 nội hàm khác nhau:

1). Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân, tận tụy phục vụ nông dân; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng và củng cố cơ sở Hội vững mạnh.

2). Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; nâng cao năng lực làm chủ của nông dân

3). Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả

4). Xây dựng người nông dân văn minh, giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và nếp sống văn minh; nâng cao trình độ, năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của nông dân

5). Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại nhân dân, thu hút và phát huy các nguồn lực góp phần nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân.

Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: 17 chỉ tiêu cụ thể, 3 nhiệm vụ đột phá, 7 nhiệm vụ giải pháp- Ảnh 3.

Các đại biểu tham Hội nghị tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Đức Quảng

17 chỉ tiêu Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam 

Đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết Đại hội đã thống nhất phấn đấu thực hiện 17 chỉ tiêu Đại hội, trong đó có 8 chỉ tiêu là sự cụ thể hóa chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết 46.

1. Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Hội.

2. Phấn đấu 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và Chi hội trưởng chi Hội Nông dân được trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nghiệp vụ công tác Hội. (Nghị quyết 46: 100% cán bộ hội nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ)

3. Kết nạp từ 1,0 triệu hội viên mới trở lên (Nghị quyết 46: Hằng năm kết nạp từ 200.000 hội viên nông dân mới trở lên)

4. Thành lập mới 25.000 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, 2.500 chi Hội Nông dân nghề nghiệp. (Nghị quyết 46: Mỗi năm Thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp)

5. Có ít nhất 97% cơ sở Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

6. Phấn đấu 100% chi Hội có quỹ hoạt động Hội.

7. Trực tiếp, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 1,25 triệu hội viên và lao động nông thôn trở lên (Nghị quyết 46: Mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 250.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên).

8. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho 250.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên. (Nghị quyết 46: Mỗi năm bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 50.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên).

9. Hỗ trợ ít nhất 500.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

10. Có 100% hội viên tham gia bảo hiểm y tế. (Nghị quyết 46: Mỗi năm 100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế).

11. Vận động từ 250.000 hội viên trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (Nghị quyết 46: Mỗi năm 50.000 hội viên nông dân trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

12. Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. (Như Nghị quyết 46)

13. Có từ 30% số hội viên trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã (Nghị quyết 46 – mỗi năm vận động từ 450.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã)..

14. Hỗ trợ thành lập mới 5.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 1.000 hợp tác xã nông nghiệp.

15. Có 100% hộ hội viên sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

16. Tăng trưởng quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách.

17. Có 100% cơ sở Hội xây dựng được mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

7 nhiệm vụ và giải pháp, 3 nhiệm vụ đột phá được xác định như sau:

Đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết: Để thực hiện 17 chỉ tiêu đề ra, các cấp Hội Nông dân Việt Nam tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ và giải pháp

1: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh

2: Xây dựng người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện

3: Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới

4: Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

5: Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

6: Tích cực tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh

7: Chủ động, tích cực hội nhập và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoạt động đối ngoại nhân dân

Ba nhiệm vụ đột phá được xác định như sau:

(1) Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân.

(2) Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

(3) Nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp.

Tại hội nghị, đồng chí Bùi Thị Thơm cũng đánh giá cao Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt, Tạp chí Nông thôn mới đã bám sát tôn chỉ mục đích, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hính thức ngày càng đáp ứng nhu cầu cán bộ, hội viên nông dân. Đặc biệt báo điện tử Dân Việt đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển báo theo hướng hiện đại, truyền thông đa phương tiện, đa nền tiện cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin đến độc giả, cán bộ hội viên, nông dân. Trước Đại hội VIII, Báo NTNN/Dân việt đã mở chuyên mục "Góp ý dự thảo Văn kiện trình Đại hội VIII" để lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân cả nước, trên 12.000 lượt đọc và cho ý kiến góp ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem