Nghề làm đẹp vẫn ăn nên làm ra

Thùy Anh Thứ ba, ngày 22/09/2020 06:19 AM (GMT+7)
Trái với dự báo về khó khăn chung của các ngành nghề dịch vụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trung tâm, thẩm mỹ viện vẫn ăn nên làm ra. Cùng với đó, nhu cầu tuyển nhân lực ngành chăm sóc sắc đẹp cũng nhiều hơn.
Bình luận 0

Dần chuẩn hóa nhân lực

Trước đây, đa phần lao động làm nghề chăm sóc sắc đẹp đều không qua đào tạo trường lớp mà chỉ được truyền nghề qua những lao động có kinh nghiệm đi trước. Điều này làm hạn chế việc học, cập nhật các kỹ năng mới. Thậm chí, có nhiều lao động không được học hành tử tế, dẫn tới khi làm nghề mắc phải những sai lầm, khiến cho khách hàng thiệt hại.

Thế nhưng từ 5 năm trở đây, ngành chăm sóc sắc đẹp dần được biết đến nhiều hơn. Hiện nay, có hàng trăm trường, trung tâm dạy nghề chăm sóc sắc đẹp một cách chuyên nghiệp.

Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội đánh giá, do nhu cầu chăm sóc sắc đẹp trong xã hội ngày càng tăng nên nhu cầu nhân lực của ngành này cũng tăng theo. Một số ngành chăm sóc sắc đẹp thật sự thu hút là làm tóc, chăm sóc da, massage...

Nghề làm đẹp vẫn ăn nên làm ra  - Ảnh 1.

Giờ thực hành kỹ thuật phun môi của lớp chăm sóc sắc đẹp, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: M.N

"Những cuộc thi trong ngành chăm sóc sắc đẹp góp phần làm gia tăng tính sáng tạo cho lao động trong ngành, đồng thời cũng là cơ hội để họ rèn luyện tay nghề. Từ đó, đưa nghề làm đẹp Việt Nam lên một tầm cao mới, sánh vai với các nước trong tương lai".

PGS-TS Dương Đức Lân

Năm nay trường tuyển dụng 1.600 chỉ tiêu đào tạo, trong đó riêng ngành chăm sóc sắc đẹp là 200 chỉ tiêu. So với các ngành khác thì ngành này có lợi thế tuyển sinh, gần như năm nào cũng tuyển đủ và vượt chỉ tiêu.

"Lao động học nghề chăm sóc sắc đẹp thường chỉ mất từ 2-3 năm nếu học ngành trung cấp, hoặc cao đẳng. Để tạo điều kiện cho các em học, nâng cao tay nghề, chúng tôi dành hơn một nửa thời lượng để các em vừa học vừa thực hành và đi làm tích lũy kinh nghiệm" - ông Khánh cho hay.

Nguyễn Thu Trâm - nhân viên chăm sóc sắc đẹp tại Spa Trang Nhi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cô theo học tại Khoa Chăm sóc sắc đẹp ở Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội. Sau 3 năm học, cô có bằng nghề, nhưng quan trọng hơn cả tấm bằng và kỹ năng nghề là cô được rèn thái độ làm việc chuyên nghiệp.

Trâm cho biết: "Trong suốt quá trình học, em được các thầy cô đào tạo rất nhiều kỹ năng chăm sóc sắc đẹp. Nhiều nhất là các kỹ năng chăm sóc da kỹ thuật hiện đại, tiếp đến là kỹ năng làm móng, tóc, mi... và cả trang điểm. Thời gian học lý thuyết được rút ngắn, thay vào đó là tăng thời lượng thực hành và rèn kỹ năng làm việc chuyên nghiệp vì thế khi tốt nghiệp em rất tự tin với tay nghề".

Chị Trang Nhi - chủ Spa Trang Nhi cho biết, Trâm là một trong số ít lao động có tay nghề, làm việc cực chuyên nghiệp của trung tâm. Các spa hiện rất cần những lao động có tay nghề thái độ làm việc chuyên nghiệp như vậy. Hiện với những lao động có tay nghề như Trâm, mức lương có thể dao động từ 8-12 triệu đồng/người/tháng, hoặc cao hơn tùy thuộc vào doanh số kinh doanh của spa.

Xây dựng thương hiệu qua các cuộc thi

Để xây dựng phát triển, và tìm kiếm tài năng ngành làm đẹp, nhiều năm qua Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam (VNBA) đã tổ nhiều cuộc thi ở tầm quốc gia. Hôm 18/9 vừa qua, Hội đã phối hợp Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi VNBA - Beauty Awards 2020 lần thứ 2. Cuộc thi có quy mô toàn quốc, thu hút nhiều cơ sở làm đẹp lớn tham dự.

Cuộc thi đang thu hút số lượng lớn thí sinh tham gia và liên tục nhận bài dự thi từ các thí sinh trên khắp cả nước gửi về. Dự kiến, có khoảng 500 bài thi. Để chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất cho đêm chung kết, cuộc thi sẽ được chấm điểm bởi ban giám khảo là những người nổi tiếng và có uy tín, như chuyên gia trang điểm Mạnh Tưởng, nhà báo Nguyễn Hoàng Yến, chuyên gia phun thêu thẩm mỹ Mai Kim Phụng, cố vấn da spa thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Minh…

Nội dung các bài dự thi bao gồm phun thêu thẩm mỹ, chăm sóc da - spa, thiết kế và tạo mẫu tóc, nghệ thuật vẽ móng. Rất nhiều phần thi được Ban tổ chức yêu cầu trình diễn trên mẫu thật, gia tăng phần thi đối kháng để tạo nên sự hấp dẫn ở các vòng thi.

PGS-TS Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho biết: "Những năm gần đây, lĩnh vực làm đẹp ngày một phát triển. Tuy nhiên để có thể phát triển bền vững, làm nghề phải có chất lượng, uy tín và thương hiệu, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay".

Cũng theo PGS-TS Dương Đức Lân, để nâng cao chất lượng và thương hiệu phải có sự cọ xát, giao lưu qua những cuộc thi. Qua đây cũng là cơ hội để tôn vinh những chuyên gia, người thợ có kỹ năng và tay nghề tốt.

"Ngoài ra cuộc thi cũng là cơ hội cho các nhà tuyển dụng cũng như mở ra những cơ hội việc làm mới cho thí sinh dự thi" - ông Lân cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem