Nga không ngán cuộc chiến ngôn từ của phương Tây

Thứ năm, ngày 06/03/2014 09:07 AM (GMT+7)
Dù hăm dọa và lên án Putin liên tục, Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu chẳng có biện pháp hiệu quả nào để ngăn cản Nga nếu nước này can thiệp quân sự vào Ukraina.
Bình luận 0
Ukraina, một nước từng thuộc Liên Xô cũ, giờ đây trở thành trung tâm trong bàn cờ chính trị giữa phương Đông và phương Tây. Trong mấy ngày qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin phớt lờ những lời đe dọa từ phía Mỹ - bao gồm việc tẩy chay hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Sochi vào tháng 6 năm nay, hủy các cuộc đàm phán thương mại do Moscow đề xuất. Do Ukraina không phải là thành viên của NATO, Mỹ và châu Âu không có nghĩa vụ bảo vệ nước này.

"Mỹ, NATO và một số nước đưa ra những lời lẽ cứng rắn, nhưng đó chỉ là những lời đe dọa suông. Họ chẳng thể làm gì để tác động tới tình hình”, Keir Giles, một nhà phân tích quân sự Nga tại Viện nghiên cứu Chatham House tại London, bình luận.

Một lính vũ trang ngồi trên xe bọc thép để canh gác trụ sở của lực lượng tuần duyên Ukraina ở ngoại ô thành phố Sevastopol, bán đảo Crimea hôm 1.3. Ảnh: AP
Một lính vũ trang ngồi trên xe bọc thép để canh gác trụ sở của lực lượng tuần duyên Ukraina ở ngoại ô thành phố Sevastopol, bán đảo Crimea hôm 1.3. Ảnh: AP

Hôm 1.3, Tổng thống Putin yêu cầu quốc hội cho phép chính phủ đưa quân vào bán đảo Crimea nói chung và toàn lãnh thổ Ukraina nói riêng. Ông đưa ra yêu cầu sau đúng một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng bất ổn có thể lan rộng nếu Nga xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Cả Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma quốc gia (Hạ viện) đều phê chuẩn đề xuất của Tổng thống.

Chắc chắn những hành động mới nhất của Putin sẽ khoét sâu hơn sự bất đồng giữa ông với Obama, người đang cố gắng thay đổi quan điểm của Điện Kremlin đối với hàng loạt vấn đề. Nhà Trắng thông báo hai nhà lãnh đạo điện đàm với nhau khoảng 90 phút hôm 1.3. Trong cuộc nói chuyện Obama nói rằng Nga sẽ đối mặt với sự cô lập về chính trị và kinh tế nếu Moscow vi phạm luật pháp quốc tế.

Trừng phạt Nga về vấn đề Ukraina không phải là việc dễ dàng đối với Mỹ, bởi Nhà Trắng cần sự hợp tác của Điện Kremlin trong hàng loạt vấn đề - như ngăn chặn xung đột tại Syria, đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran, vận chuyển quân Mỹ và khí tài ra khỏi Afghanistan bằng các tuyến đường của Nga.

“Mỹ đối mặt với lựa chọn khó khăn trong nỗ lực trừng phạt Nga, bởi nếu trừng phạt Moscow, chính Washington cũng lâm vào thế khó”, Andrew Kuchins, giám đốc Chương trình Nga của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, phát biểu.

Obama từng thử dùng những chuyến công du tới Nga để làm công cụ mặc cả, với hy vọng Putin sẽ nhân nhượng do sợ “mất mặt” trước cộng đồng quốc tế. Vào mùa hè năm ngoái, Nhà Trắng dọa rằng họ sẽ hủy cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa Obama và Putin nếu Nga không chịu giao Edward Snowden, người tiết lộ chương trình do thám quy mô lớn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, cho Washington.

Bất chấp lời đe dọa, Điện Kremlin vẫn cho phép Snowden tị nạn. Sau đó, Obama hủy cuộc gặp với Putin, song vẫn tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố St. Petersburg.

Washington tỏ ra không mặn mà với ý tưởng can dự quân sự vào Ukraina. Trong một tuyên bố với những ngôn từ thận trọng hôm 28.2, Obama không nói rằng sự bất ổn tại Ukraina sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ. Ông chỉ nói rằng “một Ukraina bất ổn sẽ không mang tới lợi ích cho Ukraina, Nga hay châu Âu”.

Các quan chức châu Âu bày tỏ quan ngại về sự leo thang quân sự của Nga, nhưng chỉ đưa ra rất ít giải pháp để ngăn chặn hoặc trừng phạt Moscow. Liên minh châu Âu – vốn đang vật vã với những vấn đề nội bộ - tỏ ra do dự trong việc hỗ trợ toàn diện Ukraina hay đối đầu với Nga, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của họ.

“Thế giới đang đứng bên bờ của một xung đột mà hậu quả của nó có thể vượt ra ngoài trí tưởng tượng của chúng ta”, Thủ tướng Ba Lan, ông Donal Tusk, bình luận. Tusk kêu gọi châu Âu phát một tín hiệu rõ ràng để cảnh báo Nga rằng họ sẽ không làm ngơ trước hành động gây hấn, nhưng ông không hề vạch ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp hai ngày liên tiếp từ hôm 2.3 để thảo luận về tình hình Ukraina. Kiev yêu cầu 4 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an – gồm Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc – ngăn chặn “sự gây hấn của Nga”. Nhưng với tư cách là thành viên thường trực, Nga cũng có quyền phủ quyết. Điều đó có nghĩa là Liên Hiệp Quốc chẳng bao giờ có cơ hội thông qua một nghị quyết để lên án sự can thiệp của Moscow vào nước láng giềng.
Tri Thức (Theo Tri Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem