Về quê theo chân người đặt trúm

Bài, ảnh: Phúc Lộc Chủ nhật, ngày 06/09/2015 15:36 PM (GMT+7)
Vào những ngày mưa đầu mùa năm nay tôi có dịp về thị trấn Một Ngàn, tỉnh Hậu Giang, được theo chân người dân quê tôi ra đồng đặt trúm lươn.
Bình luận 0

Nhớ thời còn ở nhà, mới học cấp 2 tôi cũng đã từng theo chân người lớn vác trúm ra đồng nên việc đặt trúm đối với tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Trước kia tôi thường dùng thân tre cắt ra từng đoạn để làm ống trúm. Nay đa số người đặt trúm đều dùng ống nhựa hoặc ống nhôm vừa rẻ tiền vừa tiện lợi trong việc vận chuyển đi xa. Mỗi ống trúm dài khoảng 1 mét, miệng trúm được cày vào một cái hom bện bằng tre thật tinh tế để lươn chui vào mà không thể ra được.

Thường người đi đặt trúm bắt đầu từ ba, bốn giờ chiều. Sau khi cơm nước xong, dân trúm bắt đầu làm mồi, cài hom cẩn thận trước khi mang trúm ra đồng tìm những nơi lung bào, bưng trấp để đặt. Có người vác trúm đi bộ hoặc chở xe hai bánh, cũng có người bơi xuồng cặp theo những kênh mương để tìm chỗ “yếm” đặt cho tới sáng hôm sau mới bắt đầu dỡ trúm.

img

Niềm vui trong lúc đổ trúm bắt lươn.

Đặt trúm là một loại hình đánh bắt lươn có từ lâu đời và là một nghề của nhiều bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay ở quê tôi, dù rằng ngoài đặt trúm, nhiều người còn có cách bắt lươn bằng đặt lọp, xúc ụ, cắm câu… nhưng tiện lợi và hiệu quả nhất vẫn là đặt trúm.

Anh Trần Thanh Tâm, nhà ở thị trấn Một Ngàn, tỉnh Hậu Giang, người từng gắn bó với nghề trúm trên 10 năm cho biết: Nghề này tuy vất vả, phải lội mương, lội bùn, dầm mưa dãi nắng nhưng lại là một nghề hấp dẫn, dễ kiếm tiền. Người có kinh nghiệm, chịu khó mỗi ngày có thể thu nhập ba bốn trăm ngàn đồng. Lươn bắt được khỏi phải mang ra chợ, chỉ cần một cú điện thoại là có người đến tận chỗ thu mua.

Theo anh Tâm, bí quyết của nghề trúm là mồi và hom. Mồi không ngon lươn không chạy, hom không thông lươn không vào. Khoảng tháng Tám, tháng Chín âm lịch là thời điểm lươn chạy nhiều nhất. Mùa nắng hạn, lươn rút xuống ao hồ sông rạch, hoặc những nơi có sình lầy, nhiều cỏ rác. Người trong nghề phải biết đường đi chỗ ẩn của lươn mới có thể săn bắt được nhiều. Ở những nơi ruộng sâu, nhiều cỏ, đường nước thông thương, lươn ẩn trú nhiều dễ đánh bắt. Một người có khoảng 40 ống trúm, mổi đêm có thể kiềm từ 2 – 4 ký lươn, tùy thời tiết.   Anh Nguyễn Văn Hạnh, quê ở Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, ngày nào cũng dùng xe gắn máy chở trúm xuống Hậu Giang bắt lươn. Anh cho biết, xóm anh có trên 40 người sống bằng nghề trúm lươn, nhưng thu nhập cao hay thấp còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và sự năng động của từng người. Người có kinh nghiệm chỉ nhìn địa thế và theo dõi thời tiết cũng có thể biết được lươn chạy nhiều hay ít. Dân gian có câu: “cá chết vì đăng, lươn chết vì mồi”. Vì vậy, người đặt trúm phải hiễu rõ đăc tính của loài “háo ăn” này. Ban ngày chúng ẩn dưới bùn, ban đêm ngoi lên kiếm ăn, nhất là đầu con nước rong.

Cái thú của đặt trúm là lúc thăm trúm. Sáng sớm, gặp cơn mưa dầm, xuống nước trời lạnh thấu xương, vậy mà mỗi lần cầm ống trúm lên thấy nằng nặng, lắc nghe động đậy, biết là lươn lớn, tinh thần anh em sẽ phấn khởi ngay. 

img

Cho mồi vào trúm trước khi mang ra ruộng đặt. 

img

Chở trúm đi đặt lươn.

img

Đổ trúm bắt lươn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem