Ngỡ ngàng vẻ đẹp cổ kính rêu phong tháp cổ Mỹ Sơn

Bài, ảnh: Thanh Ly Thứ tư, ngày 09/09/2015 18:33 PM (GMT+7)
Những ngọn núi xa mờ trùng điệp, những đêm trăng huyền bí trên tháp cổ rêu phong, những nét đặc sắc trong kiến trúc và điêu khắc của khu đền tháp cổ kính... đã làm nên một Mỹ Sơn tuyệt đẹp với cảnh sắc như thực như mơ.
Bình luận 0

Thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 70 km và phố cổ Hội An 40 km, khu đền tháp cổ Mỹ  Sơn được ví như là “kho báu cổ hoành tráng” cổ xưa quí hiếm và đặc sắc văn hóa Chămpa còn giữ được của nước ta.

img

Về Mỹ Sơn trong một ngày đầu thu nắng đẹp, chúng tôi theo cung đường dốc ngoằn nghèo khúc khuỷu, qua rẫy lúa chín vàng, xa xa đàn bò thong dong gặm cỏ, thi thoảng lại bắt gặp những nụ cười hiền lành, cái gật đầu chào thân thiện của người dân quê. Đến đoạn Duy Sơn, Duy Trinh, bắt gặp bên tay trái của mình kinh đô Trà Kiệu kéo dài qua thung lũng Chiêm Sơn (Duy Trinh) mà dấu vết lưu lại ngày nay là 3 cụm phế tích Gò Lồi, Chùa Vua và Triền Tranh - khi xưa là chốn dừng chân của các tín đồ trước khi tiến vào vùng đất thánh Mỹ Sơn.

Băng qua chiếc cầu xi măng mang dáng hình ngôi tháp cổ, men theo con đường bê tông nền sơn màu gạch đỏ như một dải lụa kéo dài gần 2km chạy ngoằn ngoèo dưới tán lá rừng rợp mát là vào quần thể đền tháp Mỹ Sơn. Càng vào sâu, rừng như rộng mở với những bãi cỏ xanh mịn màng, thi thoảng bắt gặp một con suối trong mát, lũ cá háu ăn lao mình lên mặt nước bắt mồi như không hề biết đến sự hiện diện của con người…

img

Trước những di tích còn lại của một nền văn hóa xa xưa, chúng tôi bỗng òa lên ngạc nhiên pha chút bùi ngùi, xúc động trước vẻ đẹp cổ kính trầm mặc của khu tháp cổ xưa này. Theo lời người hướng dẫn viên du lịch, xưa kia Mỹ Sơn là nơi tập trung lăng mộ của các vị vua Chămpa và những người trong hoàng tộc nên thường được các vương triều Chămpa tiến hành lễ cầu cho các bậc tiên đế sau khi băng hà, hoặc cúng tế trong các dịp lễ trọng thể… Lịch sử hình thành và phát triển khu đền tháp Mỹ Sơn đã trải qua cả nghìn năm với hơn 70 đền tháp từng hiện diện mà cho đến ngày nay chúng ta chưa khám phá hết được. Qua bao biến động thời gian, chiến tranh, thiên nhiên tàn phá, số đền tháp nguyên vẹn còn lại không nhiều. Những lối mòn nội bộ sẽ đưa du khách qua từng nhóm tháp cổ.

Bước chân vào bên trong mỗi ngọn tháp mới thấy hết được bàn tay khéo léo của nghệ nhân xưa. Những viên gạch xây chồng khít lên nhau hoàn hảo, gần như không cần một chất liệu trung gian nào để gắn kết. Đáy tháp thường hình vuông hoặc chữ nhật và càng lên cao, các cạnh càng nhỏ dần cho đến đỉnh tháp. Mỗi ngôi tháp được chia làm ba phần đế, thân, mái (đỉnh) và người Chămpa quan niệm phần đế tượng trưng cho thế giới trần tục, phần thân là thế giới tâm linh của con người, phần đỉnh là cảnh giới thần linh. Bên trong tháp còn ấn tượng bởi nét hoa văn tinh tế, sắc sảo qua tượng các vị thần, voi thần Gajasimha, bò thần Nadin, vũ nữ Apsara, rồi cả bệ thờ linh vật Linga, Yoni tượng trưng cho đất trời, âm dương, là biểu tượng cao cả của tín ngưỡng Chămpa....

Khi những tia nắng yếu ớt xuyên qua tán lá, phủ mờ những cổ tháp rêu phong cũng là lúc chúng tôi phải ngậm ngùi chia tay Mỹ Sơn. Đâu đó, thoảng trong tiếng gió rì rào nhịp trống baranưng bập bùng từ điệu Chămpa của các vũ nữ khiến càng khiến lòng lữ khách bâng khuâng, xúc động.

XEM THÊM >> Chùm ảnh vẻ đẹp cổ kính rêu phong tháp cổ Mỹ Sơn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem