Ngày Tết thưởng lãm hoa lan, thú chơi thượng lưu và tao nhã

Thứ sáu, ngày 31/01/2014 13:01 PM (GMT+7)
Trầm mặc nhưng thanh cao, thượng lưu nhưng tao nhã, đó là đặc tính của loài lan. Có đến hàng trăm lọai lan với sự tinh tế riêng. Tết đến, người chơi lan lại tìm cho mình một sự thưởng lãm bên những chậu lan.
Bình luận 0
img

Thú chơi quý tộc

Xưa kia, lan là loài hoa chỉ có vua chúa mới được sở hữu, thưởng lãm… Lan đẹp và khó tính, được ví như tiểu thư khuê các. Hoa lan vốn thuần khiết, chỉ “uống” nước sạch và “hít” không khí trong lành. Vậy nên, lan được nhiều người ví với phẩm chất thanh cao.

Với những người yêu lan hẳn đều biết đến nghệ nhân Nguyễn Huy Tấn – người được mệnh danh là “thần đồng” trong nghệ thuật trồng và chăm sóc hoa lan. Từ chơi và yêu hoa lan từ thuở nhỏ, anh đã cất công sưu tầm cả trăm giống lan quý. Bôn ba lặn lội khắp các vùng rứng núi trong Nam ngoài Bắc, đến nay a trở thành chủ vườn lan Tương Ngộ ở thôn Cổ Bản (huyện Thanh Oai – Hà Nội).

Nghề chơi đều rất công phu nhưng đã chơi lan thì phải hiều về loài hoa quý phái này. Người xưa có câu: “Vua chơi lan, quan chơi trà”, còn dân gian thì chỉ chơi cây cảnh thôi. Ý nói chơi lan là một thú chơi quý tộc, bởi lan cần chăm sóc cầu kỳ, người chơi lan phải hòa mình mới mong có bông hoa đẹp, thế hoa tao nhã. Một chậu địa lan đẹp giá có thể tới vài triệu đồng hoặc hàng chục triệu đồng. Anh Tấn kể rằng, mới đây, có một người khách đến đặt anh một chậu lan Thanh Ngọc với giá cả không phải “lăn tăn” để về chơi Tết nhưng anh đành chịu vì loài Thanh Ngọc cổ và rất hiếm.

Theo cách lý giải của anh Tấn: Thanh Ngọc là chúa tể của các loài lan. Lan Thanh Ngọc lá đều, mảnh như trăng lưỡi liềm, hoa chia tứ trụ, gọi là “Tứ trụ long đình”, cánh đều không ngắt quãng như Cẩm Tố vì đẹp và hiếm (hiện trên thì trường không có loại lan này) nên nó trở nên vô giá.

Những người chơi Thanh Ngọc lâu năm cũng chỉ có thể nhân ra một vài nhánh để trao đổi với bạn mà thôi. Lan Thanh Ngọc trên thị trường thực ra chỉ là Thanh Ngọc Trung Quốc, lá thường, hoa phớt vàng, thua xa Thanh Ngọc cổ (những người bán hàng rong thường nói với khách mới chơi là Thanh Ngọc) cũng có giá tới 7-8 trăm ngàn đồng một nhánh nhỏ bằng đốt ngón tay!

Theo anh Tấn, địa lan có nhiều dòng cổ và quý hiếm, mỗi dòng thường gắn với một điển tích. Chẳng hạn, Thanh Ngọc tượng trưng cho vẻ đẹp tuyệt mỹ, là bà chúa của lan; Thanh Trường (lá trực) tượng trưng cho tính cách người quân tử; Hoàng Điểm tượng trưng cho hạnh phúc. Đặc điểm của Hoàng Điểm là hoa vàng có điểm đỏ ở lưỡi,nhưng Hoàng nhất điểm chỉ có một điểm đỏ ở lưỡi, Hoàng nhị điểm thì lưỡi có một trái tim màu đỏ, họng tía đỏ, Hoàng điểm sen hoa thì cánh hình hoa sen điểm trái tim đỏ…

Tương truyền rằng vua Trần Nhân Tông khi đến tu ở núi Yên Tử một đêm đã nằm mộng thấy một lòai hoa tuyệt đẹp, tỏa hương dịu dàng. Hôm sau vua thấy từ xa thoang thoảng đưa lại một mùi hương lạ, như trong giấc mơ. Vua Trần đi theo dấu hương ấy vào trong rừng sâu, thì thấy bên suối có một khóm hoa lạ bèn mang về trồng ở kinh thành. Đó chính là loại địa lan sau này được gọi tên là Trần mộng để tưởng nhớ vua Trần, người có công tìm ra loại lan quý ấy.

img

Chuyện đi “săn” lan

Anh Tấn vẫn cùng bạn bè đi về các tỉnh miền núi để sưu tầm giống lan quý. Giống lan cổ giờ đây hiếm lắm, từ khi “yêu” lan, anh Tấn đã trang bị cho mình một kho tri thức về lòai hoa này. Anh Tấn kể lại: “Khi trước, đóng quân tại Bắc Kạn, anh đã bị mê hoặc khi nhìn thấy những bông hoa lan rứng tuyệt đẹp trên những vách đá. Thế rồi ngày nghỉ, anh thường rủ bạn vào rừng tìm hoa lan về treo ở đơn vị. Ngày ấy anh chưa hiểu biết nhiều về lan nên chỉ chơi được vài loại không hiếm lắm như lan đuôi cáo, lan phi điệp…

Theo anh Tấn,lan truyền thống có nguồn gốc từ rừng núi nước ta, khi mang về nhà chăm sóc, thuần dưỡng thì cho hoa rất đẹp. Thế là anh quyết tâm đi vào rừng để tìm bà chúa hoa lan. Những chuyến đi rừng vất vả, bù lại anh đã tìm được những loại lan rừng tuy còn lẫn trong cỏ dại nhưng lại có một vẻ đẹp và mùi thơm đến mê hồn.

Anh nhớ lại: “Sau bao ngày lặn lội đến các vùng núi Tu Lý (Đà Bắc, Hòa Bình, Yên tử, Cao Bằng… anh đã sưu tầm được hàng chục loại hoa quý như Thanh Hòa Bình, Mạc Hòa Bình (Mạc lá vàng), Hoàng điểm thủy tiên, Hoàng điểm sen hoa, Hoàng điểm tuyết tố, Mạc Hồng, Mạc huyết nhung, Đại hoàng, Tiểu hoàng, Mạc mẫu tử (Mạc yên tử). Đối với anh Tấn, chỉ nhìn qua là có thể kể tên vanh vách và phân biệt rất rõ từng loại lan, không những thế anh chỉ cần ngửi mùi hương là có thể phân biệt đựợc chậu hoa đó thuộc dòng nào, loại nào.

Trăn trở với loài hoa lan, anh vợ của mình đã mở một cửa hàng ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) nhằm giới thiệu những loại lan cổ quý hiếm mà anh chị sưu tầm được cho những người chơi lan. Khi cửa hàng mở ra, lập tức trở thành địa chỉ của những người chơi lan Thủ đô đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Nhờ đó, anh Tấn đã tìm và nhân giống được nhiều dòng lan quý tưởng như đã bị mai một.

Thế rồi mỗi phiên chợ Bưởi có thêm nhiều loại phong lan, địa lan truyền thống đã khơi dậy nghệ thuật chơi lan có từ bao đời của một Hà Nội xưa. Vài năm gần đây, hội thi hoa lan đã được tổ chức trong dịp Tết xuân và ngày càng được nhiều người biết đến như một thú chơi thanh nhã, độc đáo.

Những ngày chợ phiên giáp Tết cũng chính là ngày mà câu lạc bộ những người yêu lan ở Hà Nội đến đây tụ hội. Bên ấm trà sen thơm ngát, họ cùng chia sẻ kinh nghiệm và tình yêu với hoa lan.

Báo Gia đình Việt Nam (Theo Báo Gia đình Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem