Năm 2023, tăng số lượng và tầm ảnh hưởng của các kỳ thi độc lập

Thứ ba, ngày 03/01/2023 13:23 PM (GMT+7)
Năm 2023, số lượng đại học/trường đại học tổ chức kỳ thi độc lập đã tăng lên; cùng với đó, các cơ sở sử dụng kết quả này trong tuyển sinh cũng được mở rộng. Đây là nội dung được nhiều phụ huynh, học sinh rất quan tâm để định hướng ôn tập cho đúng và trúng.
Bình luận 0
Năm 2023, tăng số lượng và tầm ảnh hưởng của các kỳ thi độc lập - Ảnh 1.

Năm 2023, có đông đảo học sinh THPT quan tâm các kỳ thi tuyển sinh được tổ chức độc lập (Ảnh: FB THPT Việt Đức- Hà Nội)

Tăng đơn vị sử dụng kết quả thi độc lập

Bên cạnh kỳ thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an, cả nước hiện có 5 cơ sở giáo dục ĐH tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Tin tưởng vào chất lượng của các kỳ thi và uy tín của các cơ sở giáo dục này, nhiều trường đại học trên cả nước đã và sẽ sử dụng kết quả của các kỳ thi độc lập để tuyển sinh.

Năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực- ĐHQGHN (HAS) sẽ được tổ chức tại 17 địa điểm thi (tăng 2 địa điểm), đồng thời có thể cân nhắc mở thêm một vài địa điểm thi miền Trung xét theo nhu cầu thí sinh thời gian tới. Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000-20.000 thí sinh và hướng tới phục vụ trên 70.000 thí sinh.

Năm 2023, tăng số lượng và tầm ảnh hưởng của các kỳ thi độc lập - Ảnh 2.

Sinh viên trường ĐH Quốc tế- ĐHQGHN (Ảnh: FBNT)

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN năm 2022, có trên 60 cơ sở đào tạo đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN (HAS) để xét tuyển thì năm 2023, dự kiến sẽ có thêm nhiều ngành đào tạo, trường đại học trong cả nước sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Năm nay thí sinh có thể chuyển đổi điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN và điểm bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Do đó, có thể nhiều trường đại học phía Nam sẽ sử dụng kết quả bài thi HSA để xét tuyển và các trường đại học phía Bắc có thêm cơ hội thu hút thí sinh từ miền Nam ra học từ nguồn tuyển thí sinh dự thi đánh giá năng lực.

Tương tự với kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2022 có trên 20 cơ sở đại học sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh thì năm 2023, với nhiều thay đổi về nội dung, các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả Đánh giá tư duy được mở rộng, bao gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

Năm trước, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ sử dụng trong tuyển sinh của nội bộ trường thì năm 2023, có thêm 7 trường khác sẽ sử dụng kết quả bài thi này để tuyển sinh, đó là các trường: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường Sư phạm (Trường ĐH Vinh), Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Việc tăng tính liên kết, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục được cho là bước đi đúng hướng, phù hợp với nguyện vọng của xã hội và cũng đúng với chủ trương của Bộ GD&ĐT; điều này tạo điều kiện tốt, gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự quá nhiều kỳ thi mà chỉ cần thi một lần để xét tuyển nhiều trường.

Những điều chỉnh cần lưu ý

Mặc dù nhiều thí sinh đã chuẩn bị tinh thần và tìm hiểu thông tin về các kỳ thi riêng nhưng mới đây, các cơ sở đào tạo đã cập nhật, công khai, trao đổi, phân tích, nhấn mạnh những điều chỉnh, điểm mới của các kỳ thi độc lập năm nay để lưu ý thí sinh.

Với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN (HAS), dù không có thay đổi nào về dạng thức, câu trúc đề thi nhưng có một số điều chỉnh về mặt hành chính. Cụ thể: Thí sinh chỉ được đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày với mức lệ phí là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi. Thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy toàn bộ kết quả đăng ký dự thi, kết quả đã thi hoặc hồ sơ đăng ký các ca chưa thi.

Năm 2023, tăng số lượng và tầm ảnh hưởng của các kỳ thi độc lập - Ảnh 3.

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: FBNT)

Nhấn mạnh những điểm mới của kỳ thi đánh giá tư duy- ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS Vũ Duy Hải, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh cho hay: “Rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 có nhiều điểm sáng, thuận lợi cho quá trình làm bài thi của học sinh. Bài thi có nội dung được điều chỉnh gọn nhẹ hơn (từ 270 phút xuống còn 150 phút) và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính, được tổ chức thi nhiều đợt, ở nhiều địa điểm và không giới hạn đối tượng hay số lần dự thi. Thí sinh tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường Đại học chấp nhận kết quả này.

Đánh giá tư duy năm 2023 cũng xóa bỏ tổ hợp môn học để phù hợp với chương trình giáo dục THPT mới áp dụng. Phần thi Toán học được chuyển sang hình thức trắc nghiệm với 4 dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn. Cấu trúc đề thi ở phần thi Tư duy Toán phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đảm bảo tính khách quan trong chấm điểm, vừa yêu cầu năng lực tự luận, trình bày của thí sinh dự thi. 

Trao đổi về kỳ thi đánh giá năng lực- ĐH Sư phạm Hà Nội, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Cấu trúc bài thi, đề thi cơ bản không đổi với 8 môn thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý; trong đó, đề Ngữ văn có 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận. Trong năm 2023, trường sẽ bổ sung ngân hàng câu hỏi, điều chỉnh để phù hợp với năng lực của thí sinh. Đề thi sẽ rất hiếm câu hỏi nhận biết - mức thấp nhất trong các thang đánh giá, nhằm chọn được thí sinh chất lượng.

“Kỳ thi đánh giá năng lực giúp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và các trường đại học khác tuyển chọn được các sinh viên có năng lực phù hợp. Đồng thời, góp phần giảm đáng kể chi phí từ ngân sách nhà nước và chi phí của xã hội cho các kỳ thi tuyển sinh, tạo điều kiện để thí sinh chọn đúng và trúng tuyển ngành đào tạo, trường đại học phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân” – GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh. 

Thí sinh không cần học thêm hay luyện thi

PGS. Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu- Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GDĐT nêu quan điểm: Kỳ thi đánh giá tư duy mang tính đột phá, không tập trung vào việc kiểm tra kiến thức. Việc rèn luyện tư duy là một quá trình dài đã được hình thành trong suốt quá trình học, bởi vậy thí sinh không cần mất thời gian ôn luyện nhiều, chỉ cần một tâm thế tốt để đi thi.

PGS Nguyễn Phong Điền- Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: Kỳ thi Đánh giá tư duy được tổ chức bài bản với mục tiêu tìm kiếm các thí sinh có khả năng tư duy tốt, vốn được rèn luyện và trau dồi trong quá trình học tập; vì vậy không khuyến khích học sinh học tủ, học lệch và ôn luyện thông qua các lò luyện thi truyền thống.

“Ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN rất lớn nên việc ôn luyện tại các trung tâm không mang lại hiệu quả. Thí sinh cần nắm vững kiến thức của chương trình THPT ở trên lớp, tự học và chuẩn bị tâm lý vững vàng để đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực”- GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQGHN lưu ý.

Nhiều điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển đại học năm 2023. Clip: VTV.VN

Nam Du (Kinh tế Đô thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem