Muộn màng với nhiều nghệ sĩ

Chủ nhật, ngày 12/06/2011 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong số những hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu NSND lần này có khá nhiều tên tuổi nổi tiếng của điện ảnh VN nhưng đã đi xa như đạo diễn Phạm Kỳ Nam, NSƯT Phương Thanh...
Bình luận 0

Theo thông tin từ Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VHTTDL, đến thời điểm này Vụ đã nhận được gần 900 hồ sơ đề nghị xét tặng các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu NSND, NSƯT từ các địa phương và các đơn vị nghệ thuật T.Ư gửi về. So với 6 kỳ phong tặng trước đây thì số hồ sơ xin xét tặng lần này đạt con số kỷ lục với sự xuất hiện rất nhiều gương mặt quen thuộc của môn nghệ thuật thứ 7.

img
3 thành viên gia đình nghệ sĩ múa Linh Nga.

Điện ảnh "áp đảo"

Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nhiều nhất thuộc về lĩnh vực điện ảnh. Trong số 77 hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, ngành điện ảnh "áp đảo" với 37 hồ sơ của Hội Điện ảnh VN gửi lên có những tên tuổi như các đạo diễn - NSƯT Đào Bá Sơn, Phạm Minh Trí, Đặng Xuân Hải, Bùi Cường, Phạm Việt Thanh, Nguyễn Hữu Phần, diễn viên Hà Xuyên, Lê Cung Bắc…); của Hãng phim Truyện VN như đạo diễn NSƯT Thanh Vân, quay phim NSƯT Lý Thái Dũng, NSƯT Bùi Bài Bình…; của Hãng phim Giải Phóng như đạo diễn Vinh Sơn, biên kịch Văn Lê…; của Cục Điện ảnh như đạo diễn Lại Văn Sinh…

img Dự kiến trong tháng 7 tới, Hội đồng cấp bộ sẽ họp để chốt danh sách hồ sơ và gửi lên Hội đồng xét tặng cấp Nhà nước. Các đơn vị chức năng đang nỗ lực để có thể trao tặng các danh hiệu và giải thưởng cao quý này vào dịp Quốc khánh năm nay. img

Ông Nguyễn Hải Anh - Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng

Điện ảnh cũng là lĩnh vực ở cấp cơ sở có nhiều hồ sơ đề nghị được truy tặng danh hiệu. Điển hình là cố đạo diễn - NSƯT Phạm Kỳ Nam được đề nghị truy tặng danh hiệu NSND. Tên tuổi cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam gắn với những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng VN như "Chung một dòng sông", "Chị Tư Hậu", "Tiền tuyến gọi"," Tự thú trước bình minh"….

Cùng diện với Phạm Kỳ Nam là nhà quay phim Phan Trọng Quỳ - nguyên Viện trưởng Viện Lưu trữ phim, người nổi tiếng với những thước phim về trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, và NSƯT Phương Thanh…

Về những trường hợp đề xuất khá muộn màng này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh cho biết: "Đó là do hồ sơ từ các hãng đưa lên Cục, còn ở Hội chúng tôi chỉ đề nghị cho các anh em hội viên thôi".

Như vậy, so với những đóng góp của các nghệ sĩ như cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam, cố diễn viên Phương Thanh… thì đến giờ họ mới được đề nghị truy tặng danh hiệu NSND là quá muộn.

Cả nhà cùng được xét tặng

Trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm nay từ TP.HCM gửi về, ngoài những tên tuổi nhiều nghệ sĩ quen thuộc của sân khấu thành phố như NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Hồng Vân, NSƯT Lệ Thủy… thì rất đặc biệt là có trường hợp cả gia đình cùng được đề nghị xét tặng danh hiệu. Đó là gia đình nghệ sĩ múa Đoàn Vương Linh và Đặng Văn Hùng (cùng đề nghị xét tặng danh hiệu NSND), còn con gái họ là Linh Nga được đề nghị xét NSƯT.

Vẫn theo thông lệ của nhiều lần xét tặng trước, năm nay, tuy số lượng hồ sơ đề nghị xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT lớn nhất từ trước đến nay, nhưng giới ca sĩ vẫn chỉ xuất hiện với số lượng rất khiêm tốn. Trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND chỉ có duy nhất NSƯT Hồng Ngát của Đài Tiếng nói VN. Còn trong danh sách đề nghị xét danh hiệu NSƯT có tên các ca sĩ: Đăng Dương (Đài Tiếng nói VN), Tấn Minh (Hà Nội), Hồ Quỳnh Hương (Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN), Đức Chính, Hồng Vy (Nhà hát Ca múa nhạc VN)…

Theo quy định, người được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT được nhận huy hiệu, bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng, kèm theo tiền thưởng đối với danh hiệu NSND bằng 12,5 lần mức lương tối thiểu chung; đối với danh hiệu NSƯT là 9,0 lần mức lương tối thiểu chung và các quyền lợi khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem