Mua vé BlackPink là tài sản hay tiêu sản?: Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trả lời cực "chất"

Tào Nga Thứ sáu, ngày 21/07/2023 10:47 AM (GMT+7)
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, vé xem BlackPink là tiêu sản nhưng cũng có thể biến thành tài sản, mang lại giá trị lâu dài.
Bình luận 0

Từ khóa vé xem BlackPink đang trở thành đề tài hot mấy ngày qua khi thông tin nhóm nhạc này dự kiến biểu diễn ở Sân vận động Mỹ Đình ngày 29 và 30/7. Điều đáng nói, để sở hữu tấm vé này, người mua phải bỏ ra số tiền từ 6-10 triệu đồng. Nhiều bạn trẻ cho biết sẵn sàng dành cả tháng lương, nhịn ăn, vay tiền... để mua, dù biết quá đắt đỏ. Thông tin này đã gây tranh cãi gay gắt. 

Vấn đề này cũng được đề cập trong chương trình Money Hunter tour tổ chức mới đây tại Đại học Bách khoa Hà Nội giữa sinh viên 3 trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. 

Mua vé BlackPink là tài sản hay tiêu sản?: Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trả lời cực "chất" - Ảnh 1.

Sinh viên Bách khoa có màn thuyết trình về vé xem BlackPink đang gây sốt. Ảnh: Tào Nga

Nhật Mai, Nam Khánh, Hoàng Vũ - 3 sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có màn hùng biện "flex gì cho ngầu" khá thuyết phục. Các bạn cho biết: "Nhiều người vẫn nghĩ tiêu sản là ném tiền qua cửa sổ nhưng chỉ đúng 1 nửa. Tiêu sản là thứ mình bỏ tiền ra mua nhưng sau một thời gian mất đi giá trị và mình phải mất tiền thêm cho nó. Ví dụ như một chiếc xe ô tô chỉ để đi lại thì phải trả tiền cho xăng dầu, bảo hiểm, sửa chữa xe, thậm chí là phạm luật giao thông. Tuy nhiên, nếu dùng chiếc xe đó đi đến cơ quan và tạo ra thu nhập cho bản thân thì từ tiêu sản chiếc ô tô này lại trở thành tài sản. 

Mọi người hay nghĩ tiêu sản theo nghĩa tiêu cực. Thế nhưng bất kể người giàu, người nghèo hay trung lưu, tiêu sản sử dụng cho nhu cầu cần thiết của cuộc sống như ăn, uống, ngủ, nghỉ và chơi. 

Vì vậy, việc các bạn trẻ mua vé đi xem BlackPink có thể lý giải như sau. Các bạn bỏ tiền ra mua vé BlackPink thì đây rõ ràng là tiêu sản. Song số tiền này do các bạn tự kiếm ra và đủ khả năng chi trả thì tiêu cho tiêu sản là không sai. Chúng ta có quyền được tận hưởng thành quả lao động của mình để đem lại giá trị về sức khỏe tinh thần từ đó tái tạo sức lao động để làm việc hiệu quả hơn. 

Tương tự như Hoa hậu Lương Thùy Linh mua chiếc váy đắt tiền. Nếu để phục vụ mục đích cá nhân thì đó là tiêu sản. Còn nếu cô ấy mang bộ váy tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới thì từ đây sẽ quảng bá được hình ảnh đất nước nên việc đầu tư lại trở nên có ý nghĩa. 

Có một câu nói rằng: Đừng bao giờ hạ thấp bản thân mình xuống mà hãy tăng giá trị của bản thân mình lên. Nếu bỏ một số tiền ra để đầu tư cho bản thân thì mình sẽ có thêm nhiều cơ hội cho công việc, thêm nhiều mối quan hệ hơn, gây ấn tượng tốt cho mọi người. Việc chi tiêu tài sản giúp tạo thêm thu nhập và từ tiêu sản tạo nên tài sản lâu dài về sau.

Tiêu sản không xấu vì đó là tiền bạn làm ra. Tài sản và tiêu sản là 2 khái niệm luôn song hành cùng nhau, là 2 mặt của cùng vấn đề tài chính. Sử dụng tùy theo cách của các bạn sẽ quyết định nó là tài sản hay tiêu sản".

Mua vé BlackPink là tài sản hay tiêu sản?: Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trả lời cực "chất" - Ảnh 2.

BTV Ngọc Trinh nêu quan điểm về việc mua vé BlackPink. Ảnh: Tào Nga

Trước chủ đề này, BTV Dương Ngọc Trinh, gương mặt quen thuộc trong các chương trình về tài chính - kinh doanh, Host chương trình Bí mật đồng tiền đưa ra quan điểm: "Tự mua đi xem, được người khác tặng hay xếp hàng mua rồi bán lại... đều không thể trả lời là tài sản hay tiêu sản. Mọi người luôn nghĩ tài sản là tốt, tiêu sản là xấu nhưng bên cạnh việc tạo gia tăng cho con số thì còn có gia tăng về giá trị cảm xúc. Có ai đong đếm được cảm xúc bao nhiêu đâu vì nó là vô giá. 

Với chiếc vé BlackPink, nếu mua về rồi bán lỗ thì đó là tiêu sản, nhưng bán có lãi thì lại là tài sản. Quan trọng là mua vé đó xong đi xem rồi ấp ủ sau này trở thành một thành viên trong nhóm nhạc như thế hoặc tổ chức show lớn tương tự thì mang lại giá trị về cảm xúc và trải nghiệm to lớn".

Mua vé BlackPink là tài sản hay tiêu sản?: Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trả lời cực "chất" - Ảnh 3.

"Unitour: Money Hunter" - hoạt động do các CLB sinh viên của các trường đại học tổ chức với chủ đề chính là tìm hiểu về tài chính cá nhân. Theo kế hoạch, chuỗi chương trình sẽ được tổ chức trong tháng 7 – 9/2023, 2 tuần 1 lần tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Chương trình là sự kết hợp của ba yếu tố: vui chơi, tranh biện và talkshow về chủ đề tài chính. Thông qua màn tranh biện và các trò chơi tương tác sinh động, sinh viên sẽ có cơ hội gặp gỡ với những anh chị thành danh đi trước, được định hướng tư duy tài chính một cách gần gũi, dễ nhớ theo ngôn ngữ Gen Z.

Trong chương trình lần này, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được tư vấn thuyết phục về chi tiêu cá nhân thế nào phù hợp, tạo giá trị khi hàng tháng không đi làm thêm, chỉ nhận khoản tiền từ gia đình từ các chuyên gia tài chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem