Một Chi hội trưởng nông dân ở Đà Nẵng làm kinh tế giỏi, nhiệt tình với công tác Hội

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ hai, ngày 27/11/2023 09:00 AM (GMT+7)
Không chỉ tâm huyết, nhiệt tình trong công tác Hội, ông Võ Văn Khoa (55 tuổi, trú thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) còn được nhiều người biết đến là một điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Bình luận 0

Chi hội trưởng nông dân gương mẫu

Ông Khoa chia sẻ: "Nhiều năm trước, khu đất này tôi từng trồng lúa và sen, nhưng thường xuyên bị ngập lụt nên hiệu quả kinh tế kém, thua lỗ. Nhận thấy lợi thế diện tích đất rộng, nên tôi đã chủ động xin dồn đổi ruộng đất với các hộ xung quanh để tạo khu đất liền mảnh và đào ao nuôi cá".

Hơn 10 năm làm Chi hội trưởng nông dân, nuôi đủ thứ con, thu lãi nửa tỷ đồng/năm  - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Khoa mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa và sen kém hiệu quả sang nuôi cá thương phẩm kết hợp dịch vụ câu cá giải trí. Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng nhận xét: "Mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng kết hợp dịch vụ du lịch của anh Võ Văn Khoa là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương, hiện nay mô hình này hoạt động rất có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Khoa và giải quyết việc làm cho hàng chục hội viên, nông dân ở nơi đây. Đây cũng là mô hình điểm để Hội tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng…".

Năm 2015, với diện tích 1,5ha, ông đầu tư 500 triệu đồng để đào 4 ao nuôi cá và một hồ ươm cá giống. Bước đầu bắt tay vào mô hình nuôi mới, thiếu kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi, nhưng với sự chịu khó, quyết tâm làm giàu của mình, ông Khoa vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi phát triển và tích cực tham gia các lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản do Hội Nông dân địa phương tổ chức.

Ông Khoa cho hay, sau thất bại lần đầu thì ông biết được những lỗi sai nên đã cải tạo lại ao nuôi, xử lý đáy ao, vệ sinh môi trường nước và xung quanh ao, đồng thời cho cá ăn theo đúng hướng dẫn.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên vụ cá bắt đầu cho năng suất cao và đạt hiệu quả kinh tế. Ông tiếp tục làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng ao nuôi cá lên tổng diện tích 10.000m2.

Đà Nẵng: Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi, nhiệt tình với công tác Hội - Ảnh 3.

Hiện nay, ông Khoa mở rộng ao nuôi cá lên tổng diện tích 10.000m2. Ảnh: T.N.

Được một thời gian, mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm gặp khó khăn về đầu ra, giá cả bấp bênh, lại bị thương lái ép giá. Vì thế, ông Khoa mạnh dạn chuyển đổi hướng đi mới, kết hợp mô hình nuôi cá nước ngọt với dịch vụ câu cá giải trí theo xu thế thịnh hành lúc bấy giờ.

Hơn 10 năm làm Chi hội trưởng nông dân, nuôi đủ thứ con, thu lãi nửa tỷ đồng/năm  - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá phục vụ các “cần thủ” cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi cá thương phẩm. Ảnh: T.N.

Đà Nẵng: Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi, nhiệt tình với công tác Hội - Ảnh 5.

Theo ông Khoa, chăm cá câu vất vả hơn nhiều so với nuôi cá thương phẩm nhưng đổi lại cho giá trị kinh tế cao hơn. Nếu nuôi cá thương phẩm khoảng 6 tháng thì ông sẽ xuất bán, còn ao nuôi cá câu sẽ tiếp tục nuôi từ 8-10 tháng để phục vụ khách câu tại hồ.

Hơn 10 năm làm Chi hội trưởng nông dân, nuôi đủ thứ con, thu lãi nửa tỷ đồng/năm  - Ảnh 4.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Khoa còn là một Chi hội trưởng nông dân nhiệt tình trong công tác hội. Ảnh: T.N.

Ao nuôi được vệ sinh, cho nước vào buổi sáng để tạo oxy cho cá và xả nước ra vào buổi chiều. Nguồn thức ăn cho cá là các tạp phẩm được nấu chín rồi mới thả cho cá ăn nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước và cá ăn nhanh hơn. Đồng thời, ông còn bổ sung thêm bột để cá mau lớn, khỏe mạnh.

Hơn 10 năm làm Chi hội trưởng nông dân, nuôi đủ thứ con, thu lãi nửa tỷ đồng/năm  - Ảnh 5.

Ông Khoa tận dụng tạp phẩm để nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gà. Ảnh: T.N.

Trong ao, ông nuôi nhiều loại cá như ba sa, diêu hồng, chép, trôi, mè, rô phi, trắm cỏ, chim trắng…. Giá dịch vụ câu giải trí là 50.000 đồng/người (không lấy cá), phí dịch vụ câu 20.000 đồng/người. Du khách có thể mua cá mình câu được theo nhu cầu với giá từ 25.000-65.000 đồng/kg (tùy loại).

Nhiệt tình với công tác hội

Trung bình mỗi năm, mô hình nuôi cá kết hợp dịch vụ câu cá giải trí, du lịch sinh thái đem lại cho gia đình ông Khoa mức thu nhập 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5-7 lao động địa phương với thu nhập từ 6.000.000-8.000.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn trồng vườn cây ăn trái, nuôi gà và chăn thả tự do đàn bò gần 20 con, cho thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Hơn 10 năm làm Chi hội trưởng nông dân, nuôi đủ thứ con, thu lãi nửa tỷ đồng/năm  - Ảnh 6.

Vườn cây ăn trái đủ loại của ông Khoa tạo cảnh quan sinh thái tự nhiên, thu hút mọi người đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ. Ảnh: T.N.

Không chỉ là một nông dân luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con nông dân, ông Khoa còn là một Chi hội trưởng nông dân luôn năng nổ trong các hoạt động và phong trào hội, có nhiều đóng góp giúp ích cộng đồng và là gương điển hình trong phong trào thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.

Ông Khoa tâm sự: "Được mọi người tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng nông dân thôn An Ngãi Tây 2, hơn 10 năm qua, tôi luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò đầu tàu, gương mẫu đi đầu. Trong các buổi sinh hoạt Chi hội, tôi luôn tạo bầu không khí vui tươi, sôi nổi để hội viên gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần".

Hơn 10 năm làm Chi hội trưởng nông dân, nuôi đủ thứ con, thu lãi nửa tỷ đồng/năm  - Ảnh 8.

Hơn 10 năm qua, ông Khoa luôn nỗ lực làm tròn vai trò của người Chi hội trưởng nông dân, góp phần đưa Chi hội ngày càng lớn mạnh. Ảnh: T.N.

Dù bận rộn với công việc nhà nông, nhưng ông luôn tích cực tham gia công tác hội, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên trong Chi hội thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như thúc đẩy các phong trào thi đua của hội, của địa phương.

Thông qua các buổi sinh hoạt Chi hội, họp thôn, ông Khoa từng bước vận động hội viên nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, ông trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các buổi tham quan, học tập mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiêu biểu ngay trên địa bàn thôn.

Ông Khoa chia sẻ: "Hơn 10 năm tham gia công tác hội, tôi luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình và sự động viên, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương cũng như Hội Nông dân các cấp để có thể làm tròn vai trò của một người Chi hội trưởng. Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, con cái đã có gia đình, nên bản thân tôi cũng an tâm để dành nhiều thời gian hơn cho công tác hội, góp phần đưa Chi hội ngày càng lớn mạnh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem