Mới xuất khẩu được 400 triệu USD động vật và sản phẩm động vật, Cục trưởng Cục Thú y nói nguyên nhân

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 14/08/2023 16:29 PM (GMT+7)
Thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã phát triển rất mạnh, tuy nhiên, việc xuất khẩu động vật và các sản phẩm động vật còn hạn chế. Năm 2022 chỉ xuất khẩu được khoảng 400 triệu USD, so với nhập khẩu rất khiêm tốn, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú ý (Bộ NNPTNT) nêu thực trạng.
Bình luận 0

Chiều nay, 14/8, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thú y, Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức "Tọa đàm trực tuyến phổ biến, giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y".

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, tọa đàm nhằm phổ biến, truyền thông sâu rộng và giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y, các quy định của pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý thuốc thú y.

Chỉ xuất khẩu được 400 triệu USD động vật và sản phẩm động vật, Cục trưởng Cục Thú y nói nguyên nhân - Ảnh 1.

Ngày 14/8, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thú y, Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) tổ chức "Tọa đàm trực tuyến phổ biến, giải đáp các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung về thú y". Ảnh: Tùng Đinh

Từ đó, bảo đảm khống chế thành công các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm tại Việt Nam, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật lưu thông trong nước, thúc đẩy giao lưu thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm động vật đi các nước trên thế giới như trứng, thịt, sữa, mật ong, tổ yến, thủy, hải sản... góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản, thú y Việt Nam.

Thông qua buổi tọa đàm, ông Thạch bày tỏ mong muốn các đại biểu, đơn vị sẽ phổ biến những quy định cũng như giải đáp cơ bản những thắc mắc, khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hiệp hội ngành hàng và người dân về các quy định của pháp luật mới trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi Việt Nam đã phát triển rất mạnh, tuy nhiên, việc xuất khẩu động vật và các sản phẩm động vật còn rất hạn chế, đây là điểm yếu lớn nhất. Năm 2022 chỉ xuất khẩu được khoảng 400 triệu USD, so với nhập khẩu rất khiêm tốn.

Theo ông Long, nguyên nhân là do chăn nuôi trong nước cơ bản vẫn còn nhỏ, lẻ, các yêu cầu vệ sinh thú y chưa đạt, cốt lõi còn một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người, do đó các quốc gia nhập khẩu rất quan ngại, dẫn đến Việt Nam rất khó để đạt được "quốc gia an toàn dịch bệnh".

Chỉ xuất khẩu được 400 triệu USD động vật và sản phẩm động vật, Cục trưởng Cục Thú y nói nguyên nhân - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết, Thông tư 24 được ban hành sẽ "mở đường" để động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu được thuận lợi hơn. Ảnh: Tùng Đinh

Để tăng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, ông Long cho rằng, phải xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. 

"Để làm được việc này, Bộ NNPTNT trình Chính phủ ban hành Kế hoạch 89 ngày 25/7/2023 về việc xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu", ông Long cho biết.

Đồng thời, để giúp các địa phương, doanh nghiệp có cơ sở triển khai thực hiện, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NNPTNT ban hành Thông tư số 24/2022 quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2016.

Thông tin thêm, bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết, Thông tư 24 được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại của Thông tư số 14/2016 như: Quyền lợi của cơ sở, vùng ATDB chưa được cụ thể hóa; một số quy định chưa tiệm cận với quy định quốc tế: Kế hoạch ATSH, Kế hoạch giám sát, Kế hoạch ứng phó dịch bệnh, số lượng mẫu giám sát… gây khó khăn cho xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật…

Thông tư 24 quy định một số nội dung mới về điều kiện cấp mới, duy trì cơ sở, vùng ATDB; số lượng mẫu giám sát; quy định cơ quan xét nghiệm, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thành phần hồ sơ về cơ sở, vùng ATDB và quyền lợi của cơ sở, vùng ATDB.

Chỉ xuất khẩu được 400 triệu USD động vật và sản phẩm động vật, Cục trưởng Cục Thú y nói nguyên nhân - Ảnh 3.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú ý (Bộ NNPTNT), năm 2022 Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 400 triệu USD động vật và sản phẩm động vật.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Thú y thủy sản (Cục Thú y), Thông tư 24 thay thế Thông tư số 14 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đã quy định "nhiều ưu tiên với vùng đạt an toàn dịch bệnh".

Ông Tiến nêu rõ, đối với các cơ sở, vùng đã triển khai xây dựng an toàn dịch bệnh trước ngày Thông tư có hiệu lực (15/2/2023), việc cấp giấy chứng nhận thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm xây dựng đối với các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật đã được cấp giấy chứng nhận sẽ được bổ sung Kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh, kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Thông tư này trong vòng 12 tháng.

Hiện, Cục Thú y chịu trách nhiệm thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật. Ngoài ra, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thẩm định và cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật không thuộc phạm vi quy định trên.

Khi đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. 

Ngoài ra, động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng 1 ngày sau khi đăng ký kiểm dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem