Mối lo mới ở nông thôn

Thứ năm, ngày 13/03/2014 11:20 AM (GMT+7)
Việc xô xát với chính quyền sở tại ở Thanh Oai (Hà Nội) dẫn tới một số trường hợp bị thương vì bất bình trong việc triển khai DĐĐT là đỉnh điểm của những mâu thuẫn về vấn đề này đã tồn tại ở cấp cơ sở trong suốt thời gian qua.
Bình luận 0
Trước đó, Báo NTNN đã liên tục nhận được đơn thư phản ánh của nhiều nông dân ở các địa phương, thậm chí có cả đơn “cầu cứu” về việc DĐĐT bất hợp lý với cả vài chục người ký tên. Hầu hết các đơn thư, ý kiến phản ánh đều tập trung vào việc chính quyền tổ chức DĐĐT không đúng quy định, không tổ chức họp, bàn bạc với dân một cách công khai, dân chủ, dân chưa đồng tình vẫn tiến hành “ép” dân phải DĐĐT…

Phải thừa nhận DĐĐT là một chủ trương đúng đắn nhằm tập trung ruộng đất trên một diện tích đủ lớn để chuyển từ quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Chủ trương là như vậy, song cách làm như thế nào lại là chuyện khác.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua các sai phạm trong DĐĐT chủ yếu xảy ra ở cấp thôn, xã. Nguyên nhân của các sai phạm đó chủ yếu là do tính “lợi ích nhóm” trong DĐĐT như NTNN đã đề cập trong một loạt bài hồi tháng 12.2013. “Lợi ích nhóm” thể hiện ở chỗ, các cán bộ thôn, xã luôn muốn dành những thửa ruộng đẹp, thuận lợi về tưới tiêu, đi lại cho gia đình mình, người thân, thậm chí cả họ hàng mình và “đẩy” các hộ dân khác phải nhận những thửa ruộng xấu khó canh tác. Vì thế, sao dân không kiện?

Trước đây, việc chia ruộng chủ yếu bằng thủ công và mắt thường, nên giờ chia lại bằng máy, nhiều nơi đã “dôi” ra tới hàng chục ha đất, nhiều diện tích này đã được chính quyền thôn, xã hợp thức hóa để đưa vào ruộng của nhà mình mà không hề bàn bạc với dân.

Ở Hà Nội, UBND thành phố có chính sách hỗ trợ kinh phí DĐĐT cho các xã, coi đó như một tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Cũng từ đó, một mặt vừa để lấy thành tích, mặt khác cũng để nhanh chóng “giải ngân” kinh phí, mà nhiều xã đã bất chấp tất cả khi người dân chưa đồng tình với phương án DĐĐT vẫn cứ “ép” dân phải “dồn” bằng được. Cũng từ đó lại nảy sinh ra kiện cáo.

Luật Đất đai năm 2003 (sửa đổi) nêu rõ, chủ trương của chúng ta là không chia lại ruộng đất, mà giữ nguyên hiện trạng. Song Nhà nước vẫn có chính sách DĐĐT, hay nói đúng hơn là hoán đổi vị trí ruộng cho nhau để có một diện tích lớn hơn, nhưng cách làm của nhiều địa phương hiện nay không khác nào là một cuộc “cách mạng” mới trong chia lại ruộng đất, có nhiều nơi còn rũ rối hết ruộng của thôn này, thôn khác để dồn, để chia nên càng phát sinh thêm nhiều phức tạp.

Nếu trước đây, số đơn kiện cáo về đất đai chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, thì giờ số đơn thư kiện cáo liên quan đến DĐĐT ngày một nhiều. Do vậy nếu không sớm có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng này nhằm ổn định sản xuất thì sẽ không khác nào những “ngòi nổ” âm ỉ chỉ chực chờ phát nổ ở nông thôn. Nói đúng hơn, tuy DĐĐT là chuyện ở thôn, xã nhưng lại không đơn thuần như vậy, vì hiện nó đã trở thành một vấn đề mới đầy nhức nhối, khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Lê Hân (Lê Hân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem