Mỗi cấp hội nên phát huy thế mạnh riêng

Lò Văn Thành – Phó Chủ tịch Hội ND xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên Thứ bảy, ngày 30/05/2015 09:15 AM (GMT+7)
Nông dân (ND) là một lực lượng lớn nhất trong xã hội ta, nhưng là lực lượng nhiều khó khăn nhất. ND ở rất nhiều nơi còn hạn chế về nhận thức và tính tổ chức. Vì vậy, việc vận động họ gia nhập Hội ND và sinh hoạt hiệu quả không hề dễ dàng.
Bình luận 0

Muốn vận động được nông dân gia nhập hội và làm cho tổ chức hội nơi ấy mạnh lên thì mỗi chi hội, hội cơ sở hay huyện hội, tỉnh hội cần phải tạo ra những sức hút trên cơ sở thế mạnh riêng có của mình.

Cán bộ cần đi đầu và nêu gương

Xã Thanh Luông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là vùng quê nghèo, thuần nông, không ít gian khó và có sự đan xen của nhiều dân tộc: Thái, Tày, Khơ Mú, Kinh… Nhưng ở đây, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã xây dựng được tổ chức Hội ND khá mạnh.

img
Ông Thành bên luống rau xanh của gia đình. Ảnh:  Kiều Thiện
Để có sức cuốn hút của tổ chức hội, chúng tôi phát động và bám sát các phong trào thi đua: Xóa đói giảm nghèo, san hộ - giãn bản, làm kinh tế trang trại, cải tạo vườn - ao - chuồng - rừng… Nói ra thì nhiều lắm nhưng cái quan trọng là các cán bộ hội phải là người đi đầu trong các phong trào ấy. Ví dụ, không thể hô bà con “đi dọn mương để dẫn nước” nhưng mình lại ở nhà làm việc riêng. Không thể bảo bà con “phát triển vốn rừng” trong khi mình lại tranh thủ kiếm lợi từ rừng một cách trái pháp luật. Bà con ND vùng cao nghĩ đơn giản lắm, không lý luận nhiều. Nếu thấy mảnh nương nhà bên trồng cây cho nhiều quả, nhiều tiền thì họ sẽ làm theo. Nếu họ đã tin cán bộ thì có phải đi khắp núi, khắp đèo cũng không ngại.

 

Thành công là “câu nói" hay nhất

Quan điểm

Ông Lò Văn Thành
  Muốn vận động được ND gia nhập hội và làm cho tổ chức hội nơi ấy mạnh lên thì mỗi  chi hội, hội cơ sở hay huyện hội, tỉnh hội cần phải tạo ra những sức hút trên cơ sở thế mạnh riêng của mình. 
Khi phát động bà con làm trang trại, chính tôi là một trong những hộ tiên phong ở bản Nghịu tách hộ, ra bãi hoang dựng nhà. Tôi đào ao, làm đường dẫn nước để nuôi cá, cấy lúa; trồng cây ăn quả... Đất đai cứ mở rộng dần, có của ăn của để thế là bà con khắc học và làm theo. Bản thân mình cần có bạn, nên trao đổi, hướng dẫn đến nơi đến chốn. Ai thiếu vốn thì giúp ngay. Tin mình, người dân giãn bản. Tin cán bộ thì dân vào hội, giản dị vậy thôi.

 

Các cán bộ Hội ND ở xã này ai cũng cố gắng để làm cái gương cho hội viên, ND bằng những thế mạnh của riêng mình. Tôi có nguồn nước thì làm tới 2ha lúa ruộng và 4.000m2 ao cá. Nhà anh Lường Văn Ngọc- cán bộ chi hội ND bản 15A có nhiều đất rừng nên nuôi tới mấy chục con trâu, bò. Nhà ông Nguyễn Văn Đoàn ở chi hội Thanh Đông có lợi thế gần thành phố nên làm cây cảnh; nhiều cán bộ chi hội khác thì nuôi cả trăm con gà, vịt; mấy chục con lợn…

Chúng tôi cứ vừa học vừa làm, giúp đỡ, động viên, hướng dẫn lẫn nhau; thành công của mỗi người là “câu nói” hay nhất và thu hút nhất với ND. Nhờ thế, đến nay ở 35/35 bản trong xã, chúng tôi đều có tổ chức chi hội với sự tham gia của hầu hết các gia đình ND. Hàng năm, Hội ND xã Thanh Luông đều được đánh giá cao về mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đời sống của cán bộ, hội viên được cải thiện qua từng năm. Vì vậy, Hội ND xã chúng tôi dám xây dựng mục tiêu góp phần tích cực để đạt mức thu nhập bình quân đầu người trong nhiệm kỳ 2015-2020 tới 30 triệu đồng/năm – một chỉ tiêu khá cao đối với mặt bằng chung của huyện.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem