Mộc mạc thớt gỗ quê Lái Thiêu

Đoàn Xá Thứ bảy, ngày 27/06/2015 06:28 AM (GMT+7)
Là một trong những vật dụng giản đơn nhưng hầu như không thể thiếu được ở bất cứ gia đình nào, những tấm thớt gỗ mộc nhưng lại trải qua nhiều công đoạn và được những người thợ lành nghề làm công phu, tỉ mỉ.
Bình luận 0
Từ những thân gỗ gốc chắc, thẳng và không bị sâu mọt được mua về, chúng được cưa thành khúc nhỏ, dày khoảng 30, 35 hay 40 cm tùy theo bán kính. Cưa xong, gỗ được đưa vào máy bào cho mặt thớt trở lên nhẵn bóng đi. Kể từ giai đoạn này, thớt gỗ sẽ được làm thủ công, bằng chính bàn tay của người thợ bởi công đoạn tiếp theo là quét một lớp sơn tự nhiên lấy từ nhựa thông lên mặt thớt. Theo những người làm thớt, nhựa thông sẽ giúp những chiếc thớt không bị mục nát, không bị mối mọt trong khi sử dụng.
img
Mộc mạc thớt gỗ (ảnh: Đoàn Xá)
Hiện nay, ở khu vực phía Nam, làng nghề thớt gỗ nổi tiếng lâu đời và có nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng chính là làng nghề thớt gỗ Phú Long (phường Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương). Qua nhiều thế hệ, bằng sự chăm chỉ và không ngừng sáng tạo, những tấm thớt gỗ mộc mạc với những đường vân tự nhiên đầy mê hoặc đã xuất hiện ở khắp các vùng lân cận, làm ấm hơn một góc nhỏ trong không gian bếp của mỗi gia đình. Ngoài ra, từ gần chục năm trở lại đây, thị trường thớt gỗ ở Lái Thiêu còn mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây.

Theo một người làm thớt lâu năm thì để làm được những tấm thớt tốt, ít bị biến dạng và mục nát, nứt thớ khi sử dụng, điều quan trọng nhất chính là khâu chọn nguyên liệu gỗ. Ngoài chất liệu, thân gỗ làm thớt phải là đoạn gốc, không bị sâu mọt hay có mấu ở giữa. Trước kia, vùng đất Lái Thiêu này là nơi tập trung nhiều cây trồng như mít, me, xoài…, những loại gỗ tốt để làm thớt nên mỗi năm, nguồn gỗ cung cấp cho nghề là khá dồi dào. Và thực tế, cũng chính nhờ lượng gỗ nguyên liệu này đã góp phần gây dựng và hình thành nên nghề làm thớt gỗ nơi đây.

Tuy nhiên, cách đây khoảng hơn hai chục năm, tốc độ đô thị hóa của khu vực nằm liền kề với địa giới thành phố Hồ Chí Minh này diễn ra nhanh chóng đã khiến cả một vùng cây trái rộng hàng ngàn héc-ta thành chỗ của những nhà máy, xí nghiệp và những khu nhà trọ công nhân. Vì thế, bây giờ hầu hết gỗ nguyên liệu của nghề làm thớt Phú Long được nhập về từ vùng Bình Phước hay Nam Cát Tiên (Lâm Đồng) hoặc thậm chí ở tận Tây Nguyên xa xôi.

Nhìn những tấm thớt láng bóng hiện rõ từng đường vân gỗ được lấy ra từ lò sấy để dán lô-gô, xếp chồng lên nhau một cách hối hả, chúng tôi thực sự cảm thấy vui cùng những người làm thớt nơi đây. Và, bỏ qua những giọt mồ hôi đang lăn dài sau tấm khẩu trang dày, nhìn ánh mắt chăm chú của người thợ khi lấy sản phẩm ra khỏi lò, chúng tôi hiểu rằng, những tấm thớt này thực sự là tâm huyết, là lẽ sống của những người thợ. Họ làm ra chúng bằng tất cả sức lực, sự khéo léo của mình với mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất có thể.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem