Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam chia sẻ cách dạy học

Hạ Nhiên Thứ ba, ngày 16/06/2015 18:22 PM (GMT+7)
Theo mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, dạy học tích hợp là cách đưa con đến với khối kiến thức sâu rộng và toàn diện.
Bình luận 0

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, chị Phan Hồ Điệp – mẹ của “thần đồng”  Đỗ Nhật Nam vừa chia sẻ quan điểm của mình về cách dạy học tích hợp. Đây cũng là cách chị đưa Đỗ Nhật Nam đến với “thế giới kiến thức rộng lớn” khi cậu bé ở giai đoạn từ 4 đến 7 tuổi.

img
Chị Phan Hồ Điệp chia sẻ về cách dạy học cho con

Chị Phan Hồ Điệp thường tự sáng tác ra các bài thơ vui vẻ, sau đó đưa ra các câu hỏi, tình huống có liên quan đến các sự vật, sự việc trong bài thơ để Nam trả lời. Điều đặc biệt là, tất cả những đối tượng được nhắc đến trong bài thơ và câu hỏi liên quan đều logic với nhau, thạo thành một thể thống nhất, giúp trẻ vừa dễ ghi nhớ vừa hiểu được bản chất của vấn đề.

Với cách làm này, chỉ với 15 phút mỗi ngày, chị Phan Hồ Điệp đã chỉ cho cậu bé Đỗ Nhật Nam một bài học bổ ích, có sự kết hợp giữa Toán, Khoa học và Tiếng Việt một cách thú vị.

“Giỏi là một khái niệm rất tương đối. Quan trọng là từ những bài học vui sẽ giúp con “bay lên”, tựa như cánh diều mênh mang trên cánh đồng ngày cả gió”, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Cùng tham khảo phương pháp dạy tích hợp của mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam:

DẠY HỌC TÍCH HỢP

Một trong những quan điểm dạy học được nhiều người ủng hộ, đó là “Dạy học tích hợp”. Hiểu một cách đơn giản nhất, dạy học tích hợp nghĩa là cùng với một ngữ liệu có thể dạy được nhiều môn học, nhiều nội dung khác nhau.

Hồi Nam còn nhỏ, nhất là giai đoạn từ 4 đến 7 tuổi, mình cũng thường dạy theo cách này (tuy lúc đó, mình chưa có khái niệm về “Dạy học tích hợp”). Theo yêu cầu của một số bà mẹ, mình sẽ dần dần đưa những câu chuyện và cách dạy của mình. Đây hoàn toàn là những câu chuyện, những bài thơ do mình tự sáng tác. Vì thế,  xét về quan điểm nghệ thuật thì rất chi là...  dở. Tuy nhiên, mình hy vọng sẽ là những gợi ý hay cho các bà mẹ.

Ngữ liệu

“Thỏ nhảy tung tăng

Trong xe thần gỗ

Rủ nhau ăn cỗ

Chuột chạy lăng xăng

Bánh xe quay nhanh

Nhấp nhô vun vút

Sóc cười toe toét

Lộn nhào, lộn nhào

Mèo giơ nanh cào

Móng như gai nhọn

Lợn ta ụt ịt

Mắt híp vì cười

Vừa ngã vừa mời

Vào xe Thần gỗ

Ếch kêu “bị dột”

Lộp độp trời mưa

Cừu hét be be

Cho tôi quay với

Rồi hổ, rồi cáo

Sư tử, gà gô

Tất cả quay vòng

Trong xe Thần Gỗ”

Đây là đoạn thơ mình viết rồi dán trên bảng cho Nam khi con có một đồ chơi mới hình chiếc bánh xe, trên có gắn những con vật. Mình đặt tên cho đồ chơi đó là “Bánh xe của Thần Gỗ”. Mọi người có thể tự làm được đồ chơi này, chỉ cần một vật có hình tròn, dán giấy vẽ hình một vòng quay lên đó, xung quanh cắt dán các hình con vật (có thể là hình sticker) lên, thế là đã có một “Thần Gỗ” kì diệu rồi. Đồ chơi sẽ chỉ có tác dụng nếu mình “biết chơi” chứ không căn cứ là đắt hay rẻ mà. Và bây giờ là những nội dung mình sẽ dạy.

1. Cùng nhau kể tên các con vật được nhắc đến trong đoạn thơ đó.

2. Hãy cùng mẹ điền vào bảng, bao gồm các cột: Tên con vật - Nơi sống - Cách di chuyển.

Kể tên thêm các con vật sống trên cạn. Các con vật này ăn thức ăn gì? Chúng di chuyển bằng gì?

3. Em chọn một con vật em thích nhất trong đoạn trên?  (Nam thích mèo nên chọn mèo).

Bây giờ mẹ sẽ có hình con mèo (dán hình con mèo lên bảng)

4. Bây giờ hãy miêu tả về con mèo xem con mèo sống ở đâu? Mèo ăn gì? Mèo có điểm gì đặc biệt? Em có thể so sánh con mèo với các con vật khác không?

(Những câu miêu tả của Nam là: Con mèo sống ở trong nhà. Mèo ăn cơm với cá. Mèo có điểm đặc biệt là móng vuốt rất sắc nhọn. Em so sánh mèo với con cá và thấy mèo không biết bơi như cá).

Một đoạn miêu tả rất buồn cười, nhưng không sao, mình sẽ khen Nam và thưởng cho nam bằng việc ra quay bánh xe Thần Gỗ.

Và mình sẽ sửa lại:

Con mèo sống trong nhà. Có cả mèo sống ở trong rừng nhưng chúng thường dữ tợn hơn mèo nuôi trong nhà. Mèo thích ăn cơm với cá. Móng vuốt của mèo sắc nhọn nên bạn cẩn thận kẻo bị mèo cào đau. Bạn thấy mèo khác cá ở điểm nào? À tất nhiên rồi, mèo biết chạy còn cá thì lại biết bơi. Bạn nào cũng giỏi cả. Và cả bạn Nam nữa, bạn cũng rất giỏi.

Nam nghe xong sẽ cười tít mắt và mình đã giúp Nam biết cách khi trả lời không cần nhắc lại câu hỏi mà chỉ cần diễn đạt được đúng ý của mình. Đây là đặc điểm mà mình thường thấy ở các bạn nhỏ khi trả lời ý của cô giáo. Ví dụ cô hỏi: Con cho cô biết, hoa sen có màu gì? Các bạn thường trả lời: Con thưa cô, hoa sen có màu là màu hồng, màu trắng.. Trả lời thế là rất tốt rồi nhưng mình thích những câu trả lời sáng tạo hơn, ví dụ: Con thưa cô, hoa sen có hai màu là màu hồng và màu trắng. Thậm chí có thể nói thêm: Con thích màu hồng vì con thấy đẹp hơn. Đó, chỉ cần thay đổi một chút thôi cũng là thể hiện đầu tiên của việc tư duy sáng tạo rồi phải không nào.

5. Bây giờ hãy trả lời các câu hỏi để miêu tả các con vật khác nữa như: cá, chim bồ câu, ngựa...

6. Hãy vẽ một bức tranh trong đó có cả những con vật sống dưới nước, con vật sống trên cạn và con vật đang bay trên trời. ( Đây là yêu cầu khó nên mẹ phải gợi ý nhé: ví dụ có thể vẽ một mặt ao có cá bơi dưới nước, có gà đang đi trên bờ nhặt thóc và có chuồn chuồn đang bay là là trên mặt ao).

7. Hãy làm một cuốn sổ, sưu tầm hình ảnh các con vật sống trên cạn, dưới nước, bay trên trời để dán vào từng loại.

8. Thử xem có thể viết một đoạn thơ về một con vật nào đó mà em thích ( Nam thường cùng làm với mẹ, chủ yếu là bài thơ cùng một vần cho dễ và lại vui nữa)

Ví dụ:

Có con mèo

Rất hay trèo

Lại hay leo

Mắt trong veo

Bé tí teo

Kêu ngoeo ngoeo

9. Thử tưởng tượng xem Thần Gỗ sẽ nói gì cùng các con vật. ( Trẻ em rất thích những yếu tố thần bí nên hầu hết các ngữ liệu của mình đều có liên quan đến một nhân vật tưởng tượng. Ở bài này, Nam tưởng tượng một ông Thần cai quản ở vương quốc gồm các con vật. Vì các con vật vô cùng nghịch ngợm nên ông đã phạt bằng cách để chúng lên một chiếc bánh xe và quay mãi. Những con vật ưa nghịch ngợm như Sóc, Thỏ... thì rất thích nhưng các con vật ục ịch, to béo như lợn, sư tử thì rất mệt. Tuy nhiên, Thần Gỗ vẫn quay cho đến khi các con vật kêu lên: Ôi tôi mệt quá! Cho tôi xuống đi nào! Thần Gỗ bấy giờ mới hạ bánh xe xuống. Ôi chao, thật là một chuyến du hành bất đắc dĩ!)

10. Hãy đọc lại đoạn thơ và thử đếm xem số chân của các con vật ( không dễ đâu bởi Nam sẽ toát mồ hôi đi tìm hiểu về số chân của con chuột)

Vậy đó, mình nêu sơ qua để thấy, một ngữ liệu thôi nhưng sẽ dạy con được về khoa học, về tiếng Việt và về Toán. Bài học có thể được dạy trong nhiều ngày, mỗi ngày một nội dung. Thông thường, mỗi ngày học mình thường có một Ghi nhớ để viết lên trên bảng, ví dụ là:

Ghi nhớ 1: Động vật có thể sống trong nhiều môi trường khác nhau. Có động vật sống trên cạn, có động vật biết bay, có động vật sống dưới nước và có cả các loài lưỡng cư, vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước.

Ghi nhớ 2: Chúng ta cần yêu quý các loài động vật

Ghi nhớ 3: Các con vật cũng có tình cảm như người.

Mỗi ngày mình đều đọc các Ghi nhớ đó cho Nam để con hiểu và biết cách thực hành trong đời sống.

Đơn giản phải không các mẹ. Mình tin rằng, nếu bỏ ra khoảng 15 phút mỗi ngày thôi bạn cũng đã có một bài học kết hợp giữa Toán, Khoa học và Tiếng Việt một cách thú vị rồi.

“Giỏi” là một khái niệm rất tương đối. Quan trọng là từ những bài học vui sẽ giúp con được “bay lên”, tựa như một cánh diều mênh mang trên cánh đồng ngày cả gió, mọi người có đồng ý với mình không? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem