“Mẹ ơi, con sắp lớn!” - Dung dị, đầy chất nhân văn

Thứ ba, ngày 11/06/2013 16:10 PM (GMT+7)
Dân Việt - Kết cấu kịch dung dị, câu chuyện rất đời thường, nhưng "Mẹ ơi, con sắp lớn!" đã gây xúc động, ấn tượng mạnh trong đêm diễn tối 10.6 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội.
Bình luận 0

“Mẹ ơi, con sắp lớn!” là một đề tài không hề mới về những đứa trẻ bị bóc lột sức lao động, bị tận dụng triệt để tuổi thơ được thể hiện qua một kết cấu kịch dung dị, hết sức đời thường.

img
 Cô bé Hân (Lan Anh) ngồi tâm sự cùng mẹ (Diệu Hoa) trong vở kịch "Mẹ ơi, con sắp lớn!". Ảnh: Thanh Hà

Song câu chuyện vẫn gây xúc động, mang tính nhân văn và thấm đượm nước mắt qua những nút thắt nhẹ nhàng và qua sự thể hiện rất thành công của các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn kịch 2, Nhà hát Tuổi trẻ.

“Mẹ ơi, con sắp lớn!” dài hơn 70 phút được công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội vào tối 10.6 để hưởng ứng Ngày thế giới chống lao động trẻ em (12.6) do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hiệp quốc tài trợ.

Mở màn của vở kịch là những đứa trẻ thành phố vui đùa với nhau tại công viên trong sự hồn nhiên trong sáng nhưng cũng rất vô tư mà không phải lo đến chuyện cơm áo, gạo tiền.

Đối lập là những đứa trẻ ở quê ra thành phố với những lo toan, bươn chải cho chính cuộc sống của mình cũng như của cả gia đình, như cậu bé đánh giầy, cô bé Hân (Lan Anh) làm giúp việc cho một gia đình công chức và Hà (Diệu Hoa) giúp việc cho một quán cơm bình dân.

Từ đây những chuỗi va đập, những mâu thuẫn, bi kịch được nảy sinh của Hân và Hà trong cuộc sống thành thị. Một tiếng sai bảo vô cớ, một tiếng mắng chửi chua chát, một cái nhìn hau háu của bợm rượu, cuộc rượt đuổi giữa đêm khuya của ông chủ hàng cơm bình dân và cô bé Hà làm náo loạn cả khu phố, đến việc Hân bị buộc tội ăn trộm tiền khi có một ông bạn của ông chủ ngồi ăn nhậu tại nhà để rơi ví…

img
 Diễn viên Chí Huy, Thùy Dung trong vở kịch

Tất cả những chi tiết đó đều được đạo diễn đưa vào vở kịch khiến người xem lúc đầu tưởng chừng như đó là chuyện vặt, việc bình thường diễn ra trong cuộc sống. Càng về cuối vở kịch, sự hé lộ tâm tư, sự tổn thương của hai đứa trẻ đã khiến khán giả phải giật mình tự chất vấn rằng, đã khi nào chính mình cũng đã nói, làm những điều tương tự ấy với con trẻ sống bên cạnh, sống xung quanh?

Rồi những ước mơ của hai đứa trẻ được mở ra với những khoảng riêng bằng giấc mơ bong bóng qua cái chậu quần áo chúng đang giặt cho chủ nhà. Cô bé Hà kể đã nhìn thấy ông bà ngoại “qua dòng người chen chúc bên kia đường, đang vẫy tay mỉm cười với tớ”. Nhưng vì lúc đó đông khách cô bé không dám tự ý bỏ đi vì sợ chủ sẽ trừ tiền lương, nên ngay khi vừa đặt suất cơm xuống cho khách, cô bé quay lại thì ông bà ngoại bỗng biến đi đâu. Hân mơ bế về, bố kiếm được nhiều tiền để em được đi học.

img
 Các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ trong vở kịch

Khán giả lặng đắng khi nghe Hân kể: Ngày ra thành phố làm ôsin, bạn bè, cô giáo đã tưởng Hân được chuyển lên thành phố để tiếp tục học. Hay cuộc nói chuyện thấm đẫm nước mắt của Hân và sự dằn vặt của người mẹ về chuyện ông chủ tố Hân ăn cắp tiền. “Mẹ cho con về ông bà ngoại sống, con sẽ chăm chỉ làm việc đồng áng và dù có phải ăn ít một tý con cũng chịu được, không chết đâu mẹ” - lời của Hân đã khiến người xem xúc động, rơi nước mắt.

Kết thúc vở kịch là hình ảnh Hân được ông bà chủ cho tiền và mua sắm quần áo, cũng như những người hàng xóm chung tay góp sức mỗi người một ít để Hân về quê, lại được những ngày đi học, được cắp sách tới trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem