Mặt trái xã hội hóa điện ảnh

Chủ nhật, ngày 12/07/2015 08:00 AM (GMT+7)
Khoảng vài chục năm khi cơ chế xã hội hóa điện ảnh ra đời đã làm cho diện mạo của nền điện ảnh có khởi sắc hơn, sinh động hơn, nhất là ở khu vực TP HCM. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui, cũng xen lẫn những mặt trái của nó.
Bình luận 0

img

Cảnh trong phim “Hello cô Ba”

Sau khi có phong trào xã hội hóa điện ảnh, rất nhiều hãng phim và cơ sở sản xuất phim tư nhân ra đời và hoạt động ở TP HCM. Với chính sách cởi mở, ngành điện ảnh Việt Nam đã thu hút được một số nghệ sĩ Việt kiều về nước làm phim và tạo ra một làn gió mới trong không gian điện ảnh Việt. Nhờ vậy, số lượng phim được sản xuất nhiều hơn với nhiều thể loại đa dạng từ phim hài đến phim ma… Thị trường điện ảnh hình thành rõ nét, nhiều rạp chiếu phim hiện đại ra đời, từ đó, thu hút khán giả đến với điện ảnh khá rôm rả. 

Tuy nhiên, sau một thời gian xã hội hóa ngành điện ảnh cũng bộc lộ những hạn chế của nó. Số lượng hãng phim tư nhân nhiều nhưng một số hãng phim là có làm phim, còn một số hãng phim chỉ làm các chương trình truyền hình, giải trí.  Do tập trung vào việc thu hồi vốn nhanh, các hãng phim tư nhân chủ yếu làm dòng phim thương mại, giải trí, nhằm bán vé là chính.

Chỉ có một số phim có nội dung khá hấp dẫn và có ít nhiều tư tưởng, như: “Dòng máu anh hùng” của anh em nhà Charlie Nguyễn, “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh… Nhiều bộ phim tư nhân tính nghệ thuật chưa cao, đề tài dễ dãi, chưa đi vào chiều sâu những vấn đề gai góc của xã hội. Bên cạnh đó, nhiều bộ phim nước ngoài có nội dung chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam vẫn được chiếu trong rạp. 

Lý giải nguyên nhân này, bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM nói: “Những đạo diễn tự do, hay Việt kiều từ nước ngoài về có tài năng, có tay nghề cao, nhưng thiếu vốn sống, thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán dân tộc, con người, đất nước; cũng chưa hiểu rõ thị hiếu, thẫm mỹ của khán giả xem phim Việt Nam…”.

Theo nhiều nghệ sĩ điện ảnh, hiện nay chúng ta đang thiếu hụt nhân lực kế thừa trong việc làm phim điện ảnh, kể cả trong hãng phim tư nhân. Để đẩy mạnh xã hội hóa điện ảnh, phát huy ưu thế của các nhà làm phim tư nhân, cần chú ý thực hiện Luật Điện ảnh, trong đó có quy định hoạt động của các nhà làm điện ảnh tư nhân. Cần có chính sách ưu đãi về thuế trong điện ảnh dành cho nhà làm phim tư nhân. Nhà nước cũng cần có chính sách bảo hộ cho phim Việt Nam.

Ngoài ra, phải có kế hoạch giúp, hỗ trợ để các hãng phim tư nhân đi vào hoạt động theo kiểu chuyên nghiệp, phát huy những mặt mạnh của các hãng phim tư nhân. Phải có quy hoạch và định hướng phát triển cho ngành điện ảnh trong những năm tới.

“Trong bối cảnh mới, điện ảnh muốn phát triển phải có những chuyển đổi phù hợp với xu hướng và quy luật khách quan để đáp ứng yêu cầu đề cao giá trị tốt đẹp của đất nước, con người và dân tộc Việt Nam vừa làm nhiệm vụ phục vụ cho nhu cầu giải trí lành mạnh cho người xem rồi ta còn phải tính đến việc các tác phẩm điện ảnh được bán cho nước ngòai, trở thành một sản phẩm hàng hóa. Quy hoạch giúp cho điện ảnh phát triển toàn diện, cân đối và phát huy tối đa nguồn lực trong nước và nước ngoài” - bà Cẩm Thúy chia sẻ.

Giới chuyên môn cũng cho rằng, cần cải tiến hệ thống duyệt phim, hội đồng duyệt phim và phổ biến phim nước ngoài. Cần cải tiến quy trình, cơ chế duyệt kịch bản và phim thông qua các tiêu chí cụ thể, khả thi, thống nhất với hiệu quả cả hai mặt là định hướng chung và kích thích sáng tạo. Từ đó tạo sự  thoải mái, hứng khởi và cả ý thức trách nhiệm công dân ở người nghệ sĩ. Cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ làm phim chuyên nghiệp và tài năng. Phải có chiến lược, có tầm nhìn xa cho việc phát triển điện ảnh; đầu tư nâng cấp cho các trường đào tạo, đội ngũ giảng viên, cán bộ kỹ thuật. Chính sách đãi ngộ chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người làm phim phải được nâng cấp hơn đề họ thỏa sức cống hiến.   

 

(Theo Đại Đoàn Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem