Mất tính cộng đồng thì làng vỡ

Thứ sáu, ngày 02/05/2014 13:42 PM (GMT+7)
Tại sao Hội An, một thương cảng mở, một nền kinh tế mở từ thế kỷ thứ 11, 12, tính cách thị hình thành rất sớm, giao lưu buôn bán với nước ngoài từ rất sớm… lại vẫn giữ được làng?
Bình luận 0
Lý giải vấn đề này cần đề cập đến nhiều khía cạnh, nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất là ở Hội An, người nhà quê và người ở phố không có khoảng cách. Người ở phố về quê cũng chẳng có gì bỡ ngỡ, và ngược lại. Điều đó có được nhờ tính cộng đồng của cư dân rất mạnh.

Việc gì xảy ra với một nhà như tối có người đau, người vừa mất… thì sáng hôm sau cả làng, cả phố đều biết, đều chia sẻ. Chính tính cộng đồng đã tạo nên văn hoá làng bền vững.

Tính cách làng của Hội An có gì khác biệt so với các miền khác? Thời gian có ý nghĩa gì với việc bồi đắp văn hoá làng?

img

- Chính văn minh đô thị hài hoà một cách độc đáo với truyền thống sâu đậm của làng, giúp Hội An phát triển, hội nhập… nhưng không vượt qua ngưỡng của mình. Phát triển và bảo thủ giằng co, ràng buộc, giúp giữ được sự cân bằng, không bị biến dạng, không đánh mất mình.

Bài học lịch sử giúp ta chiêm nghiệm dù Hội An đa văn hoá, nhưng khi đến Hội An, đã hoà quyện với tính cách nơi đây, để tạo ra cái riêng có. Người Hội An sẵn sàng tiếp nhận mọi cái bên ngoài nhưng biết giữ cái của mình. Không ai “hoá” ai cả, mà tự hoá lẫn nhau, để tạo nên bản sắc Hội An, tính chừng mực của người Hội An, giúp cho tính làng trong đô thị không bị bảo thủ, lạc hậu.

Vì sao ở các miền khác, những cú “sốc” văn hoá làm tan vỡ mọi giềng mối của văn hoá làng, mà dân Hội An thì không, vẫn tồn tại an nhiên giữa văn minh, hội nhập?

- Văn hoá đóng khung là văn hoá chết. Văn hoá có đời sống, có quá khứ, hiện tại và tương lai, không bị cắt đoạn ra. Nhờ có quá khứ mà văn hoá biết gạn đục, khơi trong. Hoà với quá khứ vững vàng giúp cho ta sống được với hiện tại, đi cùng thiên hạ, không lạc hậu, không bị sốc khi đi vào hiện đại. Đó là một quá trình tự nhiên, không gượng gạo, không phải nỗ lực quá sức mình.

Để giữ được “chất” làng cho Trà Quế, Kim Bồng, Thanh Hà... Hội An đã có những quyết sách gì, có gặp khó trước thách thức của đời sống, khi thực dụng đang lên ngôi và con người sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi giá?

- Làng Hội An bao giờ cũng gắn với một nghề nhất định, có đình làng, có thành hoàng riêng. Người làng gắn kết cuộc đời qua nghề nghiệp, hiểu nhau qua nghề nghiệp, tính cộng đồng được cố kết qua nghề nghiệp.

Để giữ được Trà Quế, Kim Bồng, Thanh Hà… không thể đóng khung trong biểu diễn nghề, mà phải duy trì cuộc sống thật, con người thật. Chúng ta hiện đang bội thực chuyện xây dựng làng nghề giả, trình diễn, đời sống nghề không có. Điều quan trọng nhất là phải có được những cư dân làng biết tự hào về nghề tổ, nối kết được giữa hiện tại và quá khứ, với ông bà tổ tiên, và sống được bằng nghề trong chính ngôi nhà của mình.

Mỗi người dân dù biết chữ hay không biết chữ, chính họ đưa vào sản phẩm tinh hoa của đất và người nơi đây, tạo thành thương hiệu làng riêng có của Hội An. Để giữ được người làng, phải tính đến lợi ích của nông dân. Không thể bắt họ giữ nghề mà không cần biết làm sao họ sống được. Làng Trà Quế không sống được bằng nghề bán rau, mà sống bằng thương hiệu làng và dịch vụ du lịch từ nghề trồng rau. Làm thế nào để phát triển dịch vụ, kéo khách du lịch cùng trồng rau, khách du lịch trở thành sứ giả văn hoá quảng bá cho Trà Quế?

Về mặt chính quyền, để nông dân không lấy đất ruộng làm nhà ở, tôi đã mạnh dạn chủ trương cấp đất cho dân làm nhà ra ngoài bìa làng. Mỗi hộ dân được sử dụng 200m2 đất ở, đất vườn vẫn được cấp quyền sử dụng đất, ngoài ra chính quyền còn hỗ trợ tiền làm nhà. Bên cạnh đó, chính quyền làm việc trực tiếp với các đơn vị du lịch, tổ chức các tour tuyến tham quan để khách đến Hội An dài ngày hơn…

Ông có lo ngại nhiều không khi làn sóng đầu tư đang “đổi chủ” những ngôi nhà mặt tiền, khiến người Hội An thật dần lùi vào trong hẻm? Sự hoán chuyển này có ảnh hưởng gì đến một Hội An thật?

- Tôi rất thông cảm cho một số gia đình vì quá đông con cần bán nhà để chia cho con cháu, điều đó hoàn toàn chính đáng. Mua nhà Hội An có nhiều loại, thứ nhất vì quá yêu Hội An, thứ hai như một thú chơi đồ cổ, thứ ba để kinh doanh, thứ tư đầu tư bất động sản… Sau nhà tôi có gia đình chồng Thuỵ Điển, vợ Việt.

Họ đến đây mua nhà, sinh con đẻ cái ở đây, và trở thành một người rất Hội An. Tiết xuân đều đi cúng chùa, uống rượu gạo, chúc tết quanh làng, và gọi tôi là hàng xóm. Người nhập cư làm Hội An phong phú hơn. Không ai hoá ai cả, nếp sống cộng đồng sẽ khiến cho tự bản thân họ hoá lẫn nhau để trở thành người Hội An. Tôi chỉ ngại những người thuê nhà để kinh doanh. Họ sẵn sàng làm mọi thứ sau vài năm chặt chém, chèo kéo, làm nhạt nhoà phần hồn Hội An.

Anh nghĩ gì về bản lĩnh của một thị trưởng?

Người Hội An sẵn sàng tiếp nhận mọi cái bên ngoài nhưng biết giữ cái của mình. Không ai “hoá” ai cả, mà tự hoá lẫn nhau, để tạo nên bản sắc Hội An, tính chừng mực của người Hội An, giúp cho tính làng trong đô thị không bị bảo thủ, lạc hậu.

- Phải có tầm, có trí tuệ, nhìn rõ quá khứ để làm sống dậy tương lai. Trong điều kiện hiện nay, đô thị hoá là tất yếu, nhưng phát triển đô thị của ta “không có chửa mà đẻ”, thì chỉ mười năm nữa sẽ phá hết môi trường, phá hết làng.

Phát triển đô thị khiên cưỡng không theo quy luật, không bài bản, dồn dân, phá thành hoàng, không tôn trọng quá khứ, nước không mất mà vỡ làng. Hơn ai hết, người thị trưởng phải có bản lĩnh, phải thấy được sức mạnh của làng. Vứt bỏ tính cộng đồng thì làng vỡ, lệ làng mất thì nước sẽ loạn, tha hoá cả dân tộc.

Anh có lo nhiều không khi không còn làm lãnh đạo nữa, làng cổ sẽ không thể chống cự trước văn minh thô lậu và thực dụng?

- Tôi tin vào thế hệ tiếp nối. Anh em được trui rèn, học hành, gắn bó lâu với Hội An. Họ sẽ làm tốt hơn tôi, có những ý tưởng táo bạo hơn.

Bản thân thực tiễn cuộc sống sẽ cho họ kinh nghiệm để biết làm sao có ích nhất. Điều quan trọng là phải có dũng khí với chính mình, khi thấy trúng thì quyết tâm làm. Dũng khí đấu tranh với chính mình khi thấy mình sai và dũng khí để không buông tay, vì chỉ cần một lần buông tay là hậu quả rất lớn, không chỉ với riêng mình mà ảnh hưởng đến rất nhiều người khác.
Thực hiện: Kim Yến - Hoạ chân dung: Hoàng Tường (Thế giới Tiếp Thị) (Thực hiện: Kim Yến - Hoạ chân dung: Hoàng Tường (Thế giới Tiếp Thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem