“Mắt thần” canh giữ biển trời: Cầu nối Hoàng Sa

Thứ ba, ngày 20/03/2012 16:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngư dân Lý Sơn vẫn là cầu nối với ngư trường Hoàng Sa và họ biết rằng dù ra khơi với muôn trùng khó khăn, lúc nào lực lượng Hải quân Vùng 3 cũng sát cánh bên họ...
Bình luận 0

Hùng binh ra khơi

Đến Lý Sơn sau Tết âm lịch, chỉ thấy hầu như đàn bà và người già trên đảo. Mùa biển yên, đàn ông đã dong tàu theo những phiên biển ra Hoàng Sa hết rồi. Đã ở tuổi "hưu", lão ngư Phạm Hải (67 tuổi, người xã An Hải) nhìn ra biển xa xăm và kể về lịch sử của hòn đảo. Đã có 13 dòng họ đóng góp vào đội hùng binh hàng trăm năm nay.

img
Ngư dân Lý Sơn dù khó khăn, nguy hiểm vẫn vượt sóng ra Hoàng Sa.

Ông Hải không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử, nhưng lịch sử về những đội hùng binh trên hòn đảo quê hương, ông nhớ như in bởi nó gần gũi như máu thịt. Trỏ về phía Hoàng Sa, ông Hải nói: "Mùa khao lính lại đến rồi. Không biết bao nhiêu đời người dân chúng tôi đã trải qua, nhưng cứ đến mùa này, dân đảo lại chộn rộn và nhớ về quá khứ".

Ông Hải kể, từ thời Chúa Nguyễn mở cõi về phía Nam, đến thời Tây Sơn, sau này là các vua triều Nguyễn, những binh phủ ven biển Quảng Ngãi - mà chủ yếu là con em đảo Lý Sơn, đã vâng mệnh triều đình ra tận Hoàng Sa bằng những chiếc thuyền nan nhỏ bé. Ra đó, trước là nhặt các sản vật trên đảo, thậm chí là nhặt nhiều cổ vật từ các tàu buôn của phương Tây bị đắm và trôi dạt vào Hoàng Sa về dâng lên vua; sau là đo đạc hải trình, dựng miếu, đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền nước Việt tại quần đảo Hoàng Sa.

Xưa, những người đảo Lý Sơn đi biển, ra Hoàng Sa rất khó khăn, phương tiện chỉ là những chiếc thuyền câu và chỉ dựa vào kinh nghiệm cùng lòng dũng cảm. Nhiều người đi Hoàng Sa đã nằm lại giữa biển. Ở Lý Sơn có câu ca dao nghe thật xót lòng cho thân phận những binh phu thời ấy: "Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về". Câu ca ấy đã nói lên một cách đầy đủ về sự hy sinh của lính Hoàng Sa thời đó. Chính vì thế nên người được chọn đi Hoàng Sa, ngoài sức khoẻ, lòng dũng cảm, thường phải là con thứ và chưa vợ.

Hành trang mà những binh phu đi Hoàng Sa mang theo, ngoài lương thảo, còn có 7 sợi dây mây, 7 nẹp tre, một đôi chiếu và một tấm thẻ bài được khắc tên họ, bản quán của người lính. Nếu hy sinh trên biển, họ sẽ được những người đi cùng bó xác lại và thả trôi trên biển với hy vọng khi dạt vào đất liền, người dân sẽ biết tung tích họ mà giúp đưa về quê hương. Hiếm có người được "trở về" đất mẹ nên dân Lý Sơn lập các ngôi mộ chiêu hồn để tưởng vọng họ. Trong những ngôi mộ này, chỉ có hình nhân bằng đất sét chứ không có xương cốt. Ở Lý Sơn hiện vẫn tồn tại hàng trăm ngôi mộ chiêu hồn như thế, và luôn được người dân gìn giữ với tất cả sự thiêng liêng.

Nối đời đi biển

Chúng tôi tìm đến nhà "sói biển" Mai Phụng Lưu ở thôn Tây, xã Vĩnh Hải trên đảo Lý Sơn. Ông chủ đi vắng, chỉ có anh con trai Mai Văn Hóa 19 tuổi ở nhà. Trên cánh tay trái của Hóa còn xăm dòng chữ như câu tuyên ngôn của những người dân đi biển "sóng biển đời tôi". Mới sau một chuyến đi biển dài ngày về, trên khuôn mặt của chàng thanh niên này vẫn còn sự váng vất của sóng lớn.

Khi được hỏi về biển, Hóa kể: "Con đi biển cùng ba Lưu từ năm 14 tuổi, thường ra Hoàng Sa, đến bây giờ cũng chẳng nhớ là đã đi bao nhiêu phiên. Chỉ biết rằng 5 năm bám biển, có những lúc bị nước ngoài tịch thu mất tàu, nhưng gia đình con không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ biển".

Trong những chuyến đi ra Hoàng Sa, hai cha con họ Mai đã lên đảo thắp hương và xin cát của Hoàng Sa mang về đất mẹ. Nhiều kỷ vật khác của Hoàng Sa cũng được cha con họ mang về sau mỗi phiên đi biển để lưu giữ đánh dấu sự hiện diện của người công dân Lý Sơn đang làm chủ ngư trường Hoàng Sa.

Năm nay lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào ngày mồng 6.4.2012. Đây cũng là hoạt động trung tâm của Festival Biển đảo Miền Trung. Đây cũng là dịp một lần nữa chúng ta đưa ra lời khẳng định không thể tranh cãi đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Sau khi trèo lên cột buồm để thay lại lá cờ tổ quốc bị gió cứa rách tơ tướp sau một chuyến đi biển về, ông Mai Văn Bình nói: "Chỉ cần đôi phiên đi biển là cờ bị rách vì gió quật khiếp quá. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng phải có cờ dự phòng, với người đi khơi thì lá cờ không chỉ là dấu hiệu để nhận ra nhau, mà giúp đỡ cưu mang lẫn nhau trong lúc gió bão hoạn nạn. Lá cờ cắm trên mỗi con tàu còn như những cột mốc hiện diện trên biển khơi của Tổ quốc mình. Không chỉ có gắn cờ trên cột thuyền mà ngay cả phao lưới, chúng tôi cũng gắn quốc kỳ để biết rằng chúng tôi luôn được những con tàu của Hải quân nước mình sát cánh trên biển. Lá quốc kỳ để cho bộ đội ta dễ dàng xác định được tàu của dân mình từ xa.

"Với khả năng quan trắc và giám sát của đơn vị mình, những tàu cá của ngư dân hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa lúc nào cũng trong tầm mắt của bộ đội hải quân. Chính vì thế người dân Lý Sơn luôn yên tâm làm cầu nối giữa đất liền với biển đảo quê hương Hoàng Sa. Nơi đây mãi mãi là ngư trường lớn của những người bám biển anh hùng" - thượng úy Đinh Văn Khiêm, Phó Trạm radar tầm xa Hải quân Vùng 3 đóng trên đảo Lý Sơn nói.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem