Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)

Hồng Nhân Thứ năm, ngày 29/02/2024 14:54 PM (GMT+7)
Nhiều tháng thâm nhập, phóng viên Dân Việt đã giáp mặt "cò" hứa lo đủ thủ tục để dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức (TP Hà Nội). Nhóm này vẽ ra nhiều cách thức để dựng một nhà xưởng thần tốc, với điều kiện là "phải chịu chi".
Bình luận 0

LTS: Xây dựng nhà xưởng, nhà kho trái phép trên đất nông nghiệp là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua tại Hà Nội. Báo chí phản ánh, chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng này chưa được xử lý triệt để.

Sau nhiều tháng tìm hiểu, phóng viên Dân Việt đã giáp mặt nhiều "cò" hứa lo đủ thủ tục để dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức (TP Hà Nội). Chỉ cần chịu chi, nhóm này sẽ vẽ cách thức để dựng một nhà xưởng chỉ trong 2 ngày.

Phóng viên đã ghi nhận mánh khóe để dựng nhà xưởng trái phép tại Hoài Đức.

Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 1.

Hình ảnh phóng viên Dân Việt ghi nhận tại Hoài Đức cuối năm 2023. Nhiều diện tích đất nông nghiệp được sử dụng trái mục đích. Ảnh Trịnh Trọng.

“Mánh khóe” xây nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp được "tiết lộ"

Trên địa bàn xã Vân Côn và Song Phương (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), PV ghi nhận nhiều nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp. Để tìm hiểu về cách dựng 1 nhà xưởng “chui”, nhóm PV đã có dịp tiếp cận 1 loạt các nhân vật từ chủ đất, tới người tự xưng là “cò” dựng xưởng. Từ đây, những “mánh khóe” dựng nhà xưởng chui trên đất nông nghiệp được hé lộ.

Clip: Những lời môi giới, giới thiệu việc xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp

Loạt nhà xưởng đua nhau “vươn vòi” trên đất nông nghiệp

Tại huyện Hoài Đức (TP.Hà Nội), vẫn còn hàng loạt công trình vi phạm xây dựng, không phép, không phòng cháy chữa cháy,... tồn tại. Trong đó, hai xã Vân Côn và Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội)  được xem là điểm nóng.

Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 2.

Tại huyện Hoài Đức vẫn còn nhiều công trình vi phạm xây dựng, không phép, không phòng cháy chữa cháy,... tồn tại.

Bày tỏ nỗi bức xúc, anh N.N (người dân xã Vân Côn) khi gặp phóng viên phải thốt lên rằng: “Chúng nó làm láo lắm. Dựng 1 - 2 hôm là xong, bài bản và chuyên nghiệp. Chúng nó có cả một đường dây. Phải có tiền, có quan hệ mới dựng được”.

Điều đáng nói, nhiều công trình xây dựng trái phép gần ngay trụ sở UBND xã, ngay mặt đường lớn nhưng suốt thời gian dài vẫn chưa bị xử lý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, theo đúng quy định phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Sau khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất, cần làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhà xưởng, vì nhà xưởng sản xuất không phải là đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Xây dựng năm 2014.

Theo phản ánh từ người dân trên địa bàn và ghi nhận của phóng viên, thôn Quyết Tiến, Cát Thuế, Phương Quan… (thuộc xã Vân Côn) và xã Song Phương có hàng loạt nhà xưởng được dựng trái phép. Mới có, cũ có, xây dựng dở cũng có…

Các nhà xưởng này có diện tích từ vài trăm mét vuông đến cả nghìn mét vuông.

Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 3.
Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 4.
Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 5.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp được san gạt, xây tường bao, dựng tôn vây quanh.

Trong vai người thuê nhà xưởng có đầy đủ pháp lý, PV tiếp cận với rất nhiều người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, dù có hàng trăm nhà xưởng, nhưng nhà xưởng có đầy đủ pháp lý rất khó để tìm ra.

Trong quá tình thâm nhập, khi biết được nhu cầu của phóng viên, nhiều người sẵn sàng mời chào với những hứa hẹn hấp dẫn “thuê nhà xưởng hay thuê đất để dựng nhà xưởng đều có cả". Tất nhiên, những nhà xưởng dạng này không đầy đủ cơ sở pháp lý. 

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Duy Giang - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức xác nhận, qua nhiều thời kỳ, có hiện tượng xây dựng trên đất nông nghiệp. UBND huyện Hoài Đức cũng đã có những biện pháp, chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra nhằm phát hiện các công trình vi phạm để ngăn chặn, xử lý.

Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 6.

Hai xã Vân Côn, xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được xem là "điểm nóng" về vấn đề xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo tài liệu Dân Việt có được, báo cáo số 441 - BC/HU ngày 15/1/2024 của Huyện ủy Hoài Đức nêu rõ, về việc quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, trong năm 2023, Hoài Đức đã kiểm tra 565 công trình, phát hiện 31 trường hợp vi phạm, ban hành 31 quyết định xử phạt hành chính, ban hành 15 quyết định cưỡng chế với số tiền trên 640 triệu đồng.

Còn về công tác quản lý đất đai, địa phương này xử lý 49 trường hợp vi phạm.

Để rõ hơn số liệu diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi trái phép, phóng viên đã đặt lịch với UBND xã Vân Côn từ cuối tháng 10/2023, thế nhưng địa phương này nhiều lần dời lịch hẹn hoặc cáo bận.

Mới đây nhất, thông tin từ ông Nguyễn Tiến Hạ - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Côn cho biết, năm 2023 xã không có vi phạm nào về đất nông nghiệp?! Nhưng ông Hạ không thông tin về các trường hợp vi phạm từ những năm trước đã được xử lý vi phạm triệt để hay chưa.

Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 7.

Ông Nguyễn Tiến Hạ - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Côn hẹn phóng viên về cung cấp thông tin, nhưng khi phóng viên qua làm việc thì vị lãnh đạo này lại không có mặt ở Uỷ ban. Phóng viên nhiều lần gọi điện nhưng ông Hạ không nghe máy. Ảnh phóng viên chụp cổng UBND xã Vân Côn.

“Mánh khóe” dựng nhà xưởng chui

Để tìm hiểu về cách dựng nhà xưởng chui, nhóm PV đã có dịp tiếp cận một loạt các nhân vật từ chủ đất, tới người tự xưng là “cò” dựng xưởng. Từ đây, những “mánh khóe” dựng nhà xưởng chui trên đất nông nghiệp được hé lộ.

Trong vai một người đang có nhu cầu tìm nhà xưởng tại Vân Côn, đầu tháng 4/2023, phóng viên đã tiếp cận được một người đàn ông tên V. Khi trao đổi qua điện thoại, V dè chừng khi chưa rõ là ai nên thông tin cung cấp nhỏ giọt.

Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 8.

V trong lần làm việc với phóng viên Dân Việt tháng 4/2023.

“Anh nghĩ em có mục đích khác chứ không phải dựng nhà xưởng. Nếu em muốn tìm nhà xưởng thuê, anh tìm cho luôn, của anh chưa dựng gì cả”, V nói. Để chắc ăn, V hẹn chúng tôi đến nhà để trao đổi trực tiếp: “Người thật, việc thật thì làm”.

Qua một mối khác, chúng tôi làm việc với người đàn ông tên Tiến B (trú tại Vân Côn, Hoài Đức). Tiến B khẳng định thời điểm này khó nhưng làm được: "Nhà xưởng anh đã dựng, nhưng vừa bị bắt tháo dỡ một phần, giờ em muốn làm thì về chỗ anh".

Giữa tháng 4/2023, theo sự chỉ dẫn, chúng tôi có mặt tại nhà của V. V dáng người khá đậm. Từ khi gặp mặt, người này liên tục chất vấn: "Mục đích của các em là gì?".

Khi có niềm tin hơn, người đàn ông bắt đầu tiết lộ nhiều câu chuyện. V bảo, nhà có đất nông nghiệp nhưng canh tác không hiệu quả thì chuyển đổi mục đích, ở cái làng này người dân làm nhiều: “Nay chính quyền đang né những vấn đề nhạy cảm về đất đai nên khó tiếp cận để làm, chứ ngày xưa thì thoải mái”.

Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 9.
Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 10.
Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 11.

Khu vực đất được V giới thiệu chi tiền để xây móng chui.

Dù bảo là khó, nhưng người này tiết lộ, mình vừa chi tiền để xây móng chui trên diện tích đất nông nghiệp, giờ chỉ chờ dựng nhà.

V tiết lộ, tại Vân Côn, giá thuê nhà xưởng giao động từ 40.000 đồng - 50.000 đồng/m2, tùy thuộc vào xưởng và đường đi. Đây là giá đối với xưởng đã hoàn thành xây dựng.

Còn nếu chúng tôi muốn dựng nhà xưởng theo ý riêng thì phải chịu toàn bộ tiền “luật”. Bù lại chúng tôi có 5 năm không phải nộp phí thuê đất, sau thời gian 5 năm, nhà xưởng là của V: “Trước đây, giá dựng nhà xưởng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/m2, nhưng với tình hình hiện nay là chưa rõ bao nhiêu. Các em cứ tính sao cho hợp lý. Cứ bàn thêm. Ngoài ra chúng ta còn tính trượt giá sau 5 năm, rồi đồ dùng, máy móc của xưởng. Cứ bàn trước, tất cả sẽ có hợp đồng rõ ràng”.

Mánh khóe để “thần tốc” dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại Hà Nội (Bài 1)- Ảnh 12.

Tại Vân Côn, vẫn có hàng loạt nhà xưởng xây chui, làm theo quy trình được "cò" vẽ ra. Hình ảnh được phóng viên chụp tại xã Vân Côn cuối năm 2023.

Chúng tôi hỏi: "Khi dựng lên, liệu địa phương có gây khó dễ?"

V khẳng định: "Khi đã dựng, đi vào sản xuất thì không lo. Mình đã lo "pháp lý" rồi thì họ phải bỏ qua cho mình".

V dẫn PV ra một cánh đồng, nhà xưởng đan xen với rau màu, chỉ 1 đoạn đường ngắn, PV đã đếm được hơn chục nhà xưởng được dựng tại đây. Dừng chân trước mảnh đất độ 600m, đã được làm móng vững chắc và đổ đất nền cao vượt lên cả so với nền ruộng cũ, V bảo trước đây đất này vốn là ruộng nhưng giờ ai cấy hái hoa màu nữa.

Kết thúc buổi làm việc, V cho biết, để hỏi ý kiến một người anh, người này có thể chạy, bao "luật", làm nhà xưởng nhanh gọn trong vòng 2 ngày. Nhưng tất cả đều phải chờ!

Để có thể gặp người đàn ông bí ẩn này, chúng tôi đã phải mất gần 8 tháng đeo bám và thuyết phục.

Liên quan đến việc này, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội khẳng định, xây nhà xưởng trên đất nông nghiệp là trái quy định pháp luật.

Việc xây nhà xưởng trên đất nông nghiệp là trái quy định pháp luật và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP với mức phạt có thể lên tới 200 triệu đồng nếu ở khu vực nông thôn và 400 triệu đồng ở khu vực thành thị.

Điều 10 Luật Đất đai 2013 phân loại đất đai thành đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.

Trong đó, đất nông nghiệp gồm đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất… phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, trồng rừng.

Còn đất phi nông nghiệp bao gồm đất ở; đất sử dụng để xây trụ sở, cơ quan, công trình sự nghiệp; đất sử dụng với mục đích phục vụ quốc phòng và an ninh; đất kinh doanh sản xuất…

Như vậy, theo quy định nêu trên, công trình, nhà xưởng sẽ được xây dựng trên đất phi nông nghiệp. Việc xây nhà xưởng trên đất nông nghiệp là trái quy định pháp luật.

Tùy vào loại đất nông nghiệp cụ thể là đất gì để xác định mức phạt tương ứng căn cứ theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 còn nêu trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Mời quý vị đón đọc bài 2: Mức giá “khủng” để dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem