Lòng vịt hầm sả giúp lão nông... "giải men"!

Bài, ảnh: Minh Khuyên Thứ ba, ngày 28/07/2015 15:05 PM (GMT+7)
Chan chén nước sả hầm lòng vịt húp vào, mồ hôi toát ra, bao mệt mỏi tan biến. Lòng vịt hầm sả thường được chấm với nước mắm trong dầm ớt hiểm hoặc chấm muối ớt vắt thêm miếng chanh cũng ngon lành.
Bình luận 0

Một trong những tập quán của người miền Tây Nam bộ là họ thường nuôi thả vài chục con vịt, dân gian gọi là vịt thả vườn. Nếu nuôi nhiều đến hàng trăm con để lấy trứng và thả cho chúng ăn ngoài đồng rộng sau khi lúa thóc vừa gặt hái xong thì gọi là nuôi vịt chạy đồng.

Giống vịt nuôi ở đây đa dạng, nhưng thường là giống vịt ta, vịt tàu. Dân gian gọi vậy, nhưng vịt tàu con nhỏ hơn vịt ta và vịt xiêm (ngan). Lông vịt màu sậm, nhiều khi có bông vằn vện, nên có người còn gọi là vịt rằn. Vịt nuôi thả vườn, chúng tự lặn lội xuống ao đìa kiếm ốc, tép riu để ăn. Vịt trưởng thành cỡ hơn kí lô là ăn thịt được. Dân gian miền Tây có câu Khách đến nhà không gà thì vịt để nói tính hiếu khách của người miền quê miệt vườn phóng khoáng.

img

Vịt nuôi.

img

Tô lòng vịt hầm sả.

Thịt vịt nấu cháo ăn kèm với gỏi chuối ghém trộn giấm đường là phổ biến. Bên cạnh đó, người ta còn chế biến thịt vịt thành nhiều món ăn ngon miệng khác, trong đó có món lòng vịt hầm sả.

Vịt làm thật sạch lông con, xát qua với lát gừng rồi rửa sơ lại bằng rượu trắng để thịt vịt không còn bị “hôi lông”. Mổ lòng vịt lấy gan (bỏ mật), tim, rồi làm sạch phần mề và ruột vịt. Người ta thường dùng lá chuối xiêm hoặc lá sả chà mề, ruột vịt cho chúng mau hết nhớt.

Bắc xoong nước dừa xiêm (nếu nước dừa ít thì pha thêm với nước mưa) lên bếp nấu. Ra vườn cắt vài tép sả, tước bỏ lá già, rửa sạch rồi dùng dao đập dập gốc, lá quấn lại thành lọn. Chờ nước sôi thả sả vào. Để nhỏ lửa, đến khi sả ra xanh nước thì thả lòng vịt vào. Chờ nước sôi lại, hớt sạch bọt. Nêm nếm vừa ăn, nhắc nồi xuống.

Chan chén nước sả hầm lòng vịt húp vào, mồ hôi toát ra, bao mệt mỏi tan biến. Lòng vịt hầm sả thường được chấm với nước mắm trong dầm ớt hiểm hoặc muối ớt vắt thêm miếng chanh cũng ngon lành. Các lão nông miền Tây thường có kinh nghiệm dùng món ăn này sau khi đã cuối "bữa tiệc", men ngà ngà rồi đi vào giấc ngủ ngon lành. Nước sả hầm vừa thơm vừa ít nhiều có tác dụng làm cho cơn say dịu bớt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem