Lời cảnh tỉnh từ mảnh thủy tinh

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 28/08/2015 06:39 AM (GMT+7)
Bài học “Vượt qua nỗi sợ” trong cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống” dạy trẻ 6 tuổi sự dũng cảm bằng cách bước qua đống thủy tinh vỡ đã khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Bình luận 0

Bức xúc vì người lớn mà lại dạy trẻ con kỹ năng liều lĩnh làm tổn thương bản thân. Bức xúc vì những cuốn sách lệch lạc như vậy lại lọt qua “tường lửa” của bao nhiêu nhà chuyên môn giáo dục, của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, “bài học đi trên thủy tinh” ấy lại cho cha mẹ, cho ngành giáo dục một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ. Bởi vì hàng ngày, hàng giờ, hàng triệu trẻ em của Việt Nam đang phải “đi trên thủy tinh” bởi không có kỹ năng để sinh tồn, thường xuyên chịu các tai nạn thương tích. Người lớn không chỉ không dạy, còn bỏ mặc hoặc dạy nhưng chỉ thuần túy miêu tả trên giấy, bắt các em học vẹt, không thể hoặc khó ứng dụng ngoài cuộc sống. 

Chỉ vài ngày trước, một nhóm em nhỏ 5-10 tuổi ở huyện Mường Khương (Lào Cai) ăn phải quả hồng châu độc, 1 em tử vong, 4 em ngộ độc nặng. Trước đó, 4 đứa trẻ huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), chết đuối ở ngay con rạch gần nhà…

Những thông tin buốt lòng này đã trở nên quá quen thuộc, vì theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ em thiệt mạng do tai nạn thương tích (điện giật, bỏng, ngã, ngộ độc, tai nạn giao thông, đuối nước…). Chỉ riêng đuối nước đã có khoảng 3.500-4.000 em thiệt mạng mỗi năm. Đó là chưa kể đến hàng nghìn trẻ phải chịu cảnh tàn tật, di chứng do tai nạn để lại.

Mỗi năm, Việt Nam cũng có khoảng 120.000 ca nạo phá thai vị thành niên. Đây cũng là những “tai nạn” đáng tiếc do các em thiếu kỹ năng sống, kỹ năng thương thuyết để rồi “cả nể”, “làm liều” dẫn đến những tổn thương về tinh thần và thể xác. Không ít vụ án mà thủ phạm vốn là những đứa trẻ ngoan, học giỏi nhưng lại không hiểu biết, thiếu kiềm chế bức xúc về sinh lý nên phạm tội cưỡng bức bạn khác… Tất cả các tai nạn đó chỉ vì nguyên nhân duy nhất: Các em quá thiếu kỹ năng để sinh tồn.

Theo tiến sĩ Etienne Krug - Giám đốc Ban Phòng chống thương tích, bạo lực và thương tật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu có các biện pháp phòng chống  - trong đó có cả biện pháp cung cấp cho các em các kỹ năng để đối phó với các nguy cơ tai nạn thì sẽ hạn chế được ít nhất 50% số ca tử vong vì tai nạn ở trẻ. Nếu Việt Nam làm tốt, mỗi ngày sẽ có ít nhất 10 đứa trẻ được cứu sống.

 Trẻ em đang cần, đang khát vô số các kỹ năng sống nhưng trường học lại chỉ cung cấp một mớ kiến thức khổng lồ hoặc định nghĩa về đạo đức suông. Vì thế cha mẹ nào có nhận thức tiến bộ thì đưa con đi học bơi, học kỹ năng sống ở các trung tâm tư nhân. Nhưng tư nhân không ai quản lý nội dung học nên mới có những chuyện giật mình như dạy các em về tháo lắp súng, dạy các em đi trên thủy tinh, dạy cười, dạy khóc…

Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 đặt ra  nhiều mục tiêu lớn: Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em; 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi…; 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu với tổng kinh phí là 1.755 tỷ đồng.

Trẻ em khó khăn được trợ giúp là đúng. Tuy nhiên, trên thực tế cả 26 triệu trẻ em Việt Nam (từ 0-16 tuổi) cũng đang “lâm nguy” vì thiếu kỹ năng sống, thiếu kỹ năng tồn tại thì lại không có chương trình nào bảo vệ, “giải cứu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem