Loại quả đặc sản thơm từ cổng vào nhà, ai đến Sơn Tây cũng muốn ăn thử 1 lần

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 30/06/2023 14:39 PM (GMT+7)
Xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có nhiều vườn đồi, nhưng cũng không ai biết cây mít dai được trồng ở đây từ bao giờ.
Bình luận 0

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của cây mít đặc sản, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã tổ chức Hội thi mít Sơn Tây; kiểm tra, đánh giá và ghi nhận hàng chục cây mít đầu dòng tại các xã: Sơn Đông, Cổ Đông, Thanh Mỹ để bảo tồn và nhân giống; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mít Sơn Tây…

Mít Sơn Tây nổi tiếng thơm ngon

Xã Sơn Đông (Sơn Tây, Hà Nội) có nhiều vườn đồi, nhưng cũng không ai biết cây mít được trồng ở đây từ bao giờ. Hầu như nhà nào cũng có ít nhất vài cây mít trong vườn, chủ yếu là mít dai. Dường như thổ nhưỡng vùng đất Sơn Đông đặc biệt phù hợp với cây mít nên đã làm ra loại trái cây đặc sản thơm ngon nức tiếng, múi vàng óng, giòn ngọt.

Gia đình nhà bà Lê Thị Hoàn, thôn Tân An, xã Sơn Đông đang có hàng chục cây mít lừng lững ở trước cổng, quanh sân nhà và quanh vườn. Cây nhiều tuổi nhất ước chừng cũng 40 – 50 năm, cứ hè đến là mít trẻo lủng lẳng trên cành, khi chín thì thơm từ cổng vào tận trong nhà. Bà cho biết: "Đất này phù hợp trồng mít nên ít phải chăm sóc, cũng vì vậy hầu như nhà nào cũng trồng vài cây bỏ đấy, đến mùa là có quả ăn, vừa bán vừa làm quà biếu".

Thâm canh cây đặc sản, nông dân Sơn Tây không phải lo đầu ra  - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở NNPTNT Hà Nội, Hội Nông dân TP.Hà Nội và các đại biểu thăm gian trưng bày mít đặc sản Sơn Tây. Ảnh: Sontay.hanoi.gov.vn

Không chỉ ở Sơn Đông, nhiều địa phương khác trong thị xã Sơn Tây cũng có nhiều vườn mít cổ thụ, có cây thu gần 1 tấn quả/năm, giúp chủ vườn bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết bà con trồng mít theo kiểu tận dụng, ít chăm sóc, đầu tư, cũng chưa tham gia vào chuỗi tiêu thụ, chế biến nên giá bán mít tươi còn bấp bênh.

Năm 2022, UBND thị xã Sơn Tây đã tổ chức thành công Hội thi Mít Sơn Tây. Từ đó, mít Sơn Tây càng được nhiều người biết đến và đặt mua, thậm chí nhiều khách mua cả cây để hái dần. Đặc sản mít Sơn Tây đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2022.

Theo ông Phùng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Đông, trên địa bàn xã có khoảng 800 hộ trồng mít, địa phương đã chọn lọc gắn biển những cây mít đầu dòng, ưu tú có tuổi đời từ 8 đến 100 tuổi. 

Để thúc đẩy quảng bá cũng như bảo tồn sản phẩm mít đặc sản, năm 2018, Sơn Đông đã tổ chức hội thi mít. Tới đây, xã cũng có kế hoạch mở rộng cây mít ra các vùng bãi, chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm mít dai.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Viết Đạt cho biết, trên địa bàn thị xã hiện có khoảng 100ha trồng mít, tập trung ở một số xã có nhiều đồi gò như: Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ... Mít Sơn Tây nổi tiếng ngon, ngọt, chất lượng tốt, là loại trái cây có nguồn vitamin C dồi dào, có tác dụng chống lão hóa nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Tích cực quảng bá đặc sản

Nhằm quảng bá đặc sản mít Sơn Tây tới người tiêu dùng, vừa qua, tại tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, UBND thị xã đã tổ chức Hội thi mít Sơn Tây năm 2023. Đây là lần thứ 2 hội thi độc đáo này được tổ chức. Năm nay hội thi có 17 đội tham gia, đến từ 9 xã, phường và 2 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Thâm canh cây đặc sản, nông dân Sơn Tây không phải lo đầu ra  - Ảnh 3.

Những múi mít đặc sản được đội thi đến từ xã Trung Hưng trang trí thành hình bản đồ Việt Nam. Ảnh: I.T

Các đội tham gia 3 phần thi, gồm: Hình thức bên ngoài quả mít, mỗi đội thi chuẩn bị 3 quả mít theo quy định của đội thi và đặt trên bàn của đội thi. Phần thi trang trí mâm mít đẹp và thuyết trình giới thiệu về nguồn gốc cây mít, quả mít, địa chỉ trồng..., mỗi đội sẽ tự chọn 1 quả mít ngon nhất để bổ đôi quả mít, sau đó tách múi.

Múi mít tách ra được xếp và trang trí vào đĩa hoặc mâm, tuỳ ý tưởng của mỗi đội. Để đảm bảo sự trung thực, sau khi trang trí xong, đĩa mít dự thi sẽ đặt cạnh nửa quả còn lại, phần thi được thực hiện bởi 3 thành viên dự thi của mỗi đội, có sự giám sát của tổ công tác giúp việc Ban tổ chức.

Theo quy định của Ban tổ chức, mít dự thi phải là mít dai truyền thống, chín tới tự nhiên, không dùng thuốc dấm chín, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Quả mít có gai đều, màu đẹp, không vẹo, không sâu, không nứt. Mít phải có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng, được lấy từ cây trồng trên địa bàn xã, phường dự thi.

Theo ông Nguyễn Viết Đạt, hội thi mít lần này nhằm tuyển chọn các cây, giống mít ngon, chất lượng bổ sung vào "tập đoàn" cây đầu dòng mít Sơn Tây, tạo điều kiện để các hộ, đơn vị trồng mít được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mít, qua đó từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mít Sơn Tây.

Hội thi cũng nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm mít Sơn Tây tới người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định và hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng mít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem