Lễ hội cần được “gạn đục khơi trong”

Lê Tâm Thứ bảy, ngày 07/03/2015 08:02 AM (GMT+7)
Tháng Giêng - tháng của mùa lễ hội đã đi trôi qua được hơn nửa chặng đường, những lễ hội lớn nhất đã khai màn. Đập vào mắt nhiều người dự hội là chuỗi “liên hoàn cướp”, cướp lộc, cướp giò hoa tre, cướp phết… đến vỡ đầu chảy máu. Và vấn đề hết sức nghiêm túc đang đặt ra: Phải mạnh tay loại bỏ những hủ tục ra khỏi lễ hội?
Bình luận 0

Hội làng biến tướng

Từ tết ra đến giờ, mở các báo ra là thấy nói đến lễ hội, mà điều buồn nhất là những hình ảnh buồn từ các lễ hội khắp vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ- cái nôi của nền văn hóa Việt Nam. Lễ hội đền Gióng tại Sóc Sơn (Hà Nội) vào sáng ngày mùng 6 Tết Ất Mùi đã xảy ra cảnh hàng chục thanh niên lao vào cướp lộc để mong lấy may mắn cho cả năm, gây nên cảnh hỗn loạn. Cùng với đó xuất hiện nhiều hình ảnh phản cảm như thanh niên dùng gậy tre vụt tới tấp vào đội bảo vệ kiệu...

img

Người dân nhét và xoa tiền lên thanh kiếm để lấy may tại Lễ hội đền Trần (TP. Nam Định).  Ảnh: Đ.D

Mùng 7 Tết, lại xuất hiện một đoạn video clip trên mạng ghi lại cảnh một nhóm thanh niên khiêng kiệu ở lễ hội rước kiệu đình Gián ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) cùng hò nhau lao kiệu vào đập vỡ kính một chiếc xe ô tô. Trong clip thể hiện rõ, những phu kiệu làm theo tiếng còi, chạy từ xa lấy đà, dùng sức mạnh để lao đầu kiệu vào chiếc xe trong tiếng hò reo phấn khích man dại của đám đông.

Một đoạn video ghê rợn khác ghi lại cảnh tượng dùng gậy vồ đập vào đầu trâu cho đến chết ở lễ hội Cầu Trâu (xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ) mới được khôi phục lại và được tổ chức vào đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10 tháng Giêng cũng đang khiến dư luận xôn xao về mức độ dã man.

Hội cướp Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao của Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng đã có công đánh đuổi giặc xâm lược. Năm nào cũng có màn trai làng xông vào cướp quả phết, và năm nay, sau màn tranh cướp quyết liệt, vài thanh niên đã chảy máu mồm, tóe máu đầu.

Đêm 14 tháng Giêng, khai Hội đền Trần (Nam Định), vì ấn được chuyển sang phát từ sáng 15 âm lịch nên người dự hội lại đổ xô cướp lộc trên bàn thờ, nhấc cả thanh gươm thờ xuống để xoa tiền lẻ vào lấy may, tạo nên một cảnh tượng vô cùng lộn xộn.

Chỉ điểm qua một vài lễ hội đầu năm đã có thể nhận thấy một biểu hiện rất đáng lo ngại, đó là sự lộn xộn, biến tướng theo chiều “bạo lực hóa” các nghi lễ, và thủ tục trong quá trình hành lễ mỗi năm lại tăng mạnh hơn.

Tất cả các hành động như cướp giò hoa tre ở Hội Gióng, cướp phết ở Hiền Quan hay cướp ấn ở Đền Trần, kiệu bay trong lễ rước… đều bắt nguồn từ những nghi lễ trong lịch sử của hội làng địa phương, tuy nhiên, để cho đến những cảnh tượng “chướng tai gai mắt”, thiếu văn hóa như hiện nay, là một quá trình “tha hóa” trong tâm lý của người dự hội.

Người sao hội vậy

Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn nhớ lại: “40 năm trước, nếu ai có dịp đến chơi hội Gióng Sóc Sơn vào mùng 6 Tết chắc hẳn vẫn còn nhớ tục “cướp giò”. Đám rước trang nghiêm, người ta làm ra rất nhiều bông hoa tre (giò) rước theo với mục đích cho những người đi xem hội “cướp” lấy may. Tất nhiên cũng có chen lấn xô đẩy nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có chuyện bạo lực, dao búa gậy gộc. Đội bảo vệ kiệu đủ tài trí, sức khỏe để không một ai dám hỗn hào quá mức ở chốn linh thiêng này. Có thể nói lễ hội hôm nay đang phản ánh chuẩn xác nhất những hành xử của con người thời nay, người sao hội vậy”.

Chuyện cướp ấn đền Trần ngày xưa cũng vậy, truy về nguồn gốc của tục khai ấn đền Trần trong chính sử, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng: “Không hề có chuyện nguồn gốc của lễ khai ấn bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông, Vua Trần thiết triều ở Tức Mặc - Thiên Trường để thưởng công, ban tước như nhiều ý kiến cho rằng như thế. Tôi đã đọc lại sử cũ và khẳng định trong thư tịch cổ không hề chép gì về cái gọi là “lễ khai ấn đền Trần”. Thế nhưng từ một chi tiết về việc đầu xuân năm mới, Vua Trần về thăm Thái Thượng Hoàng đã đóng ấn để khởi đầu một năm, chuyện “khai ấn” đã được thổi bùng thành việc “ban quan ban tước” và tạo nên sức hút ghê gớm trong hơn 10 năm trở lại đây.

Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa vào mỗi dịp đầu năm, để con người được trải lòng, hướng đến các vị thánh thần, hưởng trọn không khí linh thiêng lúc trời đất giao hòa nhưng trái lại, ngày nay lễ hội đã trở thành một dịp để người ta phô bày mọi thói hư tật xấu. Những biển người tranh cướp lộc đến chảy máu, không ngần ngại vung dao đe doạ nhau, dùng gậy nện vào đầu nhau, lợi dụng rước kiệu để phá hoại tài sản công dân, đối xử quá dã man với động vật… đó là những hành động không một cộng đồng văn minh nào chấp nhận được.

Nên loại bỏ hủ tục

Ngay khi mùa lễ hội đang diễn ra ở thời điểm nóng nhất, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 3, Thủ tướng đã giao Bộ VHTTDL phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức những cuộc tọa đàm, xác định những giá trị văn hóa đích thực cần lưu truyền, phát huy, còn cái gì không còn phù hợp, không còn cần thiết thì nên xem lại. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng nước ta còn rất nhiều lễ hội, có chuyện "mua thần, bán thánh", mê tín dị đoan, tranh giành lộc... cần phải phân tích rõ, cái gì tốt thì khen ngợi, những cái gì thuộc về hủ tục, không tốt cần phê phán. Bên cạnh đó, rất cần tổng kết các hoạt động lễ hội để xác định lễ hội nào nên giữ, nên phát huy; lễ hội nào là hủ lậu, lịch sử vượt qua rồi, thực tiễn vượt qua rồi thì loại bỏ.

Từ mùa lễ hội năm 2015, Bộ VHTTDL cho biết sẽ tiến hành chấm điểm công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở các địa phương và ban hành 6 tiêu chí và thang điểm đánh giá để các địa phương tự bình xét. Có lẽ đây sẽ là bước đầu tiên để tiến hành công tác phân loại các lễ hội nhằm tiến đến việc loại bỏ các lễ hội, các hủ tục không còn phù hợp ra khỏi đời sống xã hội.

Ông Phan Đình Tân - người phát ngôn Bộ VHTTDL cho biết: “Tới đây chúng tôi sẽ siết chặt công tác quản lý lễ hội, thậm chí là cấm hẳn không cho tổ chức lễ hội nếu các sai phạm còn tiếp tục tái diễn”.  

GS Nguyễn Xuân Kính (Viện Nghiên cứu Văn hóa- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam):Phản ánh suy thoái đạo đức

Có câu thành ngữ “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, đó là đi vào hội không tránh khỏi cảnh chen nhau, xô đẩy. Cướp lộc trong lễ hội xưa là một nét đẹp văn hóa, người ta xông vào cướp, ai được lộc đem về nhà thì gặp may. Và dù có xảy ra xô xát, nhưng không đến mức đánh nhau dữ dội như bây giờ. Điều đáng lo ngại là cách hành xử thiếu kiềm chế, những hành vi bạo lực trong lễ hội ngày càng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, gợi lên sự lộn xộn, bát nháo, vô tổ chức. Con người hung hãn, sẵn sàng đánh nhau. Đây có thể nói là dấu hiệu của sự thực dụng, hay mặt trái của kinh tế thị trường. Nói rộng ra là dấu hiệu suy thoái đạo đức của một bộ phận cư dân.

PGS -TS Lê Trung Vũ (Viện Văn hóa Dân gian):Niềm tin “ảo”, bạo lực thật

 Người ta cướp lộc, cướp ấn, đó là có niềm tin vào hạnh phúc “ảo”, nhưng lại tạo ra hành động thật, đó là tranh giành, giẫm đạp lên nhau. Cùng với niềm tin là thói “a dua”, hùa theo tâm lý đám đông, người ta có lộc, mình cũng phải có, không có thì kém may… Đó có thể coi là một phần nguyên nhân dẫn đến sự biến tướng của lễ hội.

GS-TS Lê Hồng Lý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa:Tránh biến văn hóa thành cớ kiếm tiền

Nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh vào lễ hội truyền thống và làm cho lễ hội có nhiều biến đổi. Một mặt nó phù hợp với đời sống mới, song mặt khác lại làm mất đi một số nét truyền thống mà có thể nhiều người trong chúng ta tiếc nuối, tuy nhiên đó là việc không thể tránh khỏi. Làm văn hóa để kiếm ra tiền mà vẫn giữ lại được những giá trị văn hóa là một vấn đề không dễ, còn biến văn hóa chỉ là cái cớ để kiếm tiền lại là một vấn đề cần hết sức tránh, vì như vậy lại là phản văn hóa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền:Những cổ tục máu me không còn phù hợp

Hiến sinh là cổ tục, ví dụ chuyện chém lợn trong lễ hội đầu năm là tục hiến sinh, nhưng những hành vi đó không phù hợp với ngày nay. Hệ thống đạo đức của xã hội phát triển, người ta không thể chấp nhận những hành vi sát thương hay đâm chém máu me một cách dã man như thế. Chúng ta cứ ngộ nhận tất cả những giá trị truyền thống đều tốt đẹp, đều là tinh hoa. Đó là sai. Mỗi một thời đại có một giá trị tồn tại phù hợp với thời đại đấy. Những cổ tục ngày xưa nó là giá trị phù hợp với thời trung cổ nhưng với thời đại hôm nay thì không phải nữa.

M.A (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem