Lấy nghề phụ làm động lực

Thứ sáu, ngày 01/11/2013 10:25 AM (GMT+7)
Nhờ tích cực chuyển đổi ngành nghề, đẩy mạnh phát triển nghề phụ, xã Nghĩa Hương (Quốc Oai, Hà Nội) đã góp phần giúp người dân tăng thu nhập, đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0
Đi lên từ nghề phụ

Tìm về xã Nghĩa Hương, đâu đâu cũng thấy nhà dân chất đầy gỗ, tre, nứa…, dọc hai bên đường là hàng chục ô tô tải lớn, nhỏ đang tấp nập “ăn” hàng. Ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghĩa Hương có 3 thôn thì cả 3 đều có nghề phụ phát triển, thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Trong đó nghề phổ biến nhất là đan cót ở thôn Văn Quang, mây tre đan ở thôn Văn Khê. Toàn xã có 1.800 hộ dân, 360,6ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là 265ha.

Trước đây, thu nhập của người dân Nghĩa Hương chủ yếu dựa vào trồng lúa, rau màu và đan lát, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nghề chế biến lâm sản bắt đầu được du nhập và phát triển ở tất cả các thôn. Nhờ nghề này, nhiều hộ trở nên khấm khá, thu về tiền tỷ mỗi năm như hộ ông Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Khắc Hồng…

Nghề chế biến gỗ lâm sản đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Nghĩa Hương.
Nghề chế biến gỗ lâm sản đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Nghĩa Hương.

Trò chuyện với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Khắc Hồng ở xóm 8, thôn Văn Quang cho biết: Từ ngày tập trung vào cơ sở chế biến gỗ, thu nhập của gia đình tôi cải thiện hơn hẳn, bình quân mỗi năm đạt vài tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động với mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương cho biết: “Năm 2012, UBND TP.Hà Nội đã quyết định thành lập cụm công nghiệp làng nghề tại xã với quy mô 11,4ha. Để góp phần thúc đẩy 3 làng nghề truyền thống của xã phát triển, chúng tôi đã mở 7 lớp đào tạo nghề cho 625 lao động, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho 2.100 lao động. Hiện, toàn xã có 450 hộ kinh doanh dịch vụ, lao động nông nghiệp chỉ còn 967 người, chiếm 25,49%”.

Quyết về đích trong năm 2013

Hiện, thu nhập bình quân của người dân Nghĩa Hương đã đạt 24,5 triệu đồng/người/năm, toàn xã chỉ còn 55 hộ nghèo, chiếm 2,9%. Tính đến hết tháng 9.2013, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM của xã đạt 347,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 29,3 tỷ đồng, ngân sách huyện 48,9 tỷ đồng...

"Khi sản xuất nông nghiệp của xã đang dần đi xuống, thì việc chuyển hướng sang phát triển các ngành nghề truyền thống như đan lát, chế biến gỗ là bước đi đúng đắn của xã, mang lại thu nhập cao cho người dân”.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương

Tổng số dự án đã được phê duyệt đầu tư là 42 dự án. Tiến độ giải ngân hiện đạt 90% so với nguồn kinh phí được cấp. Ông Nhẫn cho biết: Thời gian tới, Nghĩa Hương tiếp tục ưu tiên phát triển các nghề truyền thống của địa phương nhằm tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, xã vẫn chú trọng vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, hiện đã quy hoạch 100ha…

“Tính đến tháng 9.2013, xã đã cơ bản hoàn thành 17/19 tiêu chí, 2 tiêu chí chưa đạt là cơ sở vật chất văn hóa và trường học đang được chúng tôi gấp rút triển khai để về đích vào cuối năm nay” - ông Nhẫn cho biết.
Trần Quang – Vân Nga (Trần Quang – Vân Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem