Làng cổ dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên

Hải Đăng Thứ bảy, ngày 09/09/2023 13:30 PM (GMT+7)
Làng Đa Ngưu "có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất", chính giữa làng có địa thế cao đẹp, thoáng mát được truyền tụng là đất "Hình nhân quái bảng" nên dân làng ở đây đã cho xây dựng ngôi đình trăm cột thờ Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.
Bình luận 0

Đình Đa Ngưu được xây dựng năm 1520, đến năm 1706, đình được tôn tạo thêm và được trùng tu sửa chữa tiếp vào năm 1907. Đình Đa Ngưu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1995. Hiện tại, ngôi đình này vẫn còn nguyên vẹn 100 cây cột lim và hình thức kiến trúc độc đáo.

Đình Đa Ngưu có kiến trúc độc đáo

Ông Đoàn Văn Côi, thủ từ đình Đa Ngưu ở làng Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, căn cứ vào dấu tích lăng Bà Chúa cũng như sắc phong của các triều đại (trong đó có sắc phong của Vua Quang Trung năm xưa để lại, đình Đa Ngưu được xây dựng từ rất sớm. Năm 1520, hai anh em ông Cống Cả, Cống Hai đã đứng lên tổ chức xây dựng đình. 

Khi khởi dựng, các bô lão trong làng đã mua 101 cây lim và sử dụng 100 cây lim làm cột, 1 cây chẻ ra làm cán đục và không sử dụng bất cứ một đinh sắt nào. Hiếm có một ngôi đình, đền nào tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ có cấu trúc hiên với hàng cột bao quanh như đình Đa Ngưu.

Làng cổ có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên - Ảnh 2.

Nghi môn của đình Đa Ngưu được xây dựng theo lối truyền thống của đình, đền vùng Đồng bằng Bắc Bộ, gồm 4 trụ biểu tạo hành tam quan. Trụ biểu xây bằng gạch. Ảnh: HĐ

Theo truyền ngôn của người xưa: “Đa Ngưu như ngưu ngọa, thất thập nhị tinh phong” (nghĩa là: “Làng Đa Ngưu có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất”), chính nơi giữa làng có địa thế cao đẹp, thoáng mát đó đã xây dựng nên ngôi đình có 100 cột.

Ngôi đình gồm 3 tòa là: Tiền đình, trung đình và hậu cung. Mặt trước đình nhìn ra hướng Tây Bắc. Gian trung tâm có nhiều bức đại tự lớn chạm trổ hoa lá long quần. Tòa hai có các hàng cửa võng chạm rồng phượng lộng lẫy cùng bức đại tự “Thánh cung vạn tuế”. 

Các bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, khảm trai được treo ở các cột và trước ban thờ ca ngợi công đức của ba vị thần thờ ở hậu cung là: Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hồng Vân công chúa. 

Làng cổ có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên - Ảnh 3.

Trước và sau đình có hai giếng Ngọc, vào ngày hội làng hằng năm (10 đến 12/2 âm lịch), các vị bô lão thường làm lễ tắm rửa cho các ngai trong điện thờ ở hai giếng Ngọc. Ảnh: HĐ

Trước và sau đình có hai giếng Ngọc trồng sen. Những ngày hè hương sen tỏa thơm ngát. Vào ngày hội làng hằng năm (10 đến 12/2 âm lịch), các vị bô lão thường làm lễ tắm rửa cho các ngai trong điện thờ ở hai giếng Ngọc. Phía đông đình là nhà tiên lão-nơi thờ cúng những người có công với nước, phía tây là Khánh Vân Tự.

Nghi môn của đình Đa Ngưu được xây dựng theo lối truyền thống của đình, đền vùng đồng bằng Bắc Bộ, gồm 4 trụ biểu tạo hành tam quan. Trụ biểu xây bằng gạch.

Làng cổ có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên - Ảnh 4.

Mặt trước tòa tền đường đình Đa Ngưu. Sân đình rộng 20m, dài 32m, lát gạch Bát Tràng. Giữa sân có một con đường tạo bởi gạch lát cao hơn so với nền sân xung quanh. Ảnh: HĐ

Hai trụ biểu tại giữa cao, to; hai trụ biểu hai bên nhỏ, thấp. Cả 4 trụ biểu có đỉnh trụ trang trí tứ phượng, thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng.

Giữa hai trụ biểu cao là cổng chính vào đình. Hai bên cổng chính là hai cổng phụ, phía trên có mái che, dạng 4 mái. Xung quanh đình có tường bao.  

Sân đình rộng 20m, dài 32m, lát gạch Bát Tràng. Giữa sân có một con đường tạo bởi gạch lát cao hơn so với nền sân xung quanh. Bên trái sân có một tòa Tả vu, là nơi đặt các đồ tế lễ.

Làng cổ có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên - Ảnh 5.

Từ cổng chính Nghi môn nhìn vào sân đình Đa Ngưu. Ảnh: HĐ

Đại đình gồm 2 tòa Tiền điện, Chính điện đặt song song với nhau. Tiền điện dài 20m, rộng 7,7m, gồm 5 gian, 4 mái, có hành lang rộng 1,4m bao quanh 3 phía. Tiền điện có cấu trúc của một ngôi đình. Gian chính giữa có sàn thấp gọi là gian lòng thuyền, là nơi tế lễ. 4 gian hai bên đều có sàn cao, là nơi hội họp.

Tiền điện có 40 cột, cột cái cao 4,2m, đường kính rộng 0,45m, cột quân cao 3,1m, đường kính rộng 0,35m. Chính hệ thống cột bố trí dọc theo hành lang làm cho đình có số cột nhiều hơn so với các ngôi đình truyền thống khác. Phía trước và hai đầu hồi tòa tiền điện đều có cửa bức bàn cao 2,25m, trên lắp chấn song.

Làng cổ có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên - Ảnh 6.

Gian chinh giữa tòa tiền đường, đình Đa Ngưu. Ảnh: HĐ

Đến nay đình Đa Ngưu vẫn lưu giữ 100 cột gỗ lim vững chắc

Chính điện có cấu trúc của một ngôi đền với mặt bằng hình chữ “đinh” hay chữ T, gồm bái đường và hậu cung. Bái đường xây dựng áp sát tiền đường. Đi trong đình không có sự phân biệt giữa hai tòa.

Tòa bái đường thiết kế như tiền đường với 5 gian, 4 mái, 44 cột. Tại gian giữa có bức đại tự “Thánh cung vạn tuế” và các bức hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng khảm trai được treo ở các cột và trước ban thờ để ca ngợi các vị thần được thờ cúng ở đình.

Hậu cung có chiều dài 7,6m, rộng 4,7m, gồm 2 gian, 2 mái, 16 cột. Trong hậu cung đặt một ban thờ với bài vị thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung, và Hồng Vân công chúa. Tòa hậu cung xung quanh ghép ván, phía trước có cửa bức bàn.

Làng cổ có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên - Ảnh 7.

Bài vị thờ Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân tại hậu cung đình Đa Ngưu. Ảnh: HĐ

So với các ngôi đình nổi tiếng, đình Đa Ngưu có ít các bức chạm khắc. Các bức chạm khắc tập trung chủ yếu tại gian trung tâm tòa tiền điện và bái đường.

Các bức chạm khắc trong đình Đa Ngưu cũng được thể thiện theo các nhóm theo chủ đề về: Cõi trần và cõi tiên; Tự nhiên, Cảnh lễ hội; Đời sống thường nhật.

6 đầu dư tại 6 cột trung tâm của gian giữa tiền điện, bái đường đều được trạm trổ đầu rồng. Các bức đại tự lớn tại gian trung tâm đều được trạm trổ tứ linh, tứ quý.

Làng cổ có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên - Ảnh 8.

Tòa bái đường thiết kế như tiền đường với 5 gian, 4 mái, 44 cột. Tại gian giữa có bức đại tự “Thánh cung vạn tuế” và các bức hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng khảm trai được treo ở các cột và trước ban thờ để ca ngợi các vị thần được thờ cúng ở đình. Ảnh: HĐ

Làng cổ có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên - Ảnh 9.

Làng cổ có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất nổi tiếng với đình trăm cột độc đáo ở Hưng Yên - Ảnh 10.

Hiện tại, đình Đa Ngưu vẫn còn nguyên vẹn 100 cây cột và hình thức kiến trúc độc đáo của ngôi đình – đền. Ảnh: HĐ

Theo ông Côi, đình Đa Ngưu còn là chứng nhân của những sự kiện lịch sử. Phó Đức Chính (1907 -1930) – một trong những lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng đã đem tổ chức của mình về đây gây dựng cơ sở chuẩn bị chống Pháp.

Năm 1929 – 1930, đình Đa Ngưu là nơi diễn ra các cuộc họp để nghe cán bộ Việt Minh tuyên truyền về Cách mạng Tháng Mười Nga… Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa và kiến trúc, đình Đa Ngưu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1995. Trải qua 500 năm, đình Đa Ngưu vẫn đứng vững và là một điểm đến của nhiều du khách khi đặt chân đến mảnh đất Hưng Yên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem