Lặn lội về bản tìm trò nghèo dạy nghề

Lê San Thứ năm, ngày 23/07/2015 08:13 AM (GMT+7)
Lặn lội về những bản làng heo hút để tuyển chọn các em học sinh DTTS ham học nhưng không có đủ điều kiện kinh tế để đi học. Đăng ký cho các em vào ở các trường nghề, hỗ trợ các em tìm nơi ăn, chốn ở và một phần chi phí sinh hoạt suốt 3 năm học ở thủ đô...
Bình luận 0

Đó là mô hình thiện nguyện thực sự có ý nghĩa và thiết thực mà Nhóm tình nguyện Ngàn Hạc Giấy Hà Nội và CLB Aikido Yuki Shodukan đang thực hiện.

Hỗ trợ toàn bộ học phí

Mang một cái tên rất giản dị: “Học làm thợ”, tuy mới chỉ thực hiện được hơn 1 năm,  nhưng chương trình đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ địa phương và các cá nhân, tổ chức thiện nguyện.

img

Phụ huynh em Phàng A Chư (Bát Xát, Lào Cai) nhận được thư  và hình ảnh của em gửi về từ trường học.    Ảnh:      Lê San

Theo anh Trần Đức Anh – đại diện Nhóm tình nguyện Ngàn Hạc Giấy (Hà Nội), vào cuối các năm học, tình nguyện viên của chương trình đến các huyện miền núi để tuyển các em học sinh khó khăn nhưng ham học về Hà Nội học nghề. Các em khi đi học nghề sẽ được hỗ trợ học phí cả 3 năm học, trung bình mỗi em từ 6 - 7 triệu/năm.

Mặt khác, trong năm đầu tiên, các em được giúp đỡ giải quyết các vấn đề liên quan tới giấy tờ, tìm nhà ở, hỗ trợ đồ dùng sinh hoạt, hướng dẫn cách hoà nhập cộng đồng, tìm việc làm thêm phù hợp.

Hiện nay, Chương trình “Học làm thợ” hoạt động với kinh phí chủ yếu là tự sự ủng hộ của các thành viên trong nhóm và các nhà hảo tâm. Do mới chỉ gói gọn trong một nhóm nhỏ nên nguồn kinh phí chưa được dồi dào, nhưng đã có rất nhiều thành viên nhiệt tình ủng hộ cả bằng hiện vật và tiền mặt. 

Gia đình thứ 2 của học sinh nghèo

  Năm 2015, Chương trình “Học làm thợ” sẽ tiếp tục tuyển 6 em học sinh khó khăn ở huyện Si Ma Cai và Mường Khương của Lào Cai. Để biết thêm thông tin, đề cử ứng viên hoặc ủng hộ cho chương trình, quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp với anh Lê Đức Anh -  phụ trách chương trình qua số điện thoại 0977 32 4407. 

Hầu A Cù, dân tộc Mông nhà ở xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) là 1 trong 4 em học sinh được chương trình đưa về Hà Nội học nghề. Trước khi cùng các anh chị trong nhóm tình nguyện xuống Hà Nội, Cù chưa bao giờ đi ra khỏi nơi mình đang sinh sống.

“Lúc mới xuống Hà Nội, nhìn cái gì cũng lạ, làm cái gì cũng sợ. Nhưng được các anh chị trong nhóm hướng dẫn tỉ mỉ từ tìm nhà trọ, hỗ trợ đồ dùng sinh hoạt tới tìm chỗ làm thêm rồi cũng quen dần. Em cùng 3 bạn khác nữa cùng chương trình ở chung và đi học với nhau” -  Cù bộc bạch.

Để có tiền trang trải sinh hoạt phí, Cù được các anh chị trong nhóm giới thiệu việc làm phù hợp với lịch học và có liên phần nào đến nghề công nghệ ô tô mà em đang theo học ở Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội. Giúp các em bắt nhịp được với lớp học, từ đầu năm học, các tình nguyện viên cũng thay nhau đến phụ đạo kiến thức cho các em. Hàng tuần, đều có người đến xem xét tình hình ăn ở, học tập của các em.

“Qua hơn 1 năm học, từ những thiếu niên nhút nhát, các em đã trưởng thành hơn nhiều. Tâm lý tự ti, mặc cảm cũng không còn. Các em cũng đã có được định hướng tương lai cho mình. Chịu thương chịu khó, vừa học vừa làm để trang trải chi phí. Thành tích học tập khá, được thầy yêu, bạn mến. Em Tần Lào Sủ còn được học bổng của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Đó là điều chúng tôi tự hào mình đã làm được cho các em, trao cho các em một cơ hội để thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời mình. Chúng tôi cũng mong muốn chương trình sẽ được mở rộng và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ hơn nữa của các nhà hảo tâm”- anh Đức Anh chia sẻ.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem