Làm phim tuyên truyền nhìn từ vụ việc phim “Sống cùng lịch sử”: Cần cuộc cách mạng tư duy!

Mai An Thứ tư, ngày 24/09/2014 07:14 AM (GMT+7)
Câu chuyện không vui của phim “Sống cùng lịch sử” đang đặt ra một vấn đề bức thiết: Không thể tiếp tục làm phim tuyên truyền theo lối mòn, không đặt nặng yếu tố thu hồi vốn. Cần phải có một cuộc “cách mạng” trong tư duy làm phim tuyên truyền. 
Bình luận 0

20 năm vẫn một cách kể

Là người đã từng xem “Sống cùng lịch sử”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Trước tiên phải xác định, phim “Sống cùng lịch sử” được làm theo đơn đặt hàng phục vụ sự kiện chính trị, đây là một chuyện bình thường của điện ảnh Việt Nam, đã từng tồn tại trong nhiều chục năm qua.

Đã là phim đặt hàng thì phải đáp ứng được yêu cầu chính trị là hàng đầu, phim phải mang tính sử thi, tái hiện sự kiện, nói chung là một bộ phim nghiêm túc nên cũng khó cho người làm. Dù có muốn lựa chọn hình thức thể hiện nào cũng phải kể lại câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm.

Cho đến nay chúng ta đã có 3 bộ phim làm về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm “Hoa ban đỏ” của đạo diễn NSND Bạch Diệp nhân dịp 40 năm chiến thắng, “Ký ức Điện Biên” của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nhân dịp 50 năm và “Sống cùng lịch sử” của đạo diễn NSND Thanh Vân nhân dịp 60 năm.

Tuy nhiên tôi thấy, 20 năm qua, cả 3 bộ phim vẫn chung một cách kể, các tác giả vẫn phải bám vào những sự kiện chính như kéo pháo, những cuộc chiến đấu với quân Pháp, những nhân vật lịch sử… do đó rất khó để có một cái gì đó thực sự mới lạ cuốn hút”.

Về những thành công của “Sống cùng lịch sử”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết phim có khá nhiều trường đoạn xúc động, với những khán giả ở lứa tuổi ông việc xem một bộ phim như vậy cũng để lại khá nhiều cảm xúc.

Biên kịch và đạo diễn đã cố gắng để câu chuyện của mình hướng đến khán giả hôm nay thông qua hành trình đi phượt của nhóm bạn trẻ và sử dụng phương pháp đồng hiện để cho các nhân vật hôm nay hóa thân vào các nhân vật trong quá khứ. Tuy nhiên, phim vẫn có cách kể chưa mới.

Không thể tư duy như cũ

Từ “Hoa ban đỏ” đến “Ký ức Điện Biên” rồi “Sống cùng lịch sử”, có thể thấy việc cứ cách 10 năm lại phải có một bộ phim về cùng một đề tài đã được truyền thông khai thác quá nhiều như chiến thắng Điện Biên Phủ là một thách thức không hề nhỏ với giới điện ảnh.

Vì vậy trên mạng xã hội, đã có người nêu ý kiến: “Tại sao lại cứ “đến hẹn lại lên” là phải làm một bộ phim? Tại sao không nghĩ tới một hình thức tuyên truyền khác hiệu quả, sáng tạo và tiết kiệm tiền hơn, ví dụ Bộ VHTTDL có thể đứng ra tổ chức một cuộc thi vui trên đường du lịch theo kiểu “phượt” cho giới trẻ để họ tìm về chiến trường xưa của cha ông mình, chắc chắn sẽ thu hút và hiệu quả hơn”.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Nghệ thuật mà cứ đặt vào con đường của tuyên truyền thì nghệ thuật không phải của công chúng mà là của ai đó. Chúng ta phải làm cho khán giả thích chứ không phải làm cho cấp trên thích. Nếu không thì nội dung phim sẽ luôn là sự cứng nhắc và cũ kỹ. Tôi tin là với khả năng của anh Thanh Vân và tác giả kịch bản Đoàn Minh Tuấn, nếu để các anh có sự chủ động thì phim sẽ hay hơn nhiều”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đề xuất: Nếu vẫn cần những bộ phim tuyên truyền thì cần đấu thầu kịch bản rộng rãi để nhiều người tài có cơ hội thể hiện tài năng. Tuy nhiên điều quan trọng nhất theo tôi vẫn ở bộ phận duyệt kịch bản, họ có dám thay đổi tư duy hay không, có dám nhìn về lịch sử ở một góc mới lạ hay không, còn nếu chỉ đơn thuần để tuyên truyền cho chiến thắng thì ngay cả người làm phim cũng nản.

“Tại sao các nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc họ dám mạnh dạn thay đổi cách nhìn trong phim lịch sử mà ta thì lại cứ chọn cách tuyên truyền khô cứng một chiều như vậy?... Phim tuyên truyền mà không hấp dẫn được khán giả thì không thể gọi là một phim thành công” - ông Nguyên nói.

Câu chuyện của “Sống cùng lịch sử” có lẽ là một giọt nước tràn ly cho tư duy làm phim tuyên truyền cũ rích của điện ảnh Việt Nam!

 Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết: “Rất nhiều người chưa hề xem phim nhưng lại phán xét “Sống cùng lịch sử” rất gay gắt, vì thế tôi mong muốn và sẽ đề xuất Cục Điện ảnh có kế hoạch phát hành phim rộng rãi để nhiều người được xem. Ngày 27.9 tới, tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội sẽ có buổi chiếu và giao lưu với đoàn phim. Chúng tôi cũng đang phối hợp T.Ư Đoàn để giới thiệu phim đến các trường ĐH”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem