Làm phim tiền tỷ để... cất kho

Thứ ba, ngày 01/10/2013 06:45 AM (GMT+7)
Sau 3 năm kể từ khi hoàn thành, bộ phim trị giá 57 tỷ “Thái sư Trần Thủ Độ” sẽ được lên sóng VTV vào ngày 15.10 tới dưới hình thức “biếu không” để chấm dứt chuỗi ngày xếp kho. Rất nhiều những bộ phim tiền tỷ cũng đang chịu chung số phận như thế...
Bình luận 0
Theo nhau “đắp chiếu”

Cho đến bây giờ, câu chuyện vì sao 30 tập phim “Thái sư Trần Thủ Độ” lại bị xếp kho lâu đến thế cũng đã nhiều người được tỏ tường. Vì nó là một lựa chọn đầu tư sai lầm ngay từ đầu của chủ đầu tư là UBND TP.Hà Nội khi duyệt các đề án làm phim để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

30 tập phim với 57 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách - một cú đầu tư nặng ký, chỉ có điều đã đi sai hướng, bởi vì để đánh dấu sự kiện một thành phố sinh ra từ Chiếu dời đô của vị vua mở đầu triều nhà Lý, người ta lại làm phim về vị Thái sư trong lịch sử được coi là người tiêu diệt nhà Lý. Thế nên phim xếp kho là đúng!

Cảnh trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” do Hãng Phim truyện  sản xuất.
Cảnh trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” do Hãng Phim truyện sản xuất.

57 tỷ đồng từ tiền thuế của dân để làm một bộ phim “chệch hướng”, thôi thì giờ này không cần bàn về sự lãng phí hay không nữa, vì câu trả lời đã rõ ràng rồi. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: “Vì phim được làm từ ngân sách nên thành phố đã tìm mọi phương án để đưa đến với khán giả. Thậm chí, Hà Nội cũng đã tính đến phương án gửi tặng đến từng tỉnh, thành phố để phát sóng...”.

Tuy nhiên, biếu không cũng không đắt, chẳng đài nào dám nhận bởi vì lịch chiếu của họ đã dày đặc, thế là Đài Truyền hình Việt Nam trở thành đơn vị lãnh trách nhiệm “cứu nguy” cho chủ đầu tư khi nhận về 30 tập phim này và sắp xếp lịch phát sóng trên VTV1 từ ngày 15.10 (lúc 20 giờ 30 các ngày thứ 2 thứ 3 thứ 4 hàng tuần).

Tính đến thời điểm này, những bộ phim lịch sử thành công đếm không đủ trên một bàn tay, vì vậy, việc đổ tiền vào phim lịch sử tựa như đánh một canh bạc lớn. Tuy nhiên, phim “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Lý Công Uẩn- Đường đến thành Thăng Long” không phải là những ví dụ hiếm hoi cho việc lãng phí.

Rất nhiều bộ phim do Nhà nước bỏ tiền đầu tư, từ vài tỷ đến cả chục tỷ đồng, bị lãng phí theo nhiều cách khác nhau. “Lạc lối” của đạo diễn Nhuệ Giang, cùng thuộc hàng những tác phẩm điện ảnh được đầu tư kinh phí “khủng” và khán giả cũng mới chỉ nghe tên mà chưa thấy mặt dù rằng tác phẩm đã ngay lập tức giành giải Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh khi vừa mới hoàn thành.

Tâm sự về việc đứa con tinh thần chưa kịp ra mắt đã bị cất kho, đạo diễn Nhuệ Giang cho biết phim không thuộc dòng giải trí, không có ngôi sao nên dù có giải thưởng nhưng cũng khó đơn vị phát hành tư nhân nào chịu liều đứng ra phát hành.

Cùng số phận bị quên lãng này, nhiều phim được Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất đã âm thầm ra rạp rồi nhanh chóng bị các chủ rạp đẩy khỏi lịch chiếu vì không có khán giả, điển hình là “Cát nóng” (đạo diễn Lê Hoàng), “Tâm hồn mẹ” (Nhuệ Giang), “Đam mê” (Phi Tiến Sơn)… Đây đều là các bộ phim do Nhà nước đặt hàng, chỉ xuất hiện trong phạm vi hẹp của một vài liên hoan phim hay dự giải nọ kia mà chưa có bất cứ thông tin phát hành thương mại nào ngoài rạp.

Trông chờ thông tư về đấu thầu

Đã nhiều năm nay, Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch - Bộ Tài chính “Hướng dẫn việc giao kế hoạch, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim, mua bản quyền phim, tài trợ phổ biến phim bằng nguồn ngân sách nhà nước” vẫn đang được soạn thảo, lấy ý kiến các ban ngành... Nhiều người làm nghề trông đợi, thông tư này sẽ thay đổi đáng kể cục diện của “phim đặt hàng” hiện nay.

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín- Giám đốc Hãng phim Chánh Phương cho biết: “Phim nhà nước thất bại nhiều quá. Tiền dân mà làm phim thua lỗ hoài giống như nước đổ lá môn thì làm sao ai chịu nổi. Có thông tư thì phải thay đổi, chứ không thể làm xong rồi cất kho như trước được”.

"Phim nhà nước thất bại nhiều quá. Tiền dân mà làm phim thua lỗ hoài giống như nước đổ lá môn thì làm sao chịu nổi. Có thông tư thì phải thay đổi, chứ không thể làm xong rồi cất kho như trước được”.
Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín

Việc đấu thầu trước kia chỉ là lĩnh vực độc quyền của các hãng phim nhà nước, tuy nhiên, khi thông tư này được ban hành, sẽ có sự tham gia của các thành phần làm phim khác nhau, trong đó có cả hãng phim tư nhân. Đạo diễn Trần Lực - Giám đốc Hãng phim Đông A chia sẻ:

“Thực ra nếu thông tư này được thực hiện thì rất tốt, không chỉ cho hãng phim tư nhân chúng tôi, mà còn cho cả ngành điện ảnh. Đây là một bước thay đổi lớn, để tạo ra một cuộc chơi sòng phẳng để có được những bộ phim hay”.

Mặc dù đối tượng đấu thầu trong điện ảnh hướng đến các bộ phim do Nhà nước chỉ đạo, đầu tư sản xuất tập trung vào các mảng đề tài giàu tính nhân văn, phim phục vụ chính trị, phim về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số, phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao...

Song chắc chắn một khi nhận được số tiền đầu tư từ ngân sách, những người trúng thầu sẽ phải làm tốt và thậm chí tốt hơn những người khác nếu trong tương lai còn muốn tiếp tục sống được bằng nghề. Và như vậy thì mới có thể chắc rằng các tác phẩm điện ảnh ra đời do đấu thầu sẽ không còn cảnh làm xong chiếu một lần dự thi rồi đem cất vào kho.

Tuy nhiên, để chính sách này được ban hành một cách hợp lý, khoa học và hiệu quả, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và đương nhiên sẽ vấp phải không ít trở ngại mà trước hết nằm chính ở đối tượng được đem ra đấu thầu - bộ phim. Thêm nữa, việc đấu thầu cũng đòi hỏi người quyết định phải có năng lực, chuyên môn, quyết đoán thì mới tìm được đúng nhà thầu có năng lực, có kiến thức. Nếu không giải quyết được những vấn đề này thì quá trình đấu thầu, xét cho cùng cũng chỉ mang tính hình thức và sẽ lại là câu chuyện chia phần nội bộ giữa các hãng phim nhà nước với những phim vô thưởng, vô phạt mà thôi.

Hà Thu (Hà Thu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem