Kỳ bí những viên gạch cổ nhìn như mới ở đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật tại Nghệ An

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ năm, ngày 09/11/2023 05:42 AM (GMT+7)
Những viên gạch cổ được phát hiện trong quá trình đào móng trùng tu đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mặc dù trải qua hơn 600 năm nhưng những hoa văn trên các viên gạch cổ vẫn sắc nét, đẹp như mới.
Bình luận 0

Phát hiện nhiều hiện vật, cổ vật khi trùng tu đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật

Trạng nguyên Hồ Hưng Dật được cử sang làm Thái thú Diễn Châu (nay thuộc 3 huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ông là người có nhiều đóng góp cho vùng đất này. Vì thế, khi ông mất, được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ.

Kỳ bí những viên gạch đẹp như mới dù đã trải qua hàng trăm năm ở đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật - Ảnh 1.

Đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nơi phát hiện nhiều hiện vật trong quá trình trùng tu. Ảnh: H.H

Năm 1403, vua Hồ lúc bấy giờ là Hồ Hán Thương đã cho lập một ngôi đền để thờ nguyên tổ Hồ Hưng Dật và các bậc tiên liệt của ông. Về sau, khi vua Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và Bạch Y công chúa (con gái của Hồ Quý Ly) mất, nhân dân và con cháu dòng họ Hồ đã đưa các vị vào phối thờ tại đền. Hiện tại, đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật ở trên đồi Thượng Đột, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Kỳ bí những viên gạch đẹp như mới dù đã trải qua hàng trăm năm ở đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật - Ảnh 2.

Hoa văn trên những viên gạch lát nền được phát hiện còn rất sắc nét. Ảnh: H.H

Ngày xưa, ngôi đền có quy mô rất lớn, gồm nhiều công trình như: Bái đường, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, Tả vu, Hữu vu, gác chuông, gác trống. Trải qua biến thiên của lịch sử, thiên tai và chiến tranh, các công trình của đền lần lượt bị vùi lấp. Đến năm 2005, ngôi đền mới được phục dựng trên nền đất cũ.

Trong quá trình đào móng để phục dựng các công trình, đã phát hiện nhiều dấu tích còn lại của ngôi đền xưa như chân tảng bằng đá, gạch lát nền, ngói, đá bậc thềm, đầu rồng đá…

Kỳ bí những viên gạch đẹp như mới dù đã trải qua hàng trăm năm ở đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật - Ảnh 3.

Ngoài những viên gạch lát nền có hoa văn sắc nét, nhiều trụ đá cũng được phát hiện trong quá trình trùng tu ngôi đền. Ảnh: H.H

Tuy nhiên, các hiện vật của đền bị phát tán nhiều nơi, một số được đưa về Bảo tàng Nghệ An, một số đưa về phòng Truyền thống của huyện Quỳnh Lưu, một số được các gia đình trong vùng hoặc con cháu cất giữ. Ngay khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, một số hiện vật quý đã được các gia đình trả lại cho đền lưu giữ.

Gạch cổ lát nền vẫn như mới dù trải qua hơn 600 năm

Trong số các hiện vật, có những viên gạch lát nền màu sắc còn tươi sáng, hoa văn trang trí độc đáo, bắt mắt. Những viên gạch này được làm bằng đất nung, có kích thước 38cm x 38cm, dày 8cm, tổng cộng có 10 viên.

Kỳ bí những viên gạch đẹp như mới dù đã trải qua hàng trăm năm ở đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật - Ảnh 4.

Hoa văn trên một góc đao được phát hiện trong quá trình trùng tu đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: H.H

Trung tâm của viên gạch trang trí hình hoa cúc với vòng tròn nổi ở giữa, bao bọc bên ngoài tiếp tục là những vòng tròn nhưng tiết diện nổi nhỏ hơn. Tiếp đó là những cánh hoa cúc được cách điệu. 

Ngoài cùng là 2 lớp hoa văn sóng nước, được trang trí ở cả bốn mặt, tạo thành hình vuông bao bọc lấy hoa cúc.

Tiếp giáp với hoa văn sóng nước, ở 4 phía tạo nổi nửa hình tròn và nửa hình bông hoa cúc. Với tạo hình này, khi liên kết với các viên gạch khác sẽ tạo thành những bông hoa cúc mới ở 4 phía. 

Đồng thời, những nửa vòng tròn kia cũng kết hợp tạo thành một hình thoi cách điệu trên mỗi viên gạch.

Kỳ bí những viên gạch đẹp như mới dù đã trải qua hàng trăm năm ở đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật - Ảnh 5.

Những viên gạch này được làm bằng đất nung, có kích thước 38cm x 38cm, dày 8cm, tổng cộng có 10 viên. Các viên gạch đều có màu sắc như mới dù trải qua hàng trăm năm. Ảnh: H.H

Hoa văn ở các viên gạch này là đặc trưng của gạch thời Trần. Điều này cũng dễ lý giải, bởi đền được xây dựng vào năm 1403, khi đó, vương triều nhà Hồ mới dựng chưa lâu và dấu ấn về mọi mặt của triều Trần vẫn còn đậm nét, trong đó có nghệ thuật làm gốm.

Như vậy, có thể những viên gạch lát nền này đã trải qua hơn 600 năm tồn tại, có thời gian bị chôn vùi dưới lòng đất nhưng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cả màu sắc lẫn đường nét hoa văn. Điều này cho thấy khả năng làm gốm của các nghệ nhân xưa đã đạt đến trình độ bậc thầy.

Kỳ bí những viên gạch đẹp như mới dù đã trải qua hàng trăm năm ở đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật - Ảnh 6.

Hai viên gạch khi ghép lại với nhau tạo thành một hoa văn mới. Ảnh: H.H

Ngoài 10 viên gạch nói trên, tại đền còn lưu giữ 1 phần của góc đao. Trên góc đao này có trang trí hoa văn dây lá. Bên cạnh đó còn có 16 chân tảng bằng đá với nhiều kích thước khác nhau. Chân tảng to nhất cao 0,35m, cạnh 0,6m x 0,6m. Đây thực sự là những hiện vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Kỳ bí những viên gạch đẹp như mới dù đã trải qua hàng trăm năm ở đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật - Ảnh 7.

Một trong số các trụ đá được phát hiện khi tôn tạo đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: H.H

Ông Nguyễn Văn Chương – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật do dòng họ Hồ trùng tu, tôn tạo. 

Những hiện vật được phát hiện trong quá trình trùng tu đang được lưu giữ tại nhà truyền thống trong khuôn viên ngôi đền. 

Theo quy hoạch được được phê duyệt, khuôn viên đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật có diện tích khoảng 7ha. Hàng năm, con cháu dòng họ Hồ từ khắp mọi miền về dâng hương, tham quan khá đông.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem