Kinh hoàng suối độc nuốt đất màu ở Thái Nguyên

Thứ bảy, ngày 03/05/2014 12:43 PM (GMT+7)
Nhiều thập kỷ qua, suối Cốc ở phường Cam Giá, TP.Thái Nguyên bị ô nhiễm nặng nề bởi hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Bình luận 0
Khoảng 30ha diện tích gieo cấy, trồng hoa màu bị ảnh hưởng, hàng nghìn người dân lo lắng khi phải sống trong ô nhiễm trong khi các giải pháp khắc phục hoặc chưa hiệu quả, hoặc chưa triển khai.

Lúa, hoa màu giảm năng suất

Với tổng chiều dài 3,3km, gần như nằm trọn trong lòng phường Cam Giá (TP.Thái Nguyên) suối Gia Sàng (người dân thường gọi là suối Cốc) có ảnh hưởng lớn trong lưu vực khoảng 30ha, trong đó 1/3 là diện tích gieo cấy và trồng rau của người dân.

Suối Cốc có nhiệm vụ thoát nước trực tiếp cho Nhà máy Cốc Hóa và một phần nước mặt chảy tràn của Nhà máy Luyện thép, luyện gang thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Không những thế, suối Cốc còn là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt của khu công nghiệp Lưu Xá và đông đảo cư dân trên địa bàn.

Suối Cốc chảy từ Nhà máy Cốc Hóa qua 3 tổ dân phố thuộc phường Cam Giá.
Suối Cốc chảy từ Nhà máy Cốc Hóa qua 3 tổ dân phố thuộc phường Cam Giá.

Anh Vũ Hiền (tổ 18) dẫn chúng tôi ra vùng ô nhiễm ở suối Cốc, khi anh chọc cây sào vào lớp bùn đen đặc của suối Cốc thì mùi hôi dầu mỡ nồng nặc bốc lên rất khó chịu. Anh cho biết: “Vào những ngày nắng nóng thì chả cần chọc vào, mùi hôi cũng bốc lên khắp cả vùng quanh suối. Dọc theo suối Cốc còn có nhiều điểm bùn dày hơn thế rất nhiều, cây cỏ ở hai bên bờ suối tàn úa, héo hon. Nếu các anh lội xuống suối, da sẽ bị bong tróc từng mảng. Chúng tôi ở đây rất sợ, luôn cố tránh để không bị ngã, không phải lội xuống dòng suối nguy hiểm này”.

Khi được hỏi, nhiều người dân phường Cam Giá khẳng định, từ nhiều năm nay, năng suất lúa trong lưu vực suối Cốc chỉ đạt khoảng 70% so với vùng không bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi có mưa lớn, nước suối dâng cao tràn vào ao, ruộng thì cây trồng cà con vật nuôi sẽ bị… mất trắng. Điều khiến nhiều người dân nơi đây lo lắng hơn cả là vấn đề nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Ông Vũ Đình Ba - Tổ trưởng tổ dân phố 18 cho biết, hiện Công ty Kinh doanh nước sạch Thái Nguyên đã lắp đặt đường ống về đến địa bàn phường. Tuy nhiên, do thực tế địa bàn cùng với chi phí lắp đặt đường nước sạch về từng hộ đắt đỏ nên có rất nhiều hộ vẫn phải sử dụng nước giếng đào bị ô nhiễm. Hàng chục năm qua, người dân nơi đây vẫn có chung “cơn khát” nước sạch để trồng cấy, đặc biệt là “cơn khát” nước sạch để sinh hoạt hàng ngày.

Người dân hứng chịu

Những năm qua, kết quả quan trắc chất lượng nước suối Cốc qua nhiều đợt thanh kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường; quan trắc định kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm trong nước suối như dầu, mỡ, phenol và các chất rắn lơ lửng có giá trị vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Căn nguyên của sự ô nhiễm là do các hoạt động sản xuất công nghiệp tại một số cơ sở luyện kim trong Khu công nghiệp gang thép gây ra. Mặc dù nhiều cơ quan hữu quan đã có nhiều động thái nhằm khắc phục ô nhiễm suối Cốc song vẫn chỉ là “đá ném ao bèo”. Nhiều thập kỷ qua, hàng nghìn hộ dân sống hai bên dòng suối dù rất lo lắng nhưng vẫn phải hứng chịu hậu quả của tình trạng này, phải cam chịu sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.

Theo Kết quả quan trắc mới nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường Thái Nguyên thì dòng suối dài 3,3km này đang oằn mình chứa khoảng 30.000m3 bùn thải nguy hại ngấm amoni, phenol, cyanua, dầu mỡ, ô nhiễm kim loại chì và cadimi. Dọc dòng suối Cốc, có nhiều điểm bùn thải ô nhiễm ẩn chứa nhiều chất thải nguy hại màu đen lẫn mùi dầu cốc khó chịu dày từ 2-3,5m.

Tiếp tục tìm hiểu về vấn nạn ô nhiễm dòng suối Cốc, tại UBND phường Cam Giá, chúng tôi được ông Trần Văn Tuấn – Phó Chủ tịch phường cho biết: “Người dân ở đây kiến nghị đã rất nhiều. Sau những nỗ lực của các ngành chức năng và chính quyền địa phương thì gần đây, dự án cải tạo, nạo vét và xử lý ô nhiễm môi trường suối Cốc đã được xây dựng.

Khi dự án triển khai, suối Cốc sẽ được khơi thông dòng chảy toàn tuyến, lớp trầm tích chứa nhiều chất thải nguy hại sẽ được nạo vét đưa đi xử lý. Mục tiêu của dự án là nhằm xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường, đảm bảo điều kiện vệ sinh, điều kiện sống cũng như sức khỏe cho cộng đồng dân cư trong lưu vực suối Cốc, đồng thời cải thiện chất lượng nước cho dòng sông Cầu”.

Ông Trần Văn Tuấn còn cho biết thêm, trở ngại lớn nhất mà các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đang vấp phải là vấn đề kinh phí để thực hiện dự án. Trở ngại này càng sớm được chính quyền tỉnh và TP.Thái Nguyên giải quyết thì giấc mơ của hàng ngàn người dân về dòng suối Cốc an toàn mới sớm trở thành hiện thực. Cùng với đó, cần quan tâm thực hiện việc cung cấp nước sạch cho người dân thì những “cơn khát” của cư dân dọc hai bên bờ suối Cốc mới thực sự được giải tỏa.
Thắng Quang (Thắng Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem