Khuyến nông Quảng Trị giúp nhà nông ở "chảo lửa" làm ăn hiệu quả

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 26/08/2023 09:06 AM (GMT+7)
Qua 30 năm hoạt động, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị không ngừng được củng cố, phát triển và trưởng thành, thường xuyên gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. “Khuyến nông” đã thực sự trở thành thương hiệu quen thuộc, đồng hành cùng người dân vùng “đất nóng” trong phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Đầu tư mô hình khuyến nông ngày càng hiệu quả

Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho thấy, hệ thống tổ chức Khuyến nông Quảng Trị chính thức ra đời vào năm 1993. Năm 1995, các trạm khuyến nông huyện được thành lập. Toàn tỉnh hiện có 9 trạm khuyến nông huyện, thị xã và thành phố; 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm, 8 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng; 107 tổ khuyến nông cộng đồng.

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động khuyến nông tỉnh được tăng dần qua các thời kỳ. Theo đó, tổng kinh phí cho các hoạt động khuyến nông trong 30 năm qua là 181 tỷ đồng.

Giúp nhà nông ở “đất nóng” làm ăn hiệu quả - Ảnh 1.

Đại diện Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị kiểm tra đề tài chuối tiêu hồng tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: T.C

Nhân kỷ niệm 30 năm Khuyến nông Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 9 cá nhân; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tặng giấy khen cho 2 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến nông giai đoạn 2018 – 2023...

Ứng với mỗi giai đoạn, khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã thích ứng và đầu tư chuyên sâu cho các lĩnh vực nông nghiệp theo định hướng và chủ trương phát triển của tỉnh. 

Ví dụ, giai đoạn 1994 – 2003, Quảng Trị ưu tiên phát triển trồng trọt, giai đoạn 2004 - 2013 ưu tiên phát triển đồng đều cả chăn nuôi và thủy sản; từ năm 2014 đến nay ưu tiên phát triển lĩnh vực chăn nuôi. 

Tính chung, khuyến nông Quảng Trị đã tổ chức được 8.810 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi cho hơn 285.600 lượt nông dân. Tập huấn nâng cao năng lực cho khuyến nông viên cơ sở 265 lớp với 8.617 lượt người tham gia; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với 40 lớp cho 1.250 học viên là nông dân.

Từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã tổ chức một số diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp được bà con quan tâm, như "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây Keo lai tại vùng Bắc Trung Bộ"; "Giải pháp phục hồi sản xuất cây hồ tiêu sau bão, lụt"; "Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu"…

Giúp nhà nông ở “đất nóng” làm ăn hiệu quả - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cùng lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị kiểm tra dự án trồng rừng tham canh gỗ lớn giai đoạn 2018-2020. Ảnh: T.C

Hay như trong lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua khuyến nông Quảng Trị đã đầu tư 19 tỷ đồng triển khai các mô hình tập trung vào 3 đối tượng chủ lực là bò, lợn, gia cầm.

Các mô hình chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật (giống mới năng suất cao; nuôi bằng chuồng kín, tự động hóa các khâu thức ăn, nước uống, tiêu độc khử trùng…) ngày càng được áp dụng rộng rãi. Chương trình cải tạo đàn bò vàng địa phương đã được thực hiện thành công nhờ làm tốt công tác thụ tinh nhân tạo bò bằng tinh giống bò lai Zebu. 

Đàn bò của tỉnh hiện có trên 55.000 con, trong đó tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt 69%. Đã phối giống trên 143.500 con bò cái và tạo ra đàn nái nền lai Zebu để tiếp tục tham gia phối giống theo hướng chuyên thịt với tinh nhập ngoại BBB; hiệu quả kinh tế khi nuôi bò Zebu cao gấp 1,5 - 2 lần so với bò vàng Việt Nam, bò chuyên thịt gấp 1,5 lần so với Zebu.

Trong chăn nuôi lợn, việc nhập nuôi các giống lợn ngoại, các tổ hợp lai 2 máu, 3 máu và chuyển giao quy trình công nghệ nuôi mới gắn với các biện pháp an toàn sinh học đã giúp người chăn nuôi các địa phương cải thiện năng suất, chất lượng thịt, tỷ lệ đàn lợn nái ngoại và lai ngoại chiếm trên 80% tổng đàn… 

Những thành công trong các mô hình khuyến nông chăn nuôi không chỉ giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, mà còn góp phần tăng thu nhập, nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 25,9% (2017) lên 31,68% (năm 2020).

Đổi mới hoạt động theo tư duy kinh tế nông nghiệp

Theo ông Trần Cẩn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, hoạt động khuyến nông trên địa bàn hiện gặp không ít khó khăn, do kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này chưa đáp ứng so với nhu cầu phát triển sản xuất. 

Hoạt động khuyến nông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng nông dân ở những vùng khác nhau, mới tập trung vào xây dựng mô hình để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; chưa có nhiều mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất, xúc tiến thị trường…

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị mới đây, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: "Hoạt động khuyến nông đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt nhiều kết quả to lớn; đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân được nâng cao, góp sức vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới".

Để lĩnh vực khuyến nông hoạt động hiệu quả hơn, ông Đồng cho rằng cần đổi mới nội dung và phương pháp triển khai, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Các chương trình, dự án khuyến nông công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực cần được chú trọng triển khai. Củng cố, kiện toàn lại hệ thống tổ chức khuyến nông chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả và bền vững... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem