Không chỉ là chuyện cưỡng chế “hai hòn đá”

Thứ tư, ngày 04/04/2012 11:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dư luận lại nóng lên xung quanh một vụ cưỡng chế. Câu chuyện xảy ra ở Chư Sê, Gia Lai khi chính quyền cấp huyện bất ngờ huy động lực lượng hùng hậu tiến hành thu giữ 2 hòn đá của một người dân vì “nhiều người cho rằng đó là đá quý”.
Bình luận 0

Trong vụ “cưỡng chế đá” này, chính quyền cho rằng mình đúng và việc cưỡng chế là để thu hồi khoáng sản, tài sản quốc gia, rồi sau đó bán đấu giá. Nếu vụ cưỡng chế đá này không có sự phân xử rạch ròi, nếu quả thực chính quyền Chư Sê được cho là đúng khi thu hồi, rất có thể chính quyền 698 huyện còn lại trên toàn quốc cũng sẽ coi đó là một tiền lệ tốt để thu hồi bất cứ gì đào được dưới đất, và không chỉ là những hòn đá.

Người đáng lo, vì thế, không chỉ là những người sưu tầm đá, chơi đá, mà là người dân nói chung. Ai bảo khi chính quyền dám thu hồi đá- dù không cần qua kiểm nghiệm, xác định giá trị, không cần thông báo quyết định thu hồi, thì họ không dám thu hồi những thứ khác dù tồn tại ở thể rắn, lỏng, hoặc khí “hiện tại hoặc sau này có thể được khai thác”- theo định nghĩa của Luật Khoáng sản 1996.

Về giá trị của hòn đá, một ý kiến cho rằng với một viên đá chỉ có màu sắc tưởng là đẹp thì thậm chí không có giá trị dù chỉ để nung vôi. Nhưng khi “nhà quan” ngứa mắt thì họ cho là có giá hàng tỷ đồng, theo tin đồn - như thừa nhận của ông phó chủ tịch huyện. Thậm chí, khi khổ chủ “can tội” không ký biên bản khi thấy hành động thu hồi là quá bất công, oan ức, thì không phải một, mà cả hai “hòn” đều bị chính quyền cưỡng chế.

Người dân, đặc biệt là những người “bày đá” đang dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện này. Vụ cưỡng chế đá cũng đã gây bức xúc trong dư luận. Bởi hành động thu hồi của chính quyền khiến người bị thu hồi không thể nuốt trôi. Không phải không có lý khi một ý kiến trên một tờ báo gọi đây là hành động “cướp đá”. Với những nhà chức trách có thẩm quyền. Với lực lượng công an hùng hậu, và giữa ban ngày ban mặt.

Câu chuyện ở Chư Sê hoàn toàn không đơn giản chỉ là câu chuyện “hai hòn đá”, bởi nó chứa trong đó thái độ và cách thức ứng xử của chính quyền đối với dân. Một thái độ cậy quyền, quan liêu. Một cách thức ứng xử lạm quyền và ưa vũ lực, bất chấp trình tự hành chính tối thiểu của một cuộc cưỡng chế là một tờ quyết định.

Đào Tuấn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem