Khống chế tăng giá vé xe

Thứ sáu, ngày 11/01/2013 19:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyện ồn ào về vé tàu vừa xong thì chuyện vé xe khách đã bắt đầu nóng. Các cơ quan quản lý ở TP.HCM đưa giải pháp khống chế mức phụ thu giá vé xe dịp tết không vượt quá 60% giá cước ngày để ngăn chặn tăng giá vé bất hợp lý.
Bình luận 0

Biện pháp quản lý này có quản được tình trạng loạn giá vé xe tết hay không sẽ hạ hồi phân giải, nhưng xin được phân tích từ tình hình thực tế để có thể nhận định rằng, chỉ với biện pháp khống chế trần tăng mức phụ thu không thể khống chế tình trạng tăng giá vé bừa bãi.

Bởi vì, do biết được cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào giá ngày thường, từ đó tăng 60% giá vé ngày tết, nên các doanh nghiệp vận tải đã tăng giá vé ngày thường lên cao trong thời gian qua. Cách “đi nước tiên” này đã dành lợi thế, nên dù tăng 60% thì thực tế là tăng 70 – 80%, đúng theo tính toán của doanh nghiệp. Nhắm vào tâm lý của hành khách, đến lúc cận tết, dù giá nào họ cũng phải đi vì không còn lựa chọn nào khác, các doanh nghiệp đã lên “kế hoạch chặt chém” rất có bài bản.

Đó là chuyện tăng giá vé ở bến xe, còn ngoài bến xe thì sao? Trên tuyến đường bộ Bắc - Nam xuất hiện vô số loại xe khách đi hốt bạc dịp tết. Xe không cần bến bãi, xuất vé, xuất bến. Họ bắt khách bất cứ ở đâu. Nhà xe chất khách như chất củi, không có giá vé mà là thỏa thuận giữa chủ xe và hành khách. Giá cao gấp 3 - 4 lần ngày thường là chuyện bình thường.

Không ít trường hợp từng xảy ra, đã thỏa thuận giá nhưng lên xe lại đòi thêm tiền, khách không trả thì bị hành hung. Nhà xe còn phối hợp với các quán cơm dọc đường, cho khách vào ăn để lấy hoa hồng. Khách bị “chặt chém” một dĩa cơm bằng 3 ngày lương công nhân. Có ai quản được loại “trấn lột” này không?

Những người khá giả về quê ăn tết đã mua vé máy bay. Người thu nhập trung bình thì chọn tàu làm phương tiện. Đa số người dân thu nhập dưới trung bình chỉ còn cách chọn xe. Họ là công nhân trong các nhà máy, là người từ các vùng nông thôn miền Trung, miền Bắc vào buôn thúng bán bưng ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Nhưng người nghèo khổ này chính là nạn nhân của nạn “chặt chém”, đầu gấu trên xe khách.

Tình trạng lương thưởng tết ở các doanh nghiệp năm nay rất u ám, cho nên công nhân lao động càng khổ sở, bòn mót chưa chắc đã đủ tiền vé, tiền ăn dọc đường. Nếu tình trạng “xe bão táp” tái diễn, nỗi khổ của họ còn chồng chất thêm.

Khống chế mức tăng giá vé xe tết là việc phải làm, nhưng việc cần làm quyết liệt là triển khai các lực lượng ngăn chặn, xử lý đội quân xe dù đi “trấn lột” hành khách. Không thể để những kẻ bất lương làm tiền trên nỗi khổ của hàng vạn người dân lương thiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem