Khó cản được bệnh nhân vượt tuyến

Thứ tư, ngày 29/05/2013 09:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để giảm tải bệnh viện, hạn chế bệnh nhân vượt tuyến, Bộ Y tế đã đề xuất hạ mức chi trả viện phí cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế nhưng khám chữa bệnh vượt tuyến.
Bình luận 0

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn chấp nhận mất tiền để được tìm đúng bệnh, chữa khỏi bệnh.

Cực chẳng đã...

18 giờ ngày 27.5, ngoài trời đã râm mát, nhưng phòng bệnh Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vẫn ngột ngạt. 3-4 người một giường bệnh. Rất nhiều các ca bệnh đã vượt tuyến lên thẳng đây sau một thời gian chữa trị bệnh ở địa phương không khỏi. Bệnh nhân Vũ Thị Thu (42 tuổi, trú tại Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, hơn 1 năm trước chị bị sốt, sút cân, đau nhức xương, đi khám ở bệnh viện đa khoa khu vực và được chẩn đoán bị suy kiệt sức khỏe, dịch ngoài màng tim. Chị điều trị 15 ngày, bệnh hầu như không giảm.

img
Dự kiến điều chỉnh mức chi trả viện phí cho bệnh nhân có BHYT nhưng khám chữa bệnh nội trú trái tuyến (nguồn: Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế).

Chỉ ra viện ít lâu, bệnh tái phát, chị lại nhập viện nhưng bệnh cũng không đỡ. Gia đình sốt ruột nên đưa chị lên Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ trên này đã tìm ra căn nguyên là xơ cứng bì và điều trị giúp chị đỡ bệnh. Chị Thu cho biết, chị thuộc hộ nghèo nhưng do khám vượt tuyến nên chị không được miễn giảm 95% viện phí như quy định mà phải đóng 70%.

Nghe tin Bộ Y tế sắp hạ chi trả BHYT của bệnh nhân vượt tuyến xuống còn 20%, chị Thu lo lắng: “Chúng tôi đâu có muốn vượt tuyến, nhưng điều trị đúng tuyến bệnh không đỡ, nhưng xin đi, tuyến dưới không cho đi. Nên chúng tôi phải vượt tuyến. Nếu “phạt” thì chúng tôi vẫn cứ phải đi”.

Bệnh viện Phụ sản T.Ư cũng có lượng bệnh nhân trái tuyến cao. Nhiều ca chỉ đẻ thường nhưng các gia đình và sản phụ đều chấp nhận tốn tiền với lý do “lên T.Ư cho chắc”. Chị Nguyễn Hồng Mai (25 tuổi) từ TP.Quảng Ngãi ra nhà họ hàng ở để đợi đến ngày sinh tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Chị cho biết, bác sĩ bảo chị chỉ đẻ thường, về quê mà đẻ cho đỡ đông đúc, nhưng chị vẫn muốn sinh ở đây vì “tôi sợ những ca tai biến sản khoa liên tục ở Quảng Ngãi...”.

Tuyến dưới chưa đáp ứng

Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh (Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng), phần lớn các ca “vượt tuyến” của bệnh nhân tại khoa là “hợp lý” như các bệnh lupus ban đỏ, xơ cứng bì, hen phế quản nặng. Tuy đây là các bệnh tuyến dưới có thể chẩn đoán được, nhưng để đánh giá các tổn thương do bệnh gây nên thì cần các phương tiện xét nghiệm hiện đại, nhân lực đủ trình độ...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có đến 60% bệnh nhân vượt tuyến có thể điều trị ở tuyến dưới và đây là nguyên nhân gây quá tải bệnh viện. Theo số liệu của Bộ Y tế, nếu năm 2010 có khoảng trên 3 triệu người, 2011 có 9,1 triệu thì đến năm 2012 đã có gần 11 triệu bệnh nhân vượt tuyến.

Do đó, để hạn chế bệnh nhân vượt tuyến, dự thảo sửa đổi Luật BHYT đã “đánh” vào túi tiền người dân bằng cách giảm 10% mức hỗ trợ chi trả cho bệnh nhân có thẻ BHYT vượt tuyến. Mục tiêu là để bệnh nhân sợ tốn tiền mà khám chữa bệnh đúng tuyến.

Tuy nhiên, một thực tế là hầu hết các bệnh nhân đều biết đã vượt tuyến là tốn tiền, là chật chội, ăn chực nằm chờ nhưng họ vẫn quyết lên bệnh viện T.Ư. Mục tiêu của họ là điều trị đúng bệnh và khỏi nhanh, chứ không phải tiết kiệm tiền. Như vậy, giữa mục tiêu của Bộ Y tế và bệnh nhân đã hoàn toàn mâu thuẫn.

Ngoài ra, tuyến dưới hiện nay cũng không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của người dân. Theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) hiện cả nước có gần 11.000 trạm y tế xã với hơn 47.000 giường bệnh, có hơn 7.400 bác sĩ, 26.200 y sĩ. 80% số trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT Tuy nhiên rất nhiều trạm y tế thiếu các thiết bị thiết yếu theo quy định chuẩn của Bộ Y tế... Ngoài ra, có đến 50% cán bộ y tế không chẩn đoán được thế nào tăng huyếp áp, 90% cán bộ y tế xã không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở...

Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam):

“Theo tôi, để hạn chế bệnh nhân vượt tuyến thì nên hạ mức hỗ trợ chi trả BHYT xuống chứ không nên xóa bỏ hoàn toàn, vì đó là quyền lợi của họ. Việc nâng cao tỷ lệ chi trả của bệnh nhân vượt tuyến là để tạo điều kiện cho người dân có thu nhập cao được khám bệnh theo mong muốn. Tuy nhiên, ngoài biện pháp “ép” bệnh nhân phải đúng tuyến thì cần có giải pháp để giữ chân bệnh nhân như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, cải cách thủ tục hành chính...

TS Trần Tuấn - Giám đốc TT Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng:

Nguyên nhân của việc bệnh nhân vượt tuyến chính là chất lượng dịch vụ chứ không phải vì lý do tiền bạc. Họ chấp nhận đi lại vất vả, viện phí cao, nhưng bù lại họ được khám đúng bệnh, hiệu quả điều trị cao. Do đó, biện pháp “đánh” vào kinh tế để “ép” người dân khám đúng tuyến chưa “đánh trúng” nhu cầu của người dân, chưa giải quyết được đúng căn nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem