Khám phá Mông Cổ: Ở lều Ger giữa mùi hương tan chảy của cỏ hoa (Bài 2) - Ảnh 1.

Rời bảo tàng cổ với nhiều báu vật độc đáo, tôi ám ảnh nhất là gương mặt người ngơ ngác, giống người tối cổ, lại giống người ngoài hành tinh được tạc bằng đá một cách thô ráp nhất. Thô đến mức, tôi nghĩ nó là một phiến đá tự nhiên, bị gió và nước mưa vô tình gọt nên hình hài. Không, giám định các-bon cho thấy, nó có tuổi nhiều nghìn năm và là một bức tượng cổ. Vâng, người hiện đại đã tiến đến Mông Cổ rồi cư trú liên tục từ hơn 40.000 năm trước! Thú vị nữa là các thành vách Hang Khoit Tsenkher - thuộc tỉnh Khovd được vẽ hình muông thú từ cổ xưa, con voi ma mút, con linh miêu, con lạc đà hai bướu, con đà điểu; cả đàn những con gì sừng cong vút như một nốt nhạc vui. Các nhà khoa học đã chứng minh rõ: tổ tiên của người Mông Cổ đã vẽ vào vách hang bằng đất màu son hồng, nâu và đỏ, từ 20.000 năm trước. Thời gian như ngưng đọng, các linh vật cổ xưa như vẫn "vỗ cánh" cùng cổ sử của nhiều sắc dân du mục.

Tất cả chúng tôi ào ra thảo nguyên, mây trời chất ngất, không gian vòi vọi và thênh thang. Dù trời âm bốn mươi độ, dù mùa hè hiu hiu gió như thu Hà Nội chớm nao lòng heo may, người Mông Cổ luôn được trời phú cho ánh sáng mênh mang. Trời luôn trong và rộng. Ngoài miền Tây Bắc có các dãy núi, cả triệu ki lô mét vuông của quê hương Đại Hãn chỗ nào cũng là thảo nguyên. Không có núi lớn án ngữ tầm mắt. Nên tầm nhìn của người bản xứ và khách du như chúng tôi luôn vời vợi. Giả dụ có vài tòa cao ốc án ngữ, có núi cao tạo nên đường chân trời khiến người ngắm mây phải ngửng cổ rơi mũ đang đội trên đầu. Giả dụ hệ sinh thái thảo nguyên thật lắm cây to rậm rì như rừng nhiệt đới ẩm xứ ta… - thì chắc sẽ không có cái phóng khoáng lừng danh của vó ngựa du mục. 

Theo triết học duy vật: không có thế giới quan rộng mở đó, thì làm gì có nhân sinh quan thích nay đây mai đó, đi theo giai điệu thần bí của các thung lũng cỏ xanh và sự dịch chuyển của tiết trời ấm áp, phục vụ sự gào réo của những dạ dày đàn đại gia súc. Lúc đầu là một cuộc mưu sinh khắc nghiệt, sau này thành các mạch ngầm văn hóa trải suốt nghìn đời.

Khám phá Mông Cổ: Ở lều Ger giữa mùi hương tan chảy của cỏ hoa (Bài 2) - Ảnh 2.

Ngành du lịch Mông Cổ có nhiều lợi thế, nhờ sự hoang sơ của thiên nhiên và cái nồng ấm của con người xứ thảo nguyên. Nhưng, trời đã "ban" cho họ một bất lợi kinh điển: mỗi năm, mùa hè để du khách vui vầy chỉ chưa đầy 100 ngày. Số còn lại, ít lữ khách dám bỏ "núi" tiền mua tour để rồi du hí trong gió rít và tuyết rơi trắng trời, tuyết lấp kín cả ô tô, xe máy chỉ sau vài giờ chủ nhân lơ đễnh. Hơn thế, thời tiết Mông Cổ khắc nghiệt ngay cả trong ngày hè tưởng như lý tưởng nhất. Chúng tôi đến cửa tu viện với những nam thanh nữ tú mặc trang phục truyền thống thảo nguyên du mục của người Mông Cổ xưa, thì trời bỗng đì đoàng sấm. Chớp rạch ngang dọc bầu trời. Mưa quất tới, hạt to và lạnh buốt, nhanh tới mức, bạn chưa kịp mở áo khoác che đầu, đã ướt sũng. Những cái ô bị gió lật ngược, khung sắt oằn gãy đồng loạt.

Cái lạnh như kim châm 10 đầu ngón tay. Gió ưỡn ẹo tràn lướt như sóng lượn dọc các đồng cỏ mịn. Cờ phướn trên tu viện vẫy như muôn ngàn con mắt hấp háy. Đàn bồ câu không thể nào cất cánh, chúng ne nép vào các gờ đất, vào các hình linh vật nửa tự nhiên nửa đồ thờ tự ven các bức tượng lớn theo phong cách Phật giáo Tạng truyền. 

Quả là, xứ mênh mông này, để khám phá được, trước hết bạn cần có sức khỏe. Những bữa tiệc Boodog: cả con dê mổ moi, khâu kín, thả đá nóng lục cục hai chục viên to tày vốc tay vào trong bụng chúng, rồi trong tỏa nhiệt ra, ngoài hơ lửa vào. Món Budog, ai cũng bảo, chỉ Mông Cổ mới có, vì nó là nhánh rẽ độc đáo của văn hóa ẩm thực xứ du mục! Ngon và lạ thì trứ danh rồi, song, với những người mắc chứng bệnh không lây của giới thừa protein thì quả là… khó nhằn. Có thể hơi trào lộng mà rất thật, một thách thức với giới du lịch nghỉ dưỡng đấy. Bạn tôi chỉ ăn vài củ khoai tây hầm cả vỏ tròn vo, cố xin thêm quả dưa chuột muối, còn lại đùi cừu, cả cỗ xương dê lộc ngộc hay các tảng thịt bò to như nửa cái bánh trưng vuông mỗi bữa đều được anh lắc đầu… "tớ bị gout cậu ạ", chị bàn bên "tớ tiểu đường", "gan nhiễm mỡ độc". Cũng may, sợ thì sợ vậy thôi, gia súc của Mông Cổ chúng đều được nuôi gần như hoàn toàn hoang dã, người ta chỉ lùa chúng đi ăn cho đúng giờ và biết đường về lại nhà mà thôi. Vì thế, thực phẩm nơi này tinh khiết hảo hạng lắm. Khỏi lo thức ăn có hóa chất độc hại, khỏi lo tiêm chọc hay chuỗi bảo quản thực phẩm với phụ gia hay sự lừa lọc đáng sợ… như ở ta.

Khám phá Mông Cổ: Ở lều Ger giữa mùi hương tan chảy của cỏ hoa (Bài 2) - Ảnh 3.

Giữa bối cảnh đó, tôi bước khỏi ô tô, thấy mình như đàn đại bàng săn cáo, săn thỏ của các kỵ binh mông cổ, khi sải bước về phía những chiếc lều Ger. Chữ "Ger" này người ta hay viết hoa, bởi UNESCO đã công nhận "kiến trúc truyền thống" dạng lều của Mông Cổ là Di sản Văn hóa Thế giới. Tôi rời Việt Nam, bạn bè chưa từng đi Mông Cổ, cũng chép miệng tiễn chân: ở lều Ger, thích nhé. Trong hiểu biết của nhiều người, văn hóa Mông Cổ là du mục, cưỡi ngựa và ngủ lều giữa bát ngát đồng cỏ xanh (ít người nghĩ đến cái "view" phổ biến trắng toát tuyết trong mùa đông kéo dài tưởng như bất tận xứ này).

Trước, lều Ger (hay còn gọi là Yurt) thường được dựng áp vào vách đá hoặc các tán cây với mái dốc để tránh thú dữ, mưa tuyết. Bây giờ, lều hiện đại (nhất là phục vụ du lịch quốc tế) bao giờ cũng đặt ở thảo nguyên bát ngát, với vài ngọn núi thấp khiến cỏ cây cúi rạp và lượn nhẹ êm như các gợn sóng (chứ không có núi cao án ngữ tầm nhìn) về tận chân trời. Một đồng nghiệp phương Tây của tôi xúc động bảo: phòng khách của lều là cả một thung lũng cỏ hoa hút tầm mắt, chúng bao giờ cũng kéo dài tới… vô cực. "Đại sảnh" vô cùng quyến rũ này đã tạo nên sức hút khó cưỡng của văn hóa du mục. 

Khám phá Mông Cổ: Ở lều Ger giữa mùi hương tan chảy của cỏ hoa (Bài 2) - Ảnh 4.

Sử chép, ông Thành Cát Tư Hãn đi chiến trận cho đến lúc mất vì bạo bệnh năm 1227 (sau 1 năm so với cái mốc thời gian rất liên quan: ở Việt Nam, Nhà Trần hình thành với sự lên ngôi của ông Trần Cảnh vào năm 1226, sau khi được vợ là Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi. Sau này nhà Trần 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông - từ 1258 đến 1288 - do Hốt Tất Liệt - cháu nội Thành Cát Tư Hãn - chỉ huy/cắt cử binh mã sang xâm lược nước ta). Trước đó, ông chủ của Đế chế lớn nhất trong lịch sử loài người có dựng các lều Ger lớn trên các cỗ xe khổng lồ do bò kéo, để làm Tổng hành dinh chỉ huy binh mã. Đêm ngày có dõng tướng và đội khuyển binh (chó ngao hung dữ) bảo vệ. Chinh phạt đến đâu, xe chở lều "đùng đùng gió giục mây vần" tới đó.

Tôi hồi hộp bước vào lều, anh Lược - vị Tiến sỹ y khoa của Bệnh viện Bạch Mai (đã nghỉ hưu) đọc vanh vách các kiến thức về Mông Cổ, nhờ "Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra Google". Cả khu vực có tên "Silk Road" (khu nghỉ dọc Con đường Tơ lụa) có đúng 10 cái lều Ger khép kín, còn lại, cứ là "nửa đêm gà gáy canh ba, thân em con gái đàn bà nữ nhi" (hoặc nam giới), nếu có nhu cầu gì là… ra khu công cộng. Tôi nghĩ đến WC, nhà tắm ở ngoài rìa đồng cỏ, thấy gió rít u u, lại mưa như quả táo trắng ném vào mặt, bất giác ái ngại quá. May sao, dù không thể đặt phòng (lều) trước, dù đang lễ hội lớn nhất trong năm của nước bạn - "cao điểm của cao điểm" du lịch; nhưng khi chúng tôi rét run lập cập ập vào thì lễ tân báo là có một cặp đôi vừa trả phòng ra ngoài tự hạ trại mà lí lơi tình tự. Thế là có chỗ ấm áp để phục sức sau một hành trình thăm thẳm.

Khám phá Mông Cổ: Ở lều Ger giữa mùi hương tan chảy của cỏ hoa (Bài 2) - Ảnh 5.

Tôi như trút gánh nặng lo toan. Cầm chìa khóa vào lều số 32, khu Silk Road. Đến đây, giữa lạnh tê tái, mở mạng ra, thấy Hà Nội vẫn 37 độ nồng nã, chợt thấy cái tên Con đường Tơ lụa, Con đường Lạc đà nghìn năm tuổi đằng đẵng nối châu Á với châu Âu (nơi chúng tôi đang lưu trú) nó khêu máu lãng tử giang hồ hơn tất tần tật mọi thứ. Lều tròn, giờ không dùng da thú vật phủ quanh lều nữa, mà một thứ bạt nỉ gì đó khá đặc biệt. Ở vài nơi, cũng trong lộ trình, chúng tôi sống trong lều cổ truyền, da thú (là da vật nuôi đã thuộc kĩ, không còn mùi hôi thối) phủ kín, trên tường treo nhiều loài động vật hoang dã "nguyên con" được "làm tiêu bản" y như khi chúng còn sống. Nhìn cũng rờn rợn, cũng thấy ác với động vật hoang dã quá. Thảm đặt chân lên cũng là một bộ da đầy đủ của một con cừu hoặc dê hoặc ngựa. Lịch sử, có sách chép, lều Ger (còn nhiều tên gọi khác) vốn có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), du nhập vào Mông Cổ và nhiều nước châu Á theo các thương nhân con đường tơ lụa và qua các cuộc viễn chính của "vó ngựa Nguyên Mông", dần dà họ cải tiến và dùng đắc dụng tại xứ này. Nó đã trở thành biểu tượng mang tính quốc tế của Mông Cổ, chứ không của quốc gia nào khác nữa.

Thời thượng cổ, theo các khai quật khảo cổ học đã công bố, nhà ở của người dân vùng thảo nguyên sau này gọi là Mông Cổ vốn xây bằng gạch, với nền văn minh kiến trúc và vật liệu xây dựng cũng khá ấn tượng. Mãi sau này, lều Ger "chết danh" với niềm kiêu hãnh của người Mông Cổ và UNESCO đã chính thức vinh danh chúng. Nó hợp với người du mục, vì dựng đơn giản, có cái cọc ở giữa, ốp các khung gỗ theo hình tròn, "dán" da thú hay vải, nỉ lên là xong. Cần nới rộng cũng quá dễ. Muốn kín mít vào mùa băng giá, hay thênh thang gió lùa đủ 360 độ vào mùa hè, đều… trong một nốt nhạc. Mà trong các hình có thể của một nơi cư ngụ, cùng một diện tích, hình tròn là "rộng rãi" nhất để bố trí cho cuộc sống khả dĩ ở bên trong. Lúc tháo cũng dễ, vận chuyển rất gọn và cực nhẹ. Qua mỗi thế hệ, lều lại được cải tiến, rồi đến lúc nó thành tinh túy hoàn hảo như bây giờ.

Trong lều, người Mông Cổ rất chú ý trang trí mái vòm nóc lều, với những thanh gỗ nối với nhau thành hình tròn và lớp lang cầu kỳ. Trụ chính giữa lều tròn dựng vuông góc với mặt đất, các cấu kiện bâu quanh thành hình tròn, cần thì có thể mở rộng mãi. Một số tu viện cổ ở Mông Cổ, vốn cũng xây hình tròn, khi có nhiều tín đồ, họ nới hình tròn ra, như kiểu mâm cỗ, thêm người thì nới rộng chu vi hình tròn là thỏa sức "tứ hải giai huynh đệ". Thời mới, trụ giữa lều thường là cột to, rỗng, có chân đế bằng hợp kim gang. Để họ làm lò sưởi luôn, với cửa mở ra cho củi, cho phân bò yak (loài vật nổi tiếng gắn bó với xứ Tây Tạng, với lông dài đến nửa mét để chống lại băng tuyết lạnh giá) vào đốt. Cửa lò sưởi có chốt, khóa, ống khói theo cột chính giữa lều, tỏa mơ màng ra ngoài thảo nguyên, tạo nên một vẻ thanh bình du mục khoáng đạt đến nao lòng. Bạn cùng lều với tôi bảo, ông nhỉ, nếu áp dụng câu thơ "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Một tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà" từ Việt Nam sang xứ này, thì có lẽ, các chiến binh của Hãn quốc sẽ tan chảy khi nhớ về làn khói "cơm chiều" đủng đỉnh xoắn quyện tỏa ra từ nóc căn lều Ger tròn trắng giữa thảo nguyên kiểu thế này.

Tôi và vị Tiến sỹ Y khoa để ý, thấy trên nóc lều, có khu vực trang trí cầu kỳ. Nó gồm 4 khoanh như miếng phô mai tròn đã cắt làm bốn phần bằng nhau hình tam giác. Trong lều lại có cái sào, đầu có móc sắt, đầu có lẫy gỗ để ẩy kéo gì đó. Thử nghiệm chán chê, hỏi lễ tân, thì hóa ra: có thể ẩy các tấm che trên chỏm nóc lều khi bạn đang trú ngụ từ phía trong. Mở ra lấy gió trời, mở ra ngắm mây, đóng vào kẻo lạnh, tùy ý. Các cửa lớn bé cứ mở phanh thả sức, chỉ sợ cảm gió thôi. Có thể đóng cửa kính, view vẫn bát ngát xanh tươi. Lúc muốn kín đáo riêng tư, kéo rèm lại là xong, (trong lều thời mới, WC và nhà tắm thì vẫn như thông thường).

Cái đặc biệt, ở lều Ger truyền thống, nhất là khu tôi ở, gia chủ bảo, thung lũng có lều cổ từ thế kỷ 13. Ấy là thời kỳ đoàn quân của Hốt Tất Liệt (cháu nội Thành Cát Tư Hãn) kéo sang xâm lược Đại Việt ta, làm bàn đạp tấn công vùng lãnh thổ mà ngày nay ta gọi là Trung Quốc. Tôi bảo người cùng phòng, có vị nào dựng lều ở đây, xong lên ngựa xâm lược Đại Việt, ba lần bị oánh tan trên sông Bạch Đằng bởi binh tướng Trần triều của chúng ta rồi bị bắt làm tù binh không nhỉ? Khối vị đã bỏ mạng trên "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" (sông Bạch Đằng xưa nay - từ thế kỷ 10, khi Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, đến thế kỷ 13, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông thì máu quân xâm lăng đổ xuống mà nước luôn có màu hồng/đỏ)? Bất giác, thấy mơ màng cái cảm xúc lịch sử khó tả, với cái hữu hạn của kiếp người trước "tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả"… Tiến sỹ Lược đọc sử liệu rồi gật gù: "Lều xưa làm bằng gỗ và da thú hoang, thời gian không dài là phân hủy hết, gió tuyết 40 độ dưới âm, mưa gió não nùng, sắt thép còn hỏng nữa là. Cái còn lại là nền đất và các huyền thoại thôi. Lều bây giờ là khách sạn 5 sao mang hình tròn của cây nấm trắng, có khi nằm trong khu resort mà nhân viên nào cũng cung kính với thượng đế đến từ năm châu bốn biển".

Khám phá Mông Cổ: Ở lều Ger giữa mùi hương tan chảy của cỏ hoa (Bài 2) - Ảnh 6.

Khám phá Mông Cổ: Ở lều Ger giữa mùi hương tan chảy của cỏ hoa (Bài 2) - Ảnh 3.

Nhớ hôm ấy, chúng tôi được mời đi thăm Vườn Quốc gia danh tiếng của Mông Cổ - Hustai National Park, nơi có giống ngựa hoang Mông Cổ (chúng mang tên một nhà thám hiểm người Nga Nikolai Mikhailovich Przewalski, vì ông đã phát hiện ra chúng vào khoảng năm 1880 ở vùng Sa mạc Gobi rộng 1,3 triệu Km2) gợi nhiều tò mò cho các tín đồ du lịch và bảo tồn thiên nhiên khắp thế giới. Hóa ra không chỉ là thảo nguyên, Mông Cổ còn có núi, có những rặng thông và cây lá kim gì đó như sa mu/sa mộc ở ta. Rừng với nhiều lớp nhiều tán ở xứ nhiệt đới ẩm Đông Nam Á nó đẹp kì bí và đôi lúc rợn ngợp. Còn ở Mông Cổ, thảo nguyên bát ngát, mây trắng đùn thành đụn thành núi nối giữa "biển" cỏ xanh mượt và trời xanh trong vắt.

Cỏ rả len lén lan từ thung lũng vào chân các cánh rừng cây lá kim sạch sẽ. Nơi này, tôi đi qua khu Cổng trời bát ngát, với những hòn đá nhăn nhúm nứt toác hình các con thú yêu thích của giới trẻ toàn cầu trong phim hoạt hình. Lại nữa, vượt qua một đỉnh dốc lan man hoa cỏ, ánh nhìn của bạn bị hút mãi theo những lối mòn gợi cảm, để rồi thun thún chạy vào các khe núi xám nhẵn nhụi. Nói ngược, nói như giới trẻ mải games bây giờ, thì cảnh đẹp hoàn hảo như tranh vẽ, đẹp như thế giới ảo mộng của các trò games được phù phép bằng công nghệ máy tính tuyệt hảo. Trong bình minh, lúc hoàng hôn đỏ thắm, lúc lên đỉnh núi cao vòi nhìn xuống, tiền cảnh là bát ngát rừng lá kim, những dãy lều du mục mang một vẻ đẹp nao lòng. Nó khêu máu lãng du, nó khiến người ta hiểu rằng, với thiên nhiên cùng các tộc người kỳ thú như nơi này, thì chẳng cần một tiếng gọi mơ hồ nào cả. Ký ức trước mời gọi chuyến đi kế tiếp, khiến khách thương hồ trở thành kẻ nghiện xê dịch lúc nào chẳng hay…

Đương lúc ấy, các lối mòn cổ tích xẻ mơ màng dọc các triền núi thắm đã làm tôi thấm mệt. Lũ quạ ria cứng ngúc ngoắc cái đầu, trông rõ một gã đàn ông láu cá nhạ nhươi. Đôi chim sáo chân đỏ, mỏ đỏ mà dài vút cong vênh như cặp mỏ mò cá của lũ chim nước đang rình cá. Cặp đôi rù rì, ngẩn ngơ dấm dúi tiến vào nhau từng tí từng tí một. Đôi chân xinh như tiên cảnh, cái cách gù tán nhau của chúng có gì đó mộc mạc… như quê nhà rơm rạ vậy. Tôi không biết con nào là trống con nào là mái. Chỉ thấy cả hai rất ý nhị, ném đá dò đường. Cứ lơ đễnh âu yếm rồi thậm thụt tiến gần về phía nhau. Không ai phòng thủ, cả hai đều tiến. Cuối cùng, qua ống kính tê lê từ xa, tôi gặp một khung trời ảo mộng. Mười giờ sáng, trăng vẫn vành vạnh. Đôi chim sáo yêu nhau với nền trời là ánh trăng thảo nguyên ban ngày. 

Cỏ ướt đẫm sương, vài cây lá sắc lẻm, có cây thì tím rắt với các bông hoa tròn như quả bóng xanh tơ mĩ miều phủ đầy lông lá. Kỳ hoa dị thảo giăng hàng, có loài nấm tròn như quả trứng trắng lốp các lối đi. Nghe nói, đây là loài nấm hoang lành nhất, cả người Việt Nam lẫn nhiều quốc gia rất hay ăn, với vị thơm và thanh mát. Tất nhiên là nên thận trọng kẻo ăn dính nấm độc. Nấm càng nhiều màu thì càng độc, màu trắng là lành nhất. 

Hoa tím, hoa vàng, hoa trắng, hoa đỏ. Cả một chân trời vô tận cỏ hoa, chúng như lớp lông của con thú khổng lồ phủ phục qua nhiều dãy núi, nhiều thung sâu. Tôi nhẩm tính, theo thống kê, thảo nguyên chiếm 60% diện tích của đất nước Mông Cổ, thì có đến 900.000 km2 hoa cỏ đang tốt tươi rực màu ở miền đất của các chiến binh du mục ngay lúc này! 

Khám phá Mông Cổ: Ở lều Ger giữa mùi hương tan chảy của cỏ hoa (Bài 2) - Ảnh 8.

Đá ở đây ít, nhưng hình khối rất lạ. Có điểm tham quan nối tiếng tên là "Tảng đá ông già câu cá", "Tảng đá con rùa" (Turtle Rook), các tảng đá chênh vênh, gợi cảm mà thách thức tưởng như gió thổi hạc kêu nó có thể lăn ùm xuống thung lũng được. Lên núi cao, mới thấy nơi này có màu xanh của cây thân gỗ, là vì: viền quanh chân núi là một vài con sông. Có sông là có cây, có cây là có rừng. Bất giác xem lại ảnh, suốt gần chục ngày trước đó, tôi chụp cả vạn tấm ảnh, mà không thấy một cây to thân gỗ nào. Toàn thảo nguyên bát ngát và cỏ xanh, các đàn gia súc đi ùn ùn tưởng như không bao giờ thấy được con cuối đàn hay cảnh chúng dừng lại… tuyệt không có những trảng cỏ kiểu như hệ sinh thái savan (rừng cây bụi) ở châu Phi. Toàn cỏ là cỏ.

Giữa lúc đó, mùi hoa gì như oải hương hay hương thảo cứ thoang thoảng, có chút ngào ngạt, nhưng chút đăng đắng còn quyến rũ hơn thế. Chúng tôi lặng đi, ngơ ngác kiếm tìm. Ở nơi hoang vu, các giác quan của bạn sẽ hồi sinh và thính nhạy hơn sau những bụi bặm phố xá. Những bông hoa đủ sắc màu, li ti như đồ chơi của các cô bé tí hon. Mùi hương gì đó, thoang thoảng mà đi khắp nửa buổi bình minh, nó vẫn vấn vít, có lúc đẫm đùa phủ kín cả một thung lũng với phông nền là những vách núi vỡ bửa như vốn dĩ được làm bằng bùn ướt mà bị động đất đội lên nức nở. Người du mục trên thảo nguyên bảo, đó là hương cỏ. Cỏ thơm hăng hắc, nhưng đó là cái mùi của riêng biệt và ám ảnh. Sau mỗi lần dạo bước trên cỏ, tôi về lại lều Ger, mới nhận ra mình và trang phục được ướp hương cỏ vương vấn mãi. Hoa nở có thì, nở theo mùa và có khi sớm nở tối tàn, cỏ thơm thì từ thời các bộ lạc du mục mới sơ khai hình thành mấy chục nghìn năm trước, nó luôn thơm. Một mùi thơm không xuôi chiều vỗ tay theo ai cả. "Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi", cái câu thở dài có gì đó cay đắng ở xứ ta, mang sang Mông Cổ, dạo trên đồng cỏ thơm, nghe càng thấm mãi.

Khám phá Mông Cổ: Ở lều Ger giữa mùi hương tan chảy của cỏ hoa (Bài 2) - Ảnh 9.

Quan sát những người bạn cùng đoàn, tôi nghiệm ra, phải đi bộ vài lần trên thảo nguyên, mở lòng khá lâu và đủ trân quý cỏ dại, thì người ta mới nhận ra cái mùi thơm vô thiên lủng mà thoáng có thoáng không ấy. Thứ hương thiêng không dành cho những kiểu du lịch "China sờ tai" - phi ra khỏi ô tô, 100% gương các ống kính, điện thoại lên chụp tự sướng rồi hô hố gọi nhau leo vội lên đường đi chếch in tiếp. 

Tôi nghiêng mình xin các linh hồn du mục nghìn năm xứ này, cho phép được ngắt một nắm cỏ thơm, bỏ vào ba lô mang về xứ mình. Quả thông bé xíu đẫm sương đêm, nắng rạng rỡ đủ 250 ngày mỗi năm kèm theo tuyết phủ tơi bời đã gội một nước thời gian đỏ đắn và gân guốc lên "cậu ấy". Lên máy bay, tôi vô tình mở cành thông quả đỏ và dúm cỏ thơm ra. Chợt rùng mình, cái mùi hương du mục có thể khiến người ta tan chảy trong chốc lát, bỗng thấy tủi phận và có gì ghen tị với người của thảo nguyên. Họ mở cửa lều Ger, một tầm nhìn đáng ước ao của mọi kiếp nhân sinh hiện ra mỗi tinh mơ và cả mỗi chiều tà, trời đất ướp sẵn hương hoa, chưa cần đến "hoa nở trước thềm/trăng treo đầu ngõ", chỉ mỗi cỏ dại trong gió vô tình kia đã đủ ướp tẩm trang phục của bạn thơm suốt nhiều ngày sau đó. Thơm từ ký ức thơm ra.

Đón đọc bài 3: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem