Khai thác đất lậu giữa Thủ đô: Cuộc thương thảo bán đất đồi tiền tỷ và dấu hỏi trách nhiệm của cán bộ địa phương

Nhóm PV Điều tra Thứ bảy, ngày 20/04/2024 14:59 PM (GMT+7)
PV Dân Việt tiếp cận người tự nhận có thể bao thầu các vụ bán đất đồi trái phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Bình luận 0

"Muốn bao nhiêu đất cũng có"

Như đã thông tin ở các kỳ trước, trong quá trình thực hiện tìm hiểu, Nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt được người dân cho biết để tình trạng khai thác đất lậu diễn ra và tồn tại nhiều năm qua là "có dây với nhau cả" từ khai thác, vận chuyển, buôn bán, sử dụng. 

Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024 một nhóm người tổ chức khai thác đất trái phép đã bị lực lượng liên ngành huyện Sóc Sơn, phát hiện, tạm giữ phương tiện khoảng 20 xe ô tô tải và nhiều máy xúc. Phóng viên đã ghi nhận hình ảnh những chiếc xe ô tô tải, máy xúc đang bị tạm giữ tại UBND xã Bắc Sơn.

Mất nhiều thời gian làm quen, nhóm phóng viên mới được một người đàn ông tên S, ở thôn Đô Hội, xã Bắc Sơn mở lời: "Vừa rồi có thằng chú làm cùng đang làm đất đâu trong Phúc Xuân bị nhấc cho mấy chục con xe, máy đang nằm ở ủy ban xã. Anh làm được cứ làm, ngay quả đồi kia giờ vẫn làm. Giờ vẫn có kẽ hở để làm".

Người đàn ông này tư vấn xin giấy phép thay đổi hiện trạng mặt bằng đất, rồi ra xã xin "làm luật".

Những tưởng, liên tiếp các vụ việc khai thác đất lậu bị phát hiện, xử lý sẽ khiến những người nằm trong đường dây khai thác đất lậu trên địa bàn huyện Sóc Sơn "chùn chân" nằm im chờ thời cơ khác. Thế nhưng, sau khi cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn phát hiện vụ việc khai thác đất trái phép kể trên, hoạt động khai thác đất lậu vẫn diễn ra cả ngày đêm.

Khai thác đất lậu giữa Thủ đô: Cuộc thương thảo bán đất đồi tiền tỷ và dấu hỏi trách nhiệm của cán bộ địa phương- Ảnh 1.

Đất sau khi khai thác trái phép ở xã Bắc Sơn được vận chuyển đến đổ tại xã Bắc Phú cùng huyện để san lấp ao. Ảnh: Dân Việt

Chúng tôi được giới thiệu gặp người đàn ông tên Q.A nếu có nhu cầu mua đất đồi mang đi san lấp. Người này được cho là đứng sau nhiều hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

PV liên hệ qua điện thoại, sau khi kiểm tra tên người giới thiệu, người này hỏi: "Bạn cần bao nhiêu đất cũng có, bạn cần đất đổ ao hay đổ 64 (đất lúa)?.

Sau vài câu chuyện, Q.A cho biết, nếu lấy đất thì "gửi vị trí, mình tính toán đường di chuyển, tính khối lượng sẽ ra số tiền". "Đất thì không thiếu, xe cũng không thiếu, quan trọng là giá rổ như nào. Bởi tất cả Hồng Kỳ - Bắc Sơn chỉ có đất nhà em ra chứ không ai ra được" – người này nói.

Người này nói thẳng, đất chủ yếu là đất lậu nên không có hóa đơn, nếu cần hóa đơn cũng có nhưng giá cao hơn rất nhiều. Kết thúc cuộc đàm phán đầu tiên, người này nói luôn, mọi người gọi mình là "Cò", nên cứ gọi như vậy.

Sau nhiều ngày liên hệ qua điện thoại, chúng tôi gặp trực tiếp Cò ở một địa điểm cần san lấp giáp ranh giữa xã Việt Long với xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn. Cò đến cùng một người bạn. 

Khai thác đất lậu giữa Thủ đô: Cuộc thương thảo bán đất đồi tiền tỷ và dấu hỏi trách nhiệm của cán bộ địa phương- Ảnh 3.

Hình ảnh đoàn xe tải chở đất khai thác trái phép đến đổ tại một dự án Do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư. Ảnh: Dân Việt

Từ xa, Cò quan sát, gọi cho chúng tôi để kiểm tra có đi cùng ai khác không, sau đó mới gặp trực tiếp. Khi câu chuyện cởi mở, Cò và người bạn tư vấn nhiệt tình cho chúng tôi. 

Cò chưa kịp nói thì người bạn đi cùng đã tiếp lời: "Anh phải hiểu như này, bọn em làm đất nhiều mới biết, bên dưới anh đổ đất ghềnh nó không bị hao đất, lớp trên anh đổ đất tơi hơn. Chỗ này hết nhiều đất lắm anh ạ, tính từ trên xuống chắc phải 2m, chỗ này rộng phải 3 sào, hết 2.600m3 đất rồi. Đổ chạc như thế này nó bị lún, loại này có mà rẻ hơn. Nếu lấy đất bột mịn nó hao. Đất nào bọn em cũng có".

Giá đất đổ tận nơi như thế nào? Phóng viên hỏi. 

Người bán đất nói: "Đất bình thường 120.000 đồng/m3, chạc tùy loại nhưng về đây khoảng 100.000 đồng/m3, đất thải 80.000 đồng/m3, còn ghềnh giá 125.000đồng/m3. Đất giờ khó khăn, anh hỏi cả Bắc Sơn có bọn em ra được đất chứ có ai ra được đâu".


Khai thác đất lậu giữa Thủ đô: Cuộc thương thảo bán đất đồi tiền tỷ và dấu hỏi trách nhiệm của cán bộ địa phương- Ảnh 4.

Theo Cò, cùng đội xe lên đến hàng trăm chiếc ô tô tải 4 chân thì mỗi ngày đêm có thể "ra" được hàng nghìn mét khối đất, với giá rao bán hiện nay thì Cò thu về hơn 100 triệu đồng. Ảnh cắt từ video hoạt động khai thác đất về đêm ở Sóc Sơn: Dân Việt


Những người bán đất cho rằng hiện nay là đầu mùa mưa nên việc vận chuyển đất khiến đất rơi vãi ngoài đường hay bị người dân phản ánh nên việc san lấp cho các công trình gặp khó khăn. Nếu việc san lấp thực hiện vào mùa khô thì mỗi ngày có thể chạy được nghìn khối đất. Phương tiện vận chuyển đất lậu chủ yếu là xe 4 chân, khi cần gấp có thể huy động hàng trăm xe.


Cò và người bạn đi cùng cũng cho biết, "phải làm việc với xã mới chạy được. Không là bị hoạnh họe". Chúng tôi nói rằng giá như vậy là quá cao và chưa biết khối lượng cần san lấp là bao nhiêu, chính quyền địa phương có đồng ý cho san lấp không, nên chưa thể chốt được việc mua bán.


"Anh đừng nói đất Bắc Sơn ra đây, em nói tế nhị đất chính quy phải mua từ Thái Nguyên, mà mua tại mỏ đã 65.000 đồng/m3, nếu kéo tại mỏ về đây phải lên khoảng 150.000 đồng/m3, bọn em không làm được. Nói thẳng ra là bọn em làm mỏ ở Bắc Sơn thì việc mỏ bọn em tự xử lý, anh em có hỏi bảo đất từ Thái Nguyên về, đất bọn em không có thuế", người này tìm cách trấn an chúng tôi.

Khai thác đất lậu giữa Thủ đô: Cuộc thương thảo bán đất đồi tiền tỷ và dấu hỏi trách nhiệm của cán bộ địa phương- Ảnh 6.

Theo những người khai thác, vận chuyển đất những chiếc xe tải chở đất hoạt động trên địa bàn đều có dấu hiệu vi phạm Luật giao thông đường bộ. Ảnh: Dân Việt

Cò bán đất lậu thúc giục, "nên triển sớm, đặt cọc trước cho anh em mấy chục, 50 chục thoải mái. Chưa làm việc với nhau thì cọc 50 thôi, nếu làm với nhau một lần rồi thì em chở cả nghìn khối rồi anh bank (chuyển khoản) cho em cũng được".

Thấy phóng viên vẫn băn khoăn việc vận chuyển, san lấp đất chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương, người bạn đi cùng Cò thêm lời: "Anh ơi ở đây hoạnh họe tý một, đấy là luật, xe bọn em để nguyên cơi, người ta đóng 500.000 đồng, nhà em đóng 2 triệu đồng. Em toàn xe 25, 27, có con 32 khối mà. Nếu luật lá ngon lành thì ok ngay".

Theo nhẩm tính của Cò và người bạn, nếu đổ san lấp mặt dưới là đất ghềnh, trên là đất đỏ thì hai khu vực phóng viên chỉ có thể lên đến vạn khối, với giá thành 120.000đ -125.000 đồng/m3 thì số tiền người san lấp phải bỏ ra khoảng 1,2 tỉ đồng. Nghĩa là, cò bán đất đồi có thể đút túi tiền tỷ. 


Cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ địa phương

Trước tình trạng vi phạm khai thác tài nguyên đất trên địa bàn, không thể phủ nhận UBND huyện Sóc Sơn có những động thái chỉ đạo quyết liệt để nhằm ngăn chặn. 

Gần đây nhất, đầu tháng 2/2024, UBND huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội có công văn gửi Công an huyện, Phòng TN&MT về việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng trên địa bàn xã Hồng Kỳ. Theo đó, trong các ngày 21/1 đến 3/2, khu vực đồi Truyền Thanh (thôn 2, xã Hồng Kỳ) liên tục xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên đất thuộc đất rừng để vận chuyển ra ngoài khu vực. 

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy diện tích đất bị khai thác gần 9.500m2, khối lượng đất đã khai thác hơn 25.500m3. 

Vi phạm này được xác định đã làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, hủy hoại đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường; các phương tiện vận chuyển đất làm hư hỏng nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Hồng Kỳ và các xã lân cận.

Trước tình trạng trên, UBND huyện Sóc Sơn phê bình Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND huyện trong việc để xảy ra vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.


Khai thác đất lậu giữa Thủ đô: Cuộc thương thảo bán đất đồi tiền tỷ và dấu hỏi trách nhiệm của cán bộ địa phương- Ảnh 7.

Ngoài tình trạng khai thác đất trái phép, ở địa bàn huyện Sóc Sơn còn diễn ra hoạt động san gạt đồi, đổ đất san lấp vào đất lúa. Ảnh: Dân Việt

UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Công an huyện điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm. Quá trình điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đơn vị chức năng được giao kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của Trưởng Công an xã Hồng Kỳ trong việc chậm phát hiện, không kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng, để người dân bức xúc phản ánh đến các cơ quan quản lý Nhà nước.

Phòng TN&MT, UBND xã Hồng Kỳ được yêu cầu phối hợp, cung cấp tài liệu, hồ sơ cho công an huyện phục vụ công tác điều tra; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có cán bộ nào ở xã Hồng Kỳ bị xử lý trách nhiệm. "Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, đến thời điểm này chưa có cán bộ địa phương nào bị xử lý trách nhiệm liên quan" - Ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ (Sóc Sơn) xác nhận với PV Dân Việt. 

Còn tại các đồi đất, hiện tượng khai thác trái phép tài nguyên đất, mua bán đất đồi trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn diễn ra khá công khai. Và, như lời của một số người bán đất đồi, khai thác đất đồi, có dấu hiệu cho thấy sự móc nối, làm ngơ của cán bộ địa phương. 

Còn nữa...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem