Kể từ những mốc đá hoa cương...

Mai Nguyễn Thứ sáu, ngày 30/08/2019 05:52 AM (GMT+7)
Năm 2002, cột mốc 220 trở thành cột mốc đơn đầu tiên ở biên giới Hà Giang do Việt Nam phụ trách (mốc chẵn) được hoàn thành. Có 25 người tham gia khảo sát, xây dựng cột mốc 220... Đó là một trong những mốc khởi đầu cho giai đoạn triển khai và hoàn thành phân giới cắm mốc trên thực địa ở Hà Giang.
Bình luận 0

Chẳng mốc nào đi một lần

Ít người biết về chiếc lọ thủy tinh chứa mảnh giấy ghi tên 25 người và được chôn dưới cột mốc 220, có lẽ nó chỉ được biết đến và có ý nghĩa với 25 thành viên. Anh Triệu Xuân Tiến - Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Giang, 1 trong 25 người, nhớ lại câu chuyện đó với niềm xúc động không che giấu. Những cột mốc biên giới được khảo sát và xây dựng không theo trình tự, đàm phán xong cột mốc nào phải hoàn thành ngay cột mốc đó. Mốc 220 xong trước tiên, nhưng không vì thế mà dễ dàng. Riêng phần cột hoa cương phải cần tới 18 người khiêng lên độ cao 1.030m.

img

Tuần tra mốc biên giới tại địa phận xã Săm Pun (Mèo Vạc, Hà Giang).  Ảnh: MAI LƯU

Những năm đó, Bản Máy (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) ở vị trí gần như biệt lập, không có trạm biên phòng, cũng chẳng có dân, đoàn khảo sát cột mốc phải dựng  lều bạt để ở tạm. Mỗi tuần, họ đi chợ một ngày vì chợ xa quá. “Nhớ nhất là những cơn mưa nửa đêm. Chúng tôi cứ 3 người chung một lều. Mưa xuống là ướt sạch, đến lều bạt cũng sập” - anh Tiến kể. Những nhóm phân giới được thành lập với thành viên gồm cả lực lượng biên phòng và các cán bộ nhiều ban ngành như Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, cơ quan nghiên cứu địa chất…

Với nhiều người tham gia xây mốc, mốc 172 (thuộc thôn Ma Lì Sán, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần) là mốc khó khăn nhất ở Hà Giang. Đó là cột mốc mở đầu của dải biên giới Hà Giang. Để đến được mốc từ trung tâm xã, mọi người phải đi bộ thêm 3-4 cây số, rồi đi xuống ngã ba sông. “Mỗi ngày đều phải đi từ đỉnh Khấu Xỉn xuống mốc, đếm đủ 900 bậc đất” - chị Nguyễn Kim Tuyến - cán bộ Sở Xây dựng Hà Giang, thành viên Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh, kể. Suốt 2 tháng ròng rã, ngày nào nhóm triển khai khảo sát xây dựng cột mốc cũng phải đi lại ở 172.

img

Mốc 428 – mốc biên giới cực Bắc của Việt Nam tại địa phận  xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. 
  Ảnh: M.L

Mốc 428 cũng là một thử thách cho những người đưa mốc xuống vị trí, bởi hầu như sức người không thể làm được với con dốc xuống sông Nho Quế. May nhờ mấy chú ngựa hỗ trợ. Còn ở mốc 290 ở Quản Bạ, anh em phải sẻ đôi bao ximăng để chia nhau vác vì đường lên mốc quá xa.

Hay đường vào mốc 432 từ trạm biên phòng Mỏ Phàng mất cả một ngày. “Cứ phải đếm đủ 23 lần cua thì mới xuống tới sông Nho Quế, rồi đi bè ngược lên” - chị Tuyến bảo. Từ ngã ba Mèo Vạc vào đến Lũng Làn (xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc) - nơi có đồn biên phòng xa nhất Hà Giang, thượng úy Hoàng Ngọc Lĩnh, năm đó là lái xe cho đội phân giới, mô tả là “kinh khủng”: “Có một cái cua chúng tôi gọi là cua “bà xòe”. Trời mà mưa thì đi rất ngại”, anh Lĩnh nhớ lại. Anh Lĩnh cũng bảo, với nhiều đường đi xây mốc, vì nhiệm vụ nên phải lái xe đi, chứ người dân bình thường cũng không dám đi qua. Như đường vào xã Chí Cả (Xín Mần), đi làm mốc 186, xe của anh từng trượt bánh ra khỏi đường chính. “Lúc đó mà run chân thả chân ga là xuống vực đấy”.

Ở khu vực Bản Máy, mốc 219 lại đánh dấu sự dằng dai giữa hai bên khi khảo sát. Theo báo cáo tổng quan về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, “Hiệp ước 1999 mới chỉ mô tả đường biên giới bằng lời văn vẽ trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000. Đường biên giới trên bản đồ là một nét bút mực, khi chuyển ra thực địa có thể sai lệch hàng chục, thậm chí hàng trăm mét. Sự không thống nhất giữa lời văn Hiệp ước và bản đồ đính kèm với thực địa dẫn đến việc không thống nhất được hướng đi của đường biên giới, tạo ra các khu vực tồn đọng mà hai bên phải đàm phán để giải quyết”. 219 là một điển hình khi vị trí đặt mốc ban đầu là trên sống yên ngựa một ngọn đồi, nhưng phía Trung Quốc cho rằng, thực địa đã thay đổi vì có một con đường mới mở.

“Họ yêu cầu dịch vị trí mốc xuôi xuống suối, nghĩa là dịch vào đất mình. Sau 2 tháng đi lên đi xuống đo đạc thì họ phải chịu, cắm mốc đúng vị trí mình xác định ban đầu” - anh Triệu Xuân Tiến nhớ lại. Chỉ khi thao tác khởi động máy đo tọa độ, báo vị trí về trung tâm thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Trong 8 tiếng chờ máy chạy, cả 2 đoàn mới ngồi với nhau uống được chén rượu bình thường. “Mình có thể cười, bắt tay với họ, nhưng khi làm việc thì không được phép sai lệch một milimet nào” - anh Tiến cho hay.

Những thanh xuân gắn bó với cột mốc

Người ta vẫn bảo nhau  “thanh xuân như một ly trà...”. Với những người đã dành thanh xuân cho cả nghìn cây số đường biên, ly trà của họ hẳn là rất đậm vị. Cột mốc không đơn giản là một tấm bia hoa cương gắn số. Nó có  những cái tên - như 25 cái tên trong cái lọ năm nào, có linh hồn - như những mảnh thân thể của những người lính công binh đã bỏ lại khi dò mìn, có nước mắt, có niềm vui... Những điều ấy đã tạo thành Tổ quốc.

Chị Nguyễn Kim Tuyến là gương mặt hiếm hoi đặt chân đến tất cả các cột mốc biên giới Hà Giang. Suốt những năm thanh xuân, cứ ngày thứ 2 chị là xách đồ lên biên giới, tối thứ 6 về nhà. 9 năm ròng rã, chị không có thời gian dành cho cả bữa cơm nhà. Lần nào được nghỉ dài nhất là một tháng, còn có những giai đoạn chị phải ở lại trong bản cả vài tháng. Mỗi lần lên là chị lại tay xách nách mang đồ tiếp tế cho anh em, từ thịt, từ rau... Nhưng bữa ăn của chính mình, thì như lời cô cháu gái của chị: cho đến giờ, cô ấy vẫn sợ mùi mì tôm, cái mùi của bữa ăn vội vàng cho kịp lên xe đi công tác. Đoàn khảo sát cắm mốc năm đó chỉ có chị Tuyến là nữ.

Anh Triệu Xuân Tiến mới vào Sở Xây dựng được 3 tháng, chân ướt chân ráo đi khảo sát cột mốc 172, rồi đi ròng rã 9 năm. Xây xong cột mốc, việc đầu tiên của anh Tiến là… cưới vợ. Năm ấy xây mốc nguy hiểm, chẳng ai dám nói trước điều gì, nên anh tạm gác hạnh phúc lại. Ngày anh cưới, đội phân giới có mặt đông đủ. Gắn bó với nhau từng ấy năm, bây giờ nhóm phân giới coi nhau như người nhà. Nhóm của anh Tiến còn có cái hẹn, mỗi năm, vào ngày rằm đầu tiên sau tết sẽ gặp nhau. Có người đã nghỉ công tác, có người về quê, có người đã là đồn trưởng, chính trị viên của các đồn biên phòng, vẫn tiếp tục bám biên giới. Nhưng suốt chục năm qua, lịch hẹn này vẫn được duy trì.

Những năm đó, việc xây cột mốc được sự chung tay của hầu hết người dân Hà Giang. Chị Tuyến vẫn nhớ từ mốc 374 đến 376, người dân xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn) được huy động khiêng mốc, xây mốc mà không cần lấy tiền công. Ông Cử Pháy Phìn (thôn Lao Xa, xã Phố Bảng, huyện Đồng Văn) kể, chính ông cùng anh em tham gia cùng bộ đội, công binh khiêng mốc lên vị trí. Cái cột mốc đó sau này, chính ông đăng ký tham gia tự quản, vì nương nhà ông ở ngay đấy. Ông Già (xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc) đã nhường cả căn nhà to cho nhóm phân giới ở, còn gia đình mình kê phản ra bếp nằm suốt mấy tháng.

“10 năm sau mình mới quay lại mấy cột mốc ngày xưa nghiệm thu. Cảm giác đầu tiên là thấy thiêng liêng lắm. Mình có  chút tự hào là mình được đi làm việc ở đó” - chị Tuyến bồi hồi. Chị gắn bó với các cột mốc tới mức tự mua một cái máy ảnh, rồi chụp lại cả nghìn tấm suốt 9 năm. Đôi khi chỉ là một bông hoa chuối trên mốc 510, một phút nghỉ chân giữa bãi mìn trên đường lên mốc, một rừng đào mùa xuân ở Bản Máy…

Đi giữa những bãi mìn   

Việc khảo sát cắm mốc, ngoài độ khó của địa hình đồi núi, còn phải đối mặt với hiểm họa bom.

img

Chị Nguyễn Kim Tuyến.

Chị Nguyễn Kim Tuyến vẫn có thể kể rành mạch từng vị trí mốc nhiều bom mìn nhất vành đai biên giới. Ở khu vực Vị Xuyên, đó là cao điểm 1509 từng ghi dấu với “cối xay thịt” năm 1984, nơi đặt mốc 254. Cũng bởi vì phải rà phá bom mìn, 254 trở thành mốc đơn cuối cùng được hoàn thành ở Hà Giang. Đại tá Nguyễn Văn Hiền - nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Thanh Thủy, không thể đếm bao nhiêu lần đã gặp mìn ở khu vực ấy: “Có lúc vừa ngồi nghỉ dưới gốc cây, đứng lên thì thấy mìn lộ dưới chân”. Riêng ông Hiền đã 7 lần gặp mìn trong những lần đi khảo sát mốc. Thời gian xây mốc 254, công binh dò mìn đến đâu nhóm phân giới bám sát đến đó. Mốc 270 trên độ cao 1049m ở Minh Tân cũng nổi tiếng bởi là khu vực nhiều bò của người dân bị cụt chân vì mìn nổ nhất đất Vị Xuyên. “Khu vực đó nhiều mìn đến nỗi không ai dám bén mảng, cây dong mọc che kín lối” - anh Tiến nhớ lại.

Cá biệt như mốc 238 ở xã Lao Chải (huyện Vị Xuyên), vị trí cắm mốc được đánh dấu trên bản đồ là giữa một bãi mìn chưa rà phá với chi chít những gạch báo nguy hiểm. Mốc 240 được tiến hành khảo sát chỉ một ngày sau khi vừa xảy ra một vụ nổ làm một người dân khu vực bị mất một bàn chân. Mốc 192 ở Xín Mần cũng lấy đi một bên chân của một người lính biên phòng.

Thậm chí, nhóm phân giới cắm mốc ở Xín Mần vẫn nhớ tại vị trí mốc 194, nhóm trưởng nhóm phân giới phía Trung Quốc vì sợ ôtô cán phải mìn còn phải sang xin đi nhờ theo đường bộ phía Việt Nam, bất chấp việc đi xa hơn vài cây số.

Mai Nguyên

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem