Kể chuyện làng: Xứ sở của cây cọ

Bùi My Thứ bảy, ngày 31/12/2022 06:40 AM (GMT+7)
Cây cọ từ bao đời nay gắn bó đến sâu nặng với con người Phú Thọ. Vì thế nói đến vùng đất này là người ta nghĩ ngay đến xứ sở của cây cọ.
Bình luận 0

Biểu tượng vùng đất trung du Phú Thọ

Hạ Hòa là miền quê trung du của tỉnh Phú Thọ, nơi có những rừng cọ, đồi chè xanh uốn lượn quanh những cánh đồng bát ngát. Chẳng biết từ bao giờ, cây cọ bám rễ sâu miền đất thân thương này và đi vào tâm hồn mỗi người dân Hạ Hòa nơi đây. Vì thế nói đến vùng đất này, người ta nghĩ ngay đến xứ sở của cọ.

Kể chuyện làng: Xứ sở của cây cọ - Ảnh 1.

Cọ là loại cây gắn bó lâu đời, trở thành đặc trưng của Phú Thọ. Ảnh: Mai Liên

Cảnh sắc đặc trưng ở miền quê thanh bình này là những căn nhà xinh xắn, bình dị ở ngay dưới tán cọ xanh rờn, lấp lóa. Mọc xung quanh nhà, những cây cọ tua tủa những cành gai như những thanh kiếm vung lên trời xanh. Muốn vào được nhà, ai cũng phải qua tán cọ xanh mát.

Ngày xưa, người dân Hạ Hòa lợp nhà bằng lá cọ, cả làng, nhà nào cũng lợp như thế. Những tàu lá cọ bánh tẻ mềm dai bện thành từng mái khin khít. Mùa hè, nhà lá cọ mát rượi, mùa đông, mái cọ che mưa, che gió lạnh.

Trước ngõ, cây cọ già và vô số cọ con như những tán ô che đầu cho những đứa trẻ quê từ những ngày thơ ấu cho đến khi lớn lên.

Kể chuyện làng: Xứ sở của cây cọ - Ảnh 2.

Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người con đi xa Phú Thọ, cây cọ, quả cọ luôn là những hình ảnh đẹp không phai mờ theo năm tháng. Ảnh: Mai Liên

Xa nhà, nhớ hình bóng quê hương, ai ai cũng nhớ về cây cọ quê mình. Nhớ những trưa hè không ngủ, lũ trẻ quê rủ nhau ra rừng cọ sau nhà mắc võng từ thân cọ, nằm vắt vẻo, cười khúc kha khúc khích như quên đi cả cái oi nồng mùa hạ. Nhớ những chiều về, lũ trẻ lại lùa đàn trâu lên đồi cọ thả rồi chơi hú tìm ngay dưới tán cọ.

Món ngon đậm đà tình quê

Mùa quả cọ về, những trái cọ tím bầm, căng bóng trên ngọn cao, là món ngon đậm đà khó quên.

Quả cọ ỏm trong nồi nước sôi lăn tăn chừng mười lăm phút là chín. Quả cọ ỏm ăn mềm, béo ngậy, vàng ươm như quả trám đen vậy. Ăn mãi không chán.

Kể chuyện làng: Xứ sở của cây cọ - Ảnh 3.

Đến mùa chín, quả cọ béo ngậy ăn với cơm nóng, quây quần bên người thân, gia đình những ngày đông giá rét, thật đượm tình quê. Ảnh: Mai Liên

Những người phụ nữ nơi thôn quê Hạ Hòa còn khéo tay chọn những trái cọ ngon ở những cây cọ cao và già để làm món dưa cọ. Có lẽ chỉ ở vùng quê này, chỉ trong bàn tay của mẹ, trái cọ đã trở thành một món dưa vừa có vị chua chua, vừa bùi bùi lại vừa béo.

Người dân quê Hạ Hòa còn nắm cơm bằng lá cọ non. Nhìn thấy nắm cơm bọc lá cọ vừa thơm vừa dẻo, ai cũng biết đó là người trung du Hạ Hòa rồi.

Mỗi lần nhớ về làng quê trung du yêu dấu, những người con sinh ra và lớn lên nơi đây lại nhớ về tuổi thơ, nhớ về đồi cọ xanh trập trùng, nhớ về nắm cơm gói bằng lá cọ non mỗi buổi sáng sớm.

Cứ sáng sớm tinh mơ, trong làn khói chờn vờn nơi mái cọ, những bà mẹ vùng quê nghèo lại trở dậy nhóm bếp thổi cơm cho cả nhà, rồi không quên nắm một nắm cơm gói bằng lá cọ non, bỏ vào cặp sách cho con mang đến trường.

Lá cọ dùng để gói cơm là lá cọ bé, loại lá của những cây cọ non mới mọc vượt mặt đất chừng nửa mét. Mẹ lau sạch bề mặt lá rồi hơ qua trên bếp lửa cho lá cọ mềm dẻo hơn, khi nắm cơm lá sẽ không bị rách.

Kể chuyện làng: Xứ sở của cây cọ - Ảnh 4.

Có 2 loại quả cọ là cọ nếp và cọ tẻ. Cọ nếp ăn ngọt, bùi hơn, có giá bán từ 100-120.000 đồng/kg. Cọ tẻ có giá 60-70.000 đồng/kg. Ảnh: Mai Liên

Khi cởi dây buộc túm đầu nắm cơm, giở lớp lá cọ non, một mùi thơm tỏa ra đến dễ chịu. Đó là vị thơm của gạo quê hòa vào vị thơm đặc trưng của lá cọ, mùi vị mà chẳng cần nhìn vẫn nhận ra, bởi lá cọ đã quá gần gũi thân quen với bọn trẻ.

Ngày nay, tuy cuộc sống có đổi thay nhưng vẫn còn đó, những đồi cọ xanh tốt, rợp tán bên mỗi con đường vào làng. Tán cọ chở che cho những con người ăn đời ở kiếp với nó, tán cọ xòe trong nỗi nhớ làng của những người con đi làm ăn xa quê.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem