Kể chuyện làng: Nội tôi và "Chõ rượu mu rùa"

TS. Trần Việt Tuấn Thứ bảy, ngày 28/10/2023 08:17 AM (GMT+7)
Bà nội tôi dáng người nhỏ thó, có lẽ là người Giao chỉ gốc - Người Việt cổ từ đời các Vua Hùng với hai ngón chân cái choãng ra vuông góc, hướng về nhau, khó có thể tìm được đôi dép nào vừa chân, mà chỉ đi tông hay dép xỏ quai.
Bình luận 0

Nội sinh ra, lớn lên ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ - là nơi có nền văn hóa ở hậu kỳ thời đại đồ đá cũ cách ngày nay khoảng 30 ngàn đến 11 ngàn năm về trước. Nội sống gần 100 tuổi, cả đời cũng chỉ ra khỏi lũy tre làng vài lần đếm trên đầu ngón tay, chỉ quanh quẩn với ruộng vườn và nghề gia truyền là nấu rượu mu rùa. Nhớ mỗi lần xong mẻ rượu, nhấp thử ngụm rượu mới, nội lại chẹp chẹp miệng "mẻ này ngon, chắc và thơm quá". Có ai nếm thử khen ngon nội lại nói câu quen thuộc "ừ thì vữn" - Đây là câu cảm thán mà chúng tôi cứ nói là "Thương hiệu độc quyền" của nội mà không ai có.

Kể chuyện làng: Nội tôi và "Chõ rượu mu rùa" - Ảnh 1.

Ông bà nội tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng đại gia đình trong Lễ mừng thọ 80 tuổi. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Bà nội người gốc Sơn Vi, lấy ông nội tôi là người xã Vĩnh Lại, cùng huyện Lâm Thao - một xã đồng bằng thuộc huyện Lâm Thao, nằm dọc theo sông Hồng, người dân chỉ quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chăn nuôi nhỏ lẻ, đồng ruộng cũng manh mún, nghề phụ chỉ mỗi nghề đan lưới, chũm, vó cất cá khi mùa nước đến.

Kể chuyện làng: Nội tôi và "Chõ rượu mu rùa" - Ảnh 2.

Hai ông bà nội tác giả đã có quãng thời gian hạnh phúc bên gia đình và con cháu gần 80 năm cuộc đời. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Còn cái nghề nấu rượu mu rùa của nội lại được di cư từ nơi sinh của nội mà ra. Nội kể: Nghề nấu rượu mu rùa của bà được các cụ, kỵ truyền lại từ thời xa xưa, khi bà lớn lên đã được các cụ truyền dạy cách nấu cơm, ủ men, vào chum cho đến những công đoạn nấu rượu, hộn rượu ngay từ lúc nội còn 8 - 9 tuổi, thế nên khi chúng tôi lớn lên thấy ngày nào nội cũng nấu mẻ cơm ủ rượu và một mẻ rượu, cứ luôn phiên như thế, ngày nào cũng có rượu bán. Thời đó, nội nấu rượu chẳng phải bán buôn bán lẻ gì đâu, tôi thấy ngày nào cũng vậy, mẻ rượu nấu xong là có mấy bác, mấy chú quanh xóm lại sang mua hết ngay; mỗi dịp lễ, Tết nhà còn không có rượu mà bán.

Kể chuyện làng: Nội tôi và "Chõ rượu mu rùa" - Ảnh 3.

Sinh thời, ông bà nội của tác giả sống hiền hậu yêu con, quý cháu lắm! (Cụ ông mất khi tròn 101 tuổi, cụ bà mất khi 97 tuổi). (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Nghĩ lại, thấy cái quy trình nấu rượu của nội so với giờ cũng nhiều công phu lắm! Ngày mùa, nội mua tích trữ đến mấy cót thóc để nấu rượu dần. Thóc cũng phải chọn loại hạt to, mẩy phơi thật khô mới để được lâu và được rượu. Công đoạn đầu tiên là xay lúa, dã gạo, bởi thời đó làm gì đã có máy sát, xay và dã được mẻ gạo làm rượu cũng mất cả buổi sáng, hoặc những hôm trăng sáng thì cô tôi cũng mất cả buổi tối giúp nội xay lúa, dã gạo, sàng xảy để sáng mai nội có cái nấu cơm rượu. Gạo dã xong được nội vo, nấu thành cơm, tãi ra nong, để nguội, dã nhỏ men rượu thành bột nhỏ, mịn rồi giắc đều lên nong cơm, đạy lá chuối khô lên trên rồi ủ với cái bao tải bảy mươi (một loại bao chứa được khoảng 70kg thóc, gọi là tải 70) được dệt từ sợi thô to đùng. Cơm rượu được ủ 4 - 5 ngày, quá trình ủ hàng ngày vẫn phải mở ra trộn đều, đến khi cái rượu lên men, nếm thử thấy mềm, ngọt thì lại được bốc vào vại, chum sành để mấy ngày sau cho rượu tiếp tục lên men, ra nước võng lên mặt thì mới đem ra nấu rượu.

Kể chuyện làng: Nội tôi và "Chõ rượu mu rùa" - Ảnh 4.

Bà nội tác giả chụp ảnh cùng cháu xinh đẹp. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Ngày đó, còn nhớ những ngày thường thì đi học, hôm nào chủ nhật được nghỉ. Dậy sớm cỡ 7.30 - 8 giờ sáng đã thấy bà nội chuẩn bị đủ thứ cho mẻ rượu mới, nào thì nồi, chõ, bộ mu rùa, ống tre bắc từ cái mu rùa ra chai để hứng rượu, hàng chục cái can không, bát đất chét mạch; cái nồi đồng to tướng, 3-4 bó củi khô, mấy thùng nước múc từ cái giếng sâu tới 15 - 17m được các cụ, kỵ đào từ lâu lắm rồi mà nội tôi cũng chẳng biết từ bao giờ! Mỗi lần xem nội chuẩn bị mẻ rượu mới, tôi và mấy đứa em cứ xúm xít quanh, đứa thì đòi nhóm củi, đứa thì múc nước, dọn chai, còn nội thì tỷ mẩn từng công đoạn, đầu tiên bắc cái nồi đồng to tướng, đổ mẻ rượu cái vào trong, sau đó bắc chiếc chõ lên trên, tiếp đến là chiếc chậu nhôm chứa nước trên cùng. Chõ làm nhiệm vụ chưng cất rượu, đặt giữa nồi đồng và chậu nước trên cùng, trong chõ có bộ mu rùa, thò cái vòi ra ngoài gắn cái ống để hứng rượu từ mu rùa ra chai. Từ lúc đặt cái bộ đồ nấu rượu lên bếp, bà nội cứ luôn chân luôn tay, hết công đoạn chát đất (dùng một loại đất thó chét vào các khe hở giữa cái nồi đồng - chõ - chậu nước trên cùng) để chánh bị xì hơi, thế mới được rượu, nội giải thích vậy!

Kể chuyện làng: Nội tôi và "Chõ rượu mu rùa" - Ảnh 5.

 Vị trí ngôi nhà cấp 4 xưa kia gia đình 3 thế hệ tác giả sinh sống, bà nội thường nấu rượu bằng “chõ mui rùa” nay cũng đã được gia đình xây dựng ngôi nhà mới thay thế. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Bà bảo, mỗi mẻ rượu nấu chừng 8 - 9 kg gạo thì được khoảng 8-9 lít rượu khoảng 31 - 32độ. Mỗi lẫn nấu xong mẻ rượu, lại thấy nội đổ tất cả mấy chai rượu vào cái can to đùng, riêng chai đầu tiên "cốt" và chai cuối cùng "bào" được đổ vào từ từ, bởi theo nội tôi, hộn rượu nếu muốn lấy rượu nặng thì cho lượng "cốt" nhiều và ít chai "bào" và ngược lại để làm sao người uống thấy ngon, vừa đủ độ; nhấp ngụm rượu thấy cay đầu lưỡi, nhưng ngọt nơi cuống họng mà dân sành rượu quê tôi các bác, các chú thường mua rượu nói vui là hôm nay rượu của bà "có hậu đấy!". Mà cũng tài thật, nội tôi có lẽ cả đời nấu rượu nên bà có "biệt tài" nếm rượu, sau mỗi lần hộn rượu, bà nhấp ngụm nhỏ bà bảo mẻ này 31 độ hoặc mẻ này 32 độ, thì khi lấy nhiệt kế ra đo gường như đúng rin, có sai lắm cũng chỉ + hoặc - 1 độ là cùng. Mỗi lần nghe được câu nói rượu của bà "có hậu đấy!", nội tôi lại đáp lời với câu cảm thán "Ừ thì vữn!". Cái câu này với một câu chửi yêu lũ trẻ chúng tôi kiểu "Cha bố tồ nghiệp chúng mày!" đã trở thành "Thương hiệu" của nội cho đến tận những ngày cuối đời nội vẫn nói mỗi lần con, cháu có dịp về thăm nội.

Kể chuyện làng: Nội tôi và "Chõ rượu mu rùa" - Ảnh 6.

Cánh đồng xã Vĩnh lại - Nơi đã ghi dấu chân bà nội tác giả tới hơn nửa thế kỷ. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Tôi vẫn nhớ, mỗi khi đứa nào hỏi bà câu khó chưa trả lời được hay có đứa nghịch làm hỏng thứ gì, đổ cái chai, đổ ít nước lại được nội "mắng yêu" với cụm từ cảm thán "Cha bố tồ nghiệp nhà mày!", lúc đó và đến tận bây giờ mỗi khi nghĩ lại hình ảnh lũ con nít anh em tôi quây quần bên nồi rượu của nội sao mà thấy gần gũi, thân thương thế, như vừa mới hôm nào!

Kể chuyện làng: Nội tôi và "Chõ rượu mu rùa" - Ảnh 7.

Địa giới xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Tuổi thơ, những ký ức của lũ trẻ anh em tôi lớn lên từ cái góc bếp - nơi dỡ nồi cơm ủ rượu vẫn luôn được nội dành cho miếng cháy to, ngon nhất; khi có nong cơm rượu thơm lừng cũng đã làm không ít lần tôi say mềm, nằm bò ra sàn bếp chỉ vì đói, mò vào "ăn vụng" cơm rượu của bà! Ấy vậy mà, ký ức tuổi thơ đó cũng đã trôi qua 30 - 40 năm qua, quá nửa đời người! Giờ mỗi lần về thăm quê, ký ức ngày nào vẫn như còn nguyên trong tôi, bóng dáng nội lưng còng, bàn chân giao chỉ và những câu cảm thán mang thương hiệu của nội vẫn như đâu đó, rất gần và quen thuộc với tôi!

Hà Nội, mùa thu 10/2023

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem