Huyền thoại sừng dinh rắn

Thứ tư, ngày 03/03/2010 10:52 AM (GMT+7)
NTNN - Trong dân gian đã đồn thổi rất nhiều về tác dụng của sừng dinh rắn – loại sừng được cho là có thể hóa giải được các loại nọc độc của rắn, rết. Chúng tôi tìm về vùng đất Bảy Núi tìm hiểu thực hư.
Bình luận 0

Ở vùng Thất Sơn – An Giang chỉ có duy nhất ông Bùi Thanh Tùng, ở xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên sở hữu miếng sừng dinh rắn quý giá hút được mọi loại kịch độc. Từ khi sở hữu miếng sừng dinh rắn vào năm 1963 đến nay, hàng trăm đồng đội và người dân trong vùng bị rắn, rết cắn đã được ông cứu chữa.

Quà tặng thời chiến

Ông Tùng sinh năm 1927, nguyên là Phó Chính trị viên huyện đội Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Vùng đất Tịnh Biên là cái nôi cách mạng nên ông Tùng tham gia chiến đấu từ rất sớm và được vào Đảng năm 1947. Bám trụ tại địa phương, ông giữ vị trí tiểu đoàn trưởng, chính trị viên phó huyện đội.

img
PV NTNN và chiếc sừng dinh rắn của anh Trần Đức T.

Năm 1963 ông được cử đi dự một đại hội tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Đường xa, vừa đi bộ vừa chiến đấu dọc tuyến biên giới nên ông phải khởi hành trước 2 tháng.

Tại Bác Ái, ông Tùng kết thân với một đồng chí người dân tộc tên Bảy Biên. Thấy đồng chí của mình chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, ông Tùng bèn lấy hành trang mang theo – chủ yếu là “chiến lợi phẩm” tại chiến trường Tây Nam bộ tặng cho ông Bảy Biên. Cảm kích, ông Bảy Biên tháo 2 mắc sừng dinh rắn nhỏ bằng ngón tay út đang đeo ở cổ tặng lại cho ông Tùng.

Theo lời người đồng chí này, sừng dinh rắn rất quý và hiếm vì có thể hút được tất cả các loại nọc độc, nhất là nọc rắn. Đây là quà của một ông trưởng bản ở Bác Ái, cưa ra tặng ông Bảy Biên để phòng thân…

Sau đại hội, ông Tùng trở về Tịnh Biên, hoạt động ở tiểu đoàn 510, phụ trách du kích chiến tranh của bộ đội tỉnh An Giang. “Chiến đấu trong điều kiện rừng núi, chẳng đơn vị nào dám hành quân theo đường mòn vì rất dễ bị địch gài trái nổ.

Do thường xuyên hành quân bằng cách vạt rừng mà đi nên không ít chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại rừng sâu vì bị rắn độc cắn”- ông Tùng hồi tưởng. Từ khi có được khúc sừng, ông Tùng gói lại bỏ vào ba lô mang trên đường hành quân, phòng khi đồng đội gặp nạn là đem ra cứu chữa. Lúc đó, do có nhiều tiểu đoàn bủa ra các cánh nên rất nhiều người bị rắn cắn.

Những lúc ấy, anh em đồng đội lại vác về đơn vị nhờ ông Tùng dùng khúc sừng dinh rắn hút nọc. “Còn ngay trong đơn vị tôi, anh Tư Tài bị rắn cắn hỏi mượn sừng dinh của tôi, giải độc xong, ổng cắt hết một lóng để dành. Rồi tới Tư Lợi, Hùng Nẻo, Chín Nhóc và nhiều anh khác hỏi mượn. Tôi dặn kỹ là đừng có chẻ nhỏ sừng ra, sợ bị mất công hiệu, nhưng mỗi ông được chữa khỏi đều chẻ lấy một miếng… phòng thân. Bộ đội với nhau, mạng sống còn không tiếc cớ chi lại tiếc miếng sừng! Cuối cùng, miếng sừng chỉ còn bằng đầu đũa”, ông Tùng kể. Sau lần đó, hễ ai bị rắn cắn là ông trực tiếp đem sừng đi hút độc chứ không cho mượn nữa

Uy lực sừng dinh        

Ông Tùng rất “nể” uy lực của miếng sừng dinh rắn nhỏ bé ấy. Lo sợ bị mất miếng sừng quý báu, ông gói cẩn thận cất giữ trong ba lô. Một lần, do hành quân xa, ông bỏ lại chiếc ba lô ở đơn vị, treo dưới gốc tràm.

“Lúc khởi hành tôi nhìn thấy con rắn lục đang có chửa nằm trên nhánh tràm, nhưng kệ. Gần 10 ngày sau về lại, vẫn thấy con rắn nằm nguyên chỗ đó nhưng ốm lòi xương. Tới khi tôi lấy chiếc ba lô đi, nó mới từ từ tự giải thoát khỏi cành cây được” - ông Tùng cho biết.

img
Ông Bùi Thanh Tùng và chiếc sừng dinh rắn nhỏ như hạt đậu.

Tình cờ chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Nùng, ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, người từng đến ở nhà ông Tùng để nhờ miếng sừng dinh rắn hút nọc.

Anh Nùng kể, một lần đi ruộng ém hang cua, anh bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân. Mấy hôm sau, chân anh bị sưng to hơn ống quần, như muốn nứt da nứt thịt . “Khi tới được nhà chú Tùng thì chân tôi bầm tím hết, không đi được. Ổng lấy một miếng màu đen nhỏ xíu dán chỗ vết thương rồi nó dính luôn ở đó liên tục trong 1 tháng. Tới khi nó tự rơi ra thì chân tôi cũng đi lại bình thường. Lần đó, vợ tôi đem gạo lên tạ ơn nhưng chú Tùng không nhận. Đã trị nọc không lấy tiền ông còn nuôi cơm tôi cả tháng” - anh Nùng nói.

Có lần một người giàu có ở Long Xuyên, tỉnh An Giang không may bị rắn cắn cũng đến nhờ miếng sừng dinh của ông Tùng chữa giúp. Thấy khả năng kháng nọc độc kỳ lạ của miếng sừng, người này đã đòi mua lại với giá rất cao nhưng ông Tùng không bán.

 “Tuy miếng sừng bé nhỏ nhưng nó là “báu vật” của tôi và của người dân nơi đây. Ở nơi núi rừng đầy rẫy hiểm nguy này thì sừng dinh rắn quý giá và cần thiết hơn nơi nào hết. Vì nó là khắc tinh của tất cả các loại nọc độc” - ông Tùng từ chối và khẳng định.

Loài thú từ huyền thoại?

Theo một số người chuyên trị rắn vùng Thất Sơn, dinh rắn là loài dị thú nặng không quá 2kg, đầu mọc 1 chiếc sừng cong cong như lưỡi câu. Dinh rắn chuyên ăn các loại rắn độc. Rắn độc cỡ nào mà gặp dinh rắn cũng phải nằm bủn rủn ngay đơ cho chúng ăn thịt.

Loài dinh rắn này khi ngủ không nằm dưới đất mà chuyên móc sừng trên các thân cây ngủ, lỗ mũi chúng hướng về phía nào là rắn độc phải tập trung phía đó. Cũng có người nói dinh rắn thực chất là con trâu nước nặng đến nửa tấn, người khẳng định nó chỉ nặng vài chục ký, người bảo loài dinh chỉ con đực mới có sừng, con cái thì không. Tuy nhiên, chưa ai nhìn thấy tận mắt loài vật này.

Theo TS Võ Văn Chi (tác giả cuốn Từ điển những cây thuốc Việt Nam), sừng dinh rắn có thể được liệt vào nhóm cục nọc. Cục nọc là những sừng nai (hoặc đầu mút nhọn của sừng hươu) cắt khúc nhỏ, nắm đất sét bao ngoài bỏ vào đống trấu đốt 12 giờ đem ra để nguội, tẩm phèn xanh rồi nắm đất sét đốt lại 6 giờ đem ra để nguội dùng dần. Khi bị rắn cắn lấy dao khía cho vết cắn hơi chảy máu rồi đặt cục nọc vào vết cắn. Cục nọc không gây biến chứng, có sức hút rất mạnh, nó hút đến no máu và nọc độc rồi mới rơi ra. Dùng xong ngâm cục nọc vào rượu trong 30 phút rồi đem phơi khô, lau chùi sạch để dùng lần khác.

Theo các thầy thuốc, ai bị rắn độc cắn đang chảy máu thì dùng miếng sừng áp vào. Khi sừng đã hút hết nọc thì miếng sừng sẽ tự rơi ra. Theo kinh nghiệm của ông Bùi Thanh Tùng, nếu vết cắn đã khô máu, nhất thiết phải dùng cây gai (bưởi, cam…), không được dùng kim loại – chọc vào vết cắn cho chảy máu rồi dán miếng sừng vào.

Anh Trần Đức T, ngụ thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang) là người đang gìn giữ một chiếc sừng dinh còn nguyên vẹn. Theo lời anh T, chiếc sừng này được truyền lại từ thời ông cố anh, đến nay có lẽ đã gần 100 năm. Theo anh T, ông nội anh trước khi mất dặn dò cha anh phải cất giữ cẩn thận. Đến năm 2008, cha anh cũng trối lại là giữ gìn sừng dinh rắn, không được đem bán mà không nói rõ công dụng.

“Thời này, y học hiện đại chữa nọc rắn cũng rất tốt nên tôi không dám đem chiếc sừng làm “thí nghiệm” trên sức khỏe người bệnh. Chỉ mong rằng qua thông tin báo chí, có ai đó hiểu rõ về sừng dinh thì hãy giúp thêm cho tôi về mặt kiến thức của loại sừng này”- anh T bày tỏ. Trò chuyện với chúng tôi, anh T cho biết rất ngại chuyện đồn thổi của những người hiếu kỳ nên đề nghị viết tắt tên và không xuất hiện trên mặt báo…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem