Hương chức làng xã “lên thớt”

Thứ hai, ngày 31/10/2011 13:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Họ tham quyền, hám tiền và lười nhác nên cứ muốn địa phương mà mình "cai quản" thuộc diện nghèo để được trợ cấp.
Bình luận 0

Xem “Đời cười 11”, khán giả được cười hả hê về những tình huống bóc trần thói tật của những hương chức ở nông thôn từ quá khứ đến hiện tại.

Cả làng cùng chạy

Đạo diễn, NSND Lê Hùng - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻcho biết: "Chương trình "Đời cười 11” này chúng tôi dàn dựng và biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Nhà hát Lớn Hà Nội. Vào ngày 13.11, "Đời cười" sẽ biểu diễn tại đó như một món quà tặng cho một nhà hát biểu diễn đẹp đẽ và sang trọng của thủ đô". Tham gia biểu diễn có toàn bộ các nghệ sĩ của Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ, với các tên tuổi như NSƯT Ngọc Huyền, Tú Oanh, Thanh Dương, Thanh Bình, Phan Hòa, Sỹ Tiến...

img
Cảnh trong tiểu phẩm "Chạy chức".

"Đời cười 11" có chủ đề "Chạy... chọt" với kịch bản của tác giả Lê Thanh Lê gồm 4 tiểu phẩm "Chạy chức", "Chạy trường", "Chạy nghèo" và "Cưới chạy". Nội dung các tiểu phẩm xoay quanh những tình huống bi hài trong đời sống từ gia đình tới xã hội, từ nông thôn ngày xưa tới nông thôn ngày nay. NSND Lê Hùng hào hứng giải thích: Cứ quan sát cuộc sống sẽ thấy, người Việt mình có thói quen "chạy" và sử dụng nó vào mọi tình huống, để được lợi, để thoát tội, để lên chức, để cải thiện tình hình... tất cả sẽ cùng "chạy" loạn lên như một đàn kiến chuẩn bị gặp mưa.

Đi kèm với quá trình vận động, "chạy chọt" sẽ là hàng loạt những chuyện bi hài. Nhà kia có anh con trai phải "cưới chạy bụng" đi kèm với "cưới chạy tang", bà cụ nọ 80 tuổi lưng còng vẫn phải chạy bở hơi tai lúc tờ mờ sáng để chắt nội có một chỗ trong trường mẫu giáo gần nhà.

Tất cả chúng ta đang tìm đủ mọi cách để sắp đặt sự việc theo ý của mình bằng cách "chạy", mê mải tới mức quên cả nhìn lại phía sau. Chúng tôi muốn khán giả ngồi quan sát cuộc chạy đua ấy bằng tâm trạng của một người vừa trong cuộc vừa ngoài cuộc, để cười xòa vui vẻ cùng nhau và rồi cùng suy ngẫm về cái sự "chạy".

Vẫn với ngôn ngữ hài hước trong phong cách dàn dựng đã làm nên thương hiệu "Đời cười" của Nhà hát Tuổi trẻ, chùm hài kịch "Chạy... chọt" sẽ vẫn khiến khán giả cười thỏa thuê với những lời thoại dí dỏm và cảnh huống hài hước mà các nghệ sĩ đã bỏ công tập luyện suốt mấy tháng nay. Đó cũng chính là cơ hội để các diễn viên khám phá khả năng diễn hài trong họ. Nữ diễn viên Phan Hòa- người thể hiện vai Hoa hậu Minh Phương xinh đẹp trong phim "Chạy án" cũng tham gia vào tiểu phẩm "Chạy trường" và bộc lộ khả năng "chọc cười" khá tốt của chị.

Lý điếc, xã câm... “chạy chức”

Nghệ sĩ Sĩ Tiến- trợ lý đạo diễn của "Chạy... chọt" cho biết: "Trong chùm tiểu phẩm lần này có hai tiểu phẩm nói về hương chức làng xã nông thôn thời xưa và cán bộ lãnh đạo xã thời nay. Đó là tiểu phẩm "Chạy chức" lấy cảm hứng từ trích đoạn "Việc làng" trong vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính” và tiểu phẩm "Chạy nghèo" nói về tình cảnh một xã nọ không muốn thoát nghèo vì mong được Nhà nước trợ cấp dài dài, đỡ lo làm ăn".

Xem các nghệ sĩ tung tẩy trên sàn tập mới thấy cái hài hước duyên dáng của những nhân vật hương chức làng xã xưa đã được khắc họa thật độc đáo, mang tới nụ cười thâm thúy cho khán giả khi chứng kiến các hương chức ở làng nọ thi nhau chạy... chức quan huyện. Các hương chức kẻ thì mù, người thì điếc, người lại câm... nhưng thi nhau "chạy" bằng đủ kiểu lạ đời để lọt mắt quan lớn về huyện nhà xét tuyển chức tri huyện.

"Chạy... chọt" sẽ công diễn lần đầu vào ngày 5.11 tới tại Nhà hát Tuổi trẻ, sau đó được biểu diễn vào ngày 13.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 4 tiểu phẩm trong chương trình đều do NSND Lê Hùng dàn dựng.

Giữa cái đám lý điếc xã câm ấy, vai diễn mẹ Đốp của nghệ sĩ Tú Oanh lại vô cùng linh lợi và giảo hoạt, chị giống như một người chủ trò, khiến cho tất thảy đám hương chức khệnh khạng của làng quê phải rơi tuột cái mặt nạ đạo đức giả mà lộ nguyên hình là lũ tham tiền, hám quyền, thối nát.

Từ chuyện xưa đến chuyện nay, ở tiểu phẩm "Chạy... nghèo", khán giả lại thấy một câu chuyện mới của nông thôn hôm nay, đó là những "ông quan" tân thời lười biếng. Thay vì làm thế nào để dân chúng thoát nghèo, các ông chỉ chăm chắm vào đục khoét, tham ô thật nhiều cho cái xã mình nghèo đi hòng mong được Nhà nước trợ cấp. Một chủ trương đúng đắn bị những "con sâu" lợi dụng để thu lợi cho mình, để mặc cho những người nông dân khốn khổ trên cánh đồng nghèo đói của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem