Một hợp tác xã ở Phú Thọ "hái" bộn tiền từ loại rau sạch ăn ngon, mọc tua tủa, đầu như đội chiếc ô

Mạnh Thuần - Hoan Nguyễn Thứ năm, ngày 02/11/2023 18:49 PM (GMT+7)
Mỗi năm, Hợp tác xã nấm Đồng Cam, xã Minh Tân (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) xuất bán ra thị trường 100 tấn nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi, mộc nhĩ, mang về tiền lãi hơn 300 triệu đồng.
Bình luận 0

Những ngày này, đến trại nấm của Hợp tác xã (HTX) nấm Đồng Cam do ông Nguyễn Đức Thành làm Giám đốc ở xã Minh Tân (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ), ai cũng thấy mãn nhãn với vựa nấm bụ bẫm, thoạt nhìn qua thì nó trông như những chiếc ô.

Một hợp tác xã thu bộn tiền từ trồng loại cây mọc tua tủa, như chiếc ô - Ảnh 1.

Mô hình trồng nấm thương phẩm, mỗi năm giúp cho ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX nấm Đồng Cam, xã Minh Tân (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) thu lãi hơn 300 triệu đồng. Ảnh: Mạnh Thuần

Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Thành vui vẻ cho biết, trang trồng nhiều loại nấm, nhiều nhất là nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi.

Theo ông Thành, từ năm 2004, một dự án trồng cây nấm đã được triển khai tại xã Đồng Cam (nay là xã Minh Tân). Lúc này, tham gia mô hình trồng nấm, bà con nông dân được hỗ trợ giống, kỹ thuật, vật liệu và cơ sở vật chất lán trại trong 5 năm.

"Quy mô manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ khó tính do người tiêu dùng chưa thật sự quen dùng sản phẩm nấm, nên sau 5 năm - khi hết được hỗ trợ, cũng là lúc người dân quay lưng với nghề trồng nấm.

Phải đến năm 2011, Hợp tác xã nấm Đồng Cam thành lập, thì nghề trồng nấm mới được vực dậy, tuy nhiên diện tích trồng nấm rất khiêm tốn", ông Thành nói.

Một hợp tác xã thu bộn tiền từ trồng loại cây mọc tua tủa, như chiếc ô - Ảnh 2.

Chú trọng kỹ thuật, cây trồng của HTX nấm Đồng Cam cho sản phẩm nấm thịt chắc, dày, thơm, ngọt. Thu hoạch đến đâu thì bán hết đến đó, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Mạnh Thuần

Vượt qua nhiều khó khăn, cho đến nay, HTX đã có 21 thành viên tham gia sản xuất trồng nấm trực tiếp. Quy mô trồng nấm ngày càng mở rộng với diện tích trại trồng lên đến hơn 3.000m2. Từ chủ yếu trồng nấm sò, HTX đã trồng thêm nhiều loại nấm khác như nấm mỡ, mộc nhĩ…

Theo ông Thành, đối với mỗi loại giống nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là cách ủ nguồn nguyên liệu. Đặc biệt, nguyên liệu phải được lựa chọn kĩ càng, sạch sẽ để chất lượng nấm đạt năng suất cao nhất.

Hiện nay, HTX nấm Đồng Cam thường trồng nấm sò, nấm mỡ từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau; nấm rơm trồng từ tháng 5 đến tháng 7; ngoài ra, đan xen trồng nấm linh chi, mộc nhĩ. Mỗi năm, HTX trồng hơn 50.000 bịch nấm các loại, mộc nhĩ.

Để nấm của HTX giữ vững chữ tín với khách hàng, ông Thành luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến theo hướng sạch, an toàn từ sử dụng thực phẩm hữu cơ để làm phôi nấm; trồng cấy giống nấm vào bịch; đến chăm sóc tưới bằng nước sạch, không dùng chất kích thích, thường xuyên khử khuẩn, diệt nấm mốc trong nhà trồng nấm. Nấm thương phẩm được bảo quản tại khu vực đáp ứng các điều kiện nhiệt độ, môi trường…

Một hợp tác xã thu bộn tiền từ trồng loại cây mọc tua tủa, như chiếc ô - Ảnh 3.

Ngoài bán nấm thương phẩm, HTX nấm Đồng Cam đẩy mạnh sản xuất phôi nấm giống, vừa để phục vụ việc sản xuất vừa để bán cho các hộ trồng nấm khác. Ảnh: Mạnh Thuần

Từ nhiều năm nay, đầu ra sản phẩm nấm của HTX chủ yếu là thị trường các chợ đầu mối tại Hà Nội, Phú Thọ, trong huyện. Mỗi năm, HTX nấm Đồng Cam xuất bán ra thị trường khoảng 100 tấn nguyên liệu nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi, mộc nhĩ chất lượng, an toàn. Sau khi trừ chi phí, thu về lãi hơn 300 triệu đồng.

"Trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác đến 3 lần, thị trường tiêu dùng nấm ngày càng cao. Thời gian tới, ngoài sản xuất phôi giống nấm, bán nấm thương phẩm, HTX sẽ nghiên cứu, đưa vào trồng những loại nấm cao sản có giá trị kinh tế cao như nấm đùi gà, nấm hoàng đế...

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sen Đỏ. Cố gắng xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ nuôi cấy giống đến tiêu thụ sản phẩm, tạo hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên trong HTX", ông Thành nhấn mạnh.

Từ chỗ chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, nghề trồng nấm tại xã Minh Tân đã dần trở thành nghề chính, mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ làm nghề; góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động nông thôn.

Để nghề trồng nấm trên địa bàn phát triển, được đăng ký thương hiệu, đầu ra cho các sản phẩm vào siêu thị lớn..., ông Nguyễn Đức Thành kiến nghị chính quyền địa phương tạo nhiều điều kiện, hỗ trợ cơ chế, chính sách, vốn để thu hút thêm nhiều người dân tham gia vào HTX sản xuất nấm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc quy hoạch khu sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các hộ làm nghề đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, khuyến khích họ tham gia các hội chợ xúc tiến quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường…

Nguyên liệu chính để làm phôi nấm là mùn cưa, rơm rạ, bông hạt. Bịch nấm được đóng từ 1,2 - 1,4kg, cấy giống trong bịch ươm sợi từ khoảng 30 ngày. Sau khi những sợi nấm đã ăn trắng bề mặt bịch, các bịch nấm sẽ được rạch bịch, tháo bao nilon bên ngoài và đưa đi xếp vào khay hoặc luống và được phủ kín bằng đất phơi khô. Kể từ ngày phủ đất khoảng 10 ngày nấm sẽ ra quả thể. Từ lúc nấm non nhú ra đến lúc thu hoạch kéo dài từ 5 - 10 ngày. Mỗi bịch nấm sẽ cho thu hoạch trong khoảng hơn 2 tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem