Hội viên nông dân tham gia thành lập hơn 22.000 mô hình kinh tế tập thể, doanh thu bình quân 5,5 tỷ đồng/năm

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 20/04/2024 14:08 PM (GMT+7)
Năm 2023, các cấp Hội Nông dân tiếp tục vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia thành lập mới 775 HTX và 4.163 tổ hợp tác trong nông nghiệp, trong đó các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP ngày càng tăng.
Bình luận 0

Thông tin này được ông Nguyễn Lâm Hồng, Phó Trưởng Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho biết tại Diễn đàn “Kinh tế tập thể và công bằng xã hội” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức, ngày 19/4.

Hội viên nông dân tham gia thành lập hơn 22.000 mô hình kinh tế tập thể, doanh thu bình quân 5,5 tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Diễn đàn “Kinh tế tập thể và công bằng xã hội” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức, ngày 19/4. Ảnh: Lê Huy

Hội viên nông dân tham gia thành lập hơn 22.000 mô hình KTTT

Theo ông Hồng, nông dân ngày càng thể hiện rõ nét vai trò quan trọng trong phát triển KTTT mà nòng cốt là HTX, qua đó không chỉ nâng cao đời sống vất chất, tinh thần của bản thân, gia đình mà còn góp phần phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước và công bằng xã hội.

Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định tham gia phát triển Tổ hợp tác, HTX nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hội đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT, HTX, khơi dậy tinh thần cần cù, sáng tạo, hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân.

Tính đến hết năm 2022, hội viên nông dân đã tham gia thành lập 22.374 mô hình KTTT hoạt động có hiệu quả, trong đó, có 2.398 HTX và 19.976 Tổ hợp tác trong nông nghiệp; doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt trên 5,5 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu, thu nhập bình quân của mỗi thành viên đạt 51,5 triệu đồng/năm.

Hội viên nông dân tham gia thành lập hơn 22.000 mô hình kinh tế tập thể, doanh thu bình quân 5,5 tỷ đồng/năm- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Lâm Hồng (thứ 3 từ trái vào), Phó Trưởng Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho biết, năm 2023, các cấp Hội Nông dân tiếp tục vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia thành lập mới 775 HTX và 4.163 Tổ hợp tác trong nông nghiệp. Ảnh: Lê Huy

Năm 2023, các cấp Hội Nông dân tiếp tục vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia thành lập mới 775 HTX và 4.163 Tổ hợp tác trong nông nghiệp, trong đó các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, nông dân cũng tích cực tham gia xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các dự án nhóm hộ; tham gia thành lập 3.165 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 72.673 hội viên, 26.419 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với trên 482.000 hội viên, tạo tiền đề để phát triển KTTT, HTX trong nông nghiệp.

Ông Hồng cho rằng, để tiếp tục phát huy vai trò của nông dân trong phát triển KTTT, HTX, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho nông dân về phát triển KTTT, HTX.

Thứ hai, tiếp tục có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia phát triển KTTT, HTX gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển KTTT, HTX.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, học vấn cho nông dân, các thành viên HTX để có đủ năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến.

Thứ năm, phát huy vai trò, sự phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong hỗ trợ nông dân tham gia phát triển KTTT, HTX.

Tham gia HTX để chia sẻ kĩ năng kinh doanh sản xuất, hỗ trợ đời sống khi gặp khó khăn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, phát triển KTTT luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX đã được ban hành; tổ chức bộ máy và công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX được củng cố. Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX các cấp được thành lập và hoạt động có hiệu quả, nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển từng bước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

HTX đã dần chứng tỏ là một trong những mô hình hiệu quả trong việc nâng cao an sinh xã hội giúp cho thành viên và người lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Với tinh thần "không có ai bị bỏ lại phía sau", HTX là nơi hỗ trợ thành viên thông qua các hoạt động chia sẻ kĩ năng kinh doanh sản xuất, hỗ trợ đời sống khi gặp khó khăn và duy trì các hoạt động văn hóa đặc trưng của địa phương.

Hội viên nông dân tham gia thành lập hơn 22.000 mô hình kinh tế tập thể, doanh thu bình quân 5,5 tỷ đồng/năm- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Lê Huy

Công bằng xã hội trong khu vực KTTT, HTX là một vấn đề quan trọng trong việc quản lý và phát triển các tổ chức này. Đây được xem là một nguyên tắc cơ bản để bảo đảm rằng mọi thành viên trong tổ chức được đối xử một cách công bằng, bình đẳng và có cơ hội tham gia vào các quyết định và chia sẻ lợi ích từ hoạt động của hợp tác xã.

Diễn đàn kinh tế tập thể và công bằng xã hội sẽ tập trung phân tích các vấn đề công bằng xã hội trong khu vực KTTT và HTX để góp phần tăng cường cam kết và đầu tư cần thiết, thúc đẩy công bằng xã hội, đẩy nhanh tiến độ hướng tới việc làm bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. 

Cùng với đó là thảo luận và đối thoại về cơ chế chính sách, khó khăn, thách thức và cơ hội của các cơ quan quản lý, hỗ trợ các loại hình HTX thực hiện công bằng xã hội trong sản xuất, tiếp cận nguồn lực, tìm kiếm thị trường, tạo việc làm bền vững và thỏa đáng, có lao động phù hợp và phòng ngừa lao động trẻ em.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe một số bài tham luận với các vấn đề như: Vai trò của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển KTTT, HTX; Giới thiệu những sáng kiến của ILO về công bằng xã hội; Luật HTX năm 2023 với vấn đề công bằng xã hội trong khu vực KTTT, HTX; Vai trò của phụ nữ trong phát triển KTTT, HTX.

Hội viên nông dân tham gia thành lập hơn 22.000 mô hình kinh tế tập thể, doanh thu bình quân 5,5 tỷ đồng/năm- Ảnh 4.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam cho hay, khu vực KTTT, HTX nhìn chung vẫn đang gặp những khó khăn nhất định trong phát huy tính công bằng xã hội. Ảnh: Lê Huy

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, các HTX đang đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế xã hội của Việt Nam. Để làm được điều đó, HTX cần một môi trường thuận lợi cả ở bên trong và bên ngoài. Một số yếu tố thuận lợi đã xuất hiện, cụ thể là Luật HTX 2023 đã được thông qua và có hiệu lực vào 1/7/2024.

Hiện nay, nhiều HTX thể hiện quyền năng công bằng khi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các bạn trẻ, người dân tộc thiểu số, phụ nữ tham gia mô hình kinh tế tập thể, giúp họ trở thành người làm chủ kinh tế gia đình, đóng vai trò quan trọng trong xã hội.

Tuy nhiên, nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn đang gặp những khó khăn nhất định trong phát huy tính công bằng xã hội. Đặc biệt, các HTX có phụ nữ quản lý, tham gia vẫn có quy mô nhỏ nên việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, các HTX đông phụ nữ đang có những bất lợi nhất định trong ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư khoa học công nghệ. Các lao động nữ trong HTX được đào tạo vẫn còn hạn chế.

Hệ thống chính sách pháp luật đóng vai trò quan trọng nhất

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trường Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Minh Hải (huyện Hải Hậu, Nam Định) cho biết, trải qua quá trình hoạt động, các thành viên HTX hiểu rằng HTX chính là tổ chức kinh tế tự giác, tự quản, bình đẳng, dân chủ, cùng giúp đỡ nhau làm ăn để tăng thu nhập, cải thiện mọi mặt đời sống của thành viên và cả cộng đồng tại địa phương. 

Cụ thể, HTX Minh Hải và các HTX khác đang góp phần không nhỏ giúp huyện Hải Hậu trở thành địa phương đầu tiên của cả nước về đích huyện nông thôn mới cùng với tỉnh Nam Định là một trong hai tỉnh về đích nông thôn mới đầu tiên của các nước vào năm 2019.

“HTX chúng tôi chính là nơi để đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu văn hóa, kinh tế xã hội của thành viên và cộng đồng theo nguyên tắc tương trợ mà các tổ chức kinh tế khác khó thực hiện được”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, để yếu tố công bằng xã hội đi vào thực tiễn của các HTX thành công như hiện nay, một trong những nền tảng quan trọng đó chính là hệ thống chính sách pháp luật. Trong đó có hệ thống Luật HTX. Ngay như thay đổi từ việc chuyển từ xã viên sang thành viên, từ chủ nhiệm sang giám đốc HTX, ban chủ nhiệm HTX thành Hội đồng quản trị HTX đã tạo ra tính tập thể, công bằng cho các thành viên trong HTX, hướng đến thể hiện đầy đủ bản chất của mô hình KTTT.

Còn bà Hà Thị Ngọc Điệp, Giám đốc HTX thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ) thì cho hay, HTX đang nằm trên địa bàn miền núi nên thành viên phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. 90% thành viên là phụ nữ nên việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn. Nếu có các dự án, chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận công nghệ thông tin hiệu quả thì HTX sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong phát triển gắn với công bằng xã hội như tạo việc làm, hỗ trợ thành viên giảm nghèo, bình đẳng giới…

Luật HTX 2023 đang hướng đến những nhóm chính sách tạo điều kiện cho những thành viên chịu thiệt thòi, bất lợi khi tham gia HTX; đưa ra các nguyên tắc để đảm bảo khu vực kinh tế tập thể, HTX hoạt động công bằng, bình đẳng với các khu vực khác. Ngoài ra, Luật HTX 2023 đã có những chính sách ưu tiên đối với các HTX vùng sâu vùng xa, HTX có đông phụ nữ, HTX có người điều hành quản lý là phụ nữ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem