Lấy ý kiến góp ý "Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp"

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 04/07/2023 17:58 PM (GMT+7)
Ngày 4/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân dự và chủ trì Hội thảo.
Bình luận 0

Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố. 

Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể

Phát biểu tại Hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Các cấp Hội Nông dân đã chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo phương thức "5 tự, 5 cùng", góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030". Ảnh: Đức Thịnh.

Đến nay cả nước đã có 3.645 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 11.594 hội viên, 36.363 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 482.362 hội viên. Đây là đơn vị hành động, cầu nối giữa cơ sở Hội với hội viên nông dân được tổ chức theo thôn, bản, làng, khu phố và theo nghề nghiệp. Qua đó, tập hợp thu hút hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ, tạo tiền điền phát triển kinh tế tập thể, HTX ở địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực.

Đến hết năm 2022, các cấp Hội Nông dân đã vận động, hỗ trợ hướng dẫn thành lập 22.374 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có 2.398 HTX nông nghiệp và 19.976 tổ hợp tác nông nghiệp. Trong đó, có trên 700 HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%); các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng. Nhiều HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Thịnh.

Theo Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì quy mô các HTX còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác.

"Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do vai trò của Hội tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX chưa được quan tâm thể chế hoá trong quy định của pháp luật; nguồn lực dành cho các cấp Hội Nông dân trong tổ chức các hoạt động tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế" - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, theo đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" trình Thủ tướng Chính phủ.

Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng, thiết thực để cho tổ chức Hội Nông dân các cấp tiếp tục khẳng định được vai trò của Hội trong trực tiếp tổ chức vận động thành lập các mô hình kinh tế tập thể.

Để hoàn thiện hồ sơ Đề án, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đề nghị các đại biểu tham gia tại Hội thảo tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề trọng tâm. Đó là, làm rõ các quan điểm của Đề án, sự phù hợp, cụ thể hoá các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tập thể; mục tiêu của Đề án, tính khả thi của các chỉ tiêu cụ thể trong Đề án; sự phù hợp, tính khả thi của các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đáp ứng được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của Đề án.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Ảnh: Đức Thịnh

Nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ cho các HTX

Từ điểm cầu Hà Tĩnh, tham gia góp ý tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đồng tình thống nhất cao với việc xây dựng và ban hành Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030. Dự thảo đề án đã bám sát, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội Nông dân.

Về cơ bản Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh nhất trí với nội dung, bố cục của dự thảo Đề án; bố cục, nội dung khoa học, rõ ràng; phù hợp với thực tiễn.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh đã có nhiều góp ý xác đáng, cụ thể đối với dự thảo Đề án. Cụ thể: Về tiêu đề, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung thêm mốc thời gian Hội Nông dân Việt Nam tham gia đề án, cụ thể từ năm nào đến năm 2030 (từ năm 2023 đến năm 2030)

Tại Mục 1 phần II. Cơ sở thực tiễn: Những kết quả đạt được của các cấp Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cần làm rõ số lượng HTX do các cấp Hội vận động thành lập đến nay có bao nhiêu HTX hoạt động đúng với luật HTX năm 2012? có bao nhiêu HTX phát triển lên doanh nghiệp? Những đóng góp của các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Bà Thuỷ cũng cho rằng cần đánh giá thêm có bao nhiêu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đã và đang tham gia các THT, HTX; còn bao nhiêu hộ chưa tham gia; nguyên nhân vì sao?

"Hiện nay tổng số lượng HTX do Hội Nông dân các cấp thành lập chiếm bao nhiêu % tổng số HTX trong cả nước? Bao nhiêu % thành viên HTX do hội thành lập đã được đào tạo, tập huấn, … Hội Nông dân cần có những đánh giá cụ thể"- bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp - Ảnh 4.

Mô hình trồng dưa lưới của HTX rau, củ, quả Thạch Hạ, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tập Thoả.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, tại Phần II, mục 2. Mục tiêu cụ thể dự thảo Đề án vẫn đang chủ yếu đề ra về phát triển số lượng, chưa có các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng HTX, THT do Hội Nông dân vận động thành lập.

"Mục tiêu đến 2025: Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp do Hội ND hỗ trợ thành lập có trình độ cao đẳng trở lên đạt tối thiểu 20%. Thực tế hiện nay nhiều cán bộ quản lý HTX nông nghiệp là người không được đào tạo hoặc có trình độ đại học trở lên (ví dụ như hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi…). Mặt khác, nếu cán bộ quản lý HTX chưa được đào tạo thì đến 2025 không đủ thời gian đào tạo. Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu cụ thể này cho phù hợp thực tiễn" - Bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm của Hội Nông dân Hà Tĩnh, bà Lê Thị Thanh Nhàn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho rằng, dự thảo Đề án cần bổ sung thêm 1 hạn chế. Đó là đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ Hội ở cơ sở luôn có sự biến động; kỹ năng, năng lực vận động quần chúng còn hạn chế nên việc hướng dẫn, tổ chực hiện nhiệm vụ công tác hội nói chúng. Nhiệm vụ thành lâp các THT, HTX còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.

"Đơn vị tôi phụ trách Hội Nông dân 1 huyện trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 có 17 đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch ở 23 cơ sở Hội luân chuyển; việc sắp xếp đề án vị trí việc làm cũng dẫn đến công tác sắp xếp luôn chuyển cán bộ,…"- Bà Lê Thị Thanh Nhàn cho biết thêm.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn cũng cơ bản nhất trí với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong dự thải của đề án. Tuy nhiên tại trang 16 phần b, mục tiêu cụ thể "Đến năm 2025: khổ đầu tiên nên bổ sung thêm cụm từ phối hợp với Liên Minh các HTX để hỗ trợ thành lập mới ít nhất 600 HTX nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tiến Định – đại diện Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NNPTNT, Hội Nông dân cần đưa ra các số liệu cụ thể để đánh giá, phân tích. Hội Nông dân cần số liệu đánh giá có bao nhiêu HTX, THT do Hội Nông dân thành lập hoạt động hiệu quả và HTX hoạt động không hiệu quả, không đúng với luật HTX 2012, phải giải thể. Bổ sung hạn chế, việc ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số còn chậm, năng lực quản trị của HĐQT, Ban giám đốc không cao. Hầu hết các HTX được thành lập từ trước tới nay chủ yếu là HTX sản xuất; HTX dịch vụ đầu vào; chưa có quan tâm hỗ trợ nhiều đến thành lập HTX dịch vụ chế biến sâu và HTX dịch vụ đầu ra sản phẩm…

Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu đã đóng góp những ý kiến xác đáng, thiết thực cho dự thảo Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030". Những ý kiến đóng góp của các đại biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực để trình Thủ tướng Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem