Học sinh miền núi “dài cổ” chờ tiền trợ cấp

Thứ ba, ngày 07/05/2013 16:41 PM (GMT+7)
Dân Việt - Tính đến thời điểm này, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm học 2012-2013 nhưng gần 20.000 học sinh (HS) huyện miền núi Thường Xuân, Thanh Hóa, đang thụ hưởng chính sách Chương trình 30a của Chính phủ vẫn đang phải “dài cổ” chờ tiền trợ cấp.
Bình luận 0

Năm nào cũng “dài cổ” chờ

Chúng tôi đến thăm trường tiểu học và Trường phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, (Xuân Chinh là một trong bốn xã xa và nghèo nhất của huyện Thường Xuân), đúng vào thời điểm nghỉ trưa của các em.

Đa số học sinh ở bán trú của ngôi trường này chủ yếu là người dân tộc Thái, từ nhà đến trường xa, có em cách trường hơn 8km đường rừng.

Khu bán trú của ngôi trường này được xây dựng từ sự đóng góp của UBND xã và cán bộ giáo viên. Do kinh phí hạn hẹp, nên nhà trường chỉ ưu tiên cho 40 học sinh cách trường xa nhất được ở khu bán trú. Trong khi đó, nhu cầu ở bán trú của trường là 125 học sinh, nên các em phải ở trọ trong nhà dân.

 img
Dãy nhà ở bán trú của các em HS Trường PTDTBT-THCS Xuân Chinh, Thường Xuân (Thanh Hóa).

Em Lương Thị Mạnh, học sinh lớp 8A, Trường PTDTBT-THCS Xuân Chinh, cho biết: Phòng em có 12 bạn, với 6 chiếc giường nhỏ, mùa nắng hai người nằm một giường chật và nóng lắm. Các em phải tự lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày trong số tiền ít ỏi mà bố mẹ đã cho.

Khi hỏi các em về số tiền trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, và cấp tiền hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh bậc phổ thông theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ trợ học sinh bán trú vùng đặc biệt khó khăn, mới biết đến nay các em vẫn chưa được nhận (theo chế độ của năm học này).

Tìm hiểu tại hai trường THPT và Tiểu học Xuân Chinh cũng như các hộ dân, chúng tôi được biết, các năm học vừa qua, năm nào việc cấp tiền hỗ nêu trên cũng chậm.

Thầy giáo Cầm Bá Nghệ - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Xuân Chinh, cho hay: Các em học sinh ở đây vô cùng khó khăn, vất vả và vẫn còn nhiều thiếu thốn. Trong khi đó tiền trợ cấp cuối năm mới được truy lĩnh.

“Không riêng gì số tiền trợ cấp theo QĐ số 85/2010/ QĐ-TTg, mà còn cả tiền trợ cấp theo NĐ 49/2010/NĐ-CP, hỗ trợ học sinh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, cũng nằm trong tình trạng chậm như vậy. Toàn trường có 161 học sinh được hưởng theo QĐ 49 với 70.000đồng/tháng/học sinh và 125 học sinh thuộc diện bán trú cũng đang phải chờ”, thầy Nghệ nói.

Còn thầy giáo Hà Xuân Sang - Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Chinh, cho biết: Năm học 2012-2013, nhà trường có 77 học sinh bán trú được hưởng trợ cấp theo quyết định 85, với mức hỗ trợ tiền ăn hằng tháng bằng 40% mức lương tối thiểu (hơn 400.000 đồng/tháng) và 129 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập theo nghị định 49 với mức 70.000 đồng/người/tháng.

“Trường đã hoàn tất thủ tục hồ sơ, nộp lên cấp trên từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp của Nhà nước. Từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của các em, nhất là các em thuộc hộ đói nghèo. Nhiều trường hợp, hết năm bố mẹ học sinh lấy tiền trợ cấp rồi bắt con nghỉ học. Cũng có những học sinh vì hàng tháng không có tiền sinh hoạt, phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ lên rừng làm rẫy”- thầy Sang nói.

Chậm là do khâu quyết toán ở xã

Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc cấp tiền hỗ trợ của Nhà nước đến tay học sinh ở huyện Thường Xuân thời gian qua thường chậm, dẫn đến hệ lụy là lúc nhận được tiền (thường là gộp số tiền trợ cấp nhiều tháng). Vì vậy, nhiều phụ huynh khi nhận được tiền trợ cấp của con em mình, họ đã không dùng chi phí cho việc học hành của con, em mà dùng để mua đồ dùng thiết yếu cho gia đình. Nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nhận được tiền hỗ trợ kịp thời trong năm học đành bỏ học để phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy.

Làm việc với NTNN, ông Nguyễn Thanh Phương - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thường Xuân, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc cấp tiền hỗ trợ chậm là do các xã làm thủ tục thanh, quyết toán của năm học trước quá chậm, ảnh hưởng đến việc cấp tiền hỗ trợ học sinh năm học này.

Theo quan điểm ông phương, đối với các khoản tiền Nhà nước trợ cấp cho học sinh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nêu trên, thì nên giao cho các nhà trường làm hồ sơ, thủ tục, cấp phát cho học sinh, sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn, chứ không nên để cho UBND xã làm công việc này.

“Nhiều xã làm hồ sơ, danh sách học sinh chuyển lên huyện chậm so với tiến độ, cũng như việc hoàn tất hồ sơ thanh, quyết toán của kỳ nhận trước quá chậm nên ảnh hưởng đến việc chuyển tiền về cho học sinh. Chúng tôi đang khẩn trương đốc thúc các xã nộp hồ sơ về huyện để chuyển tiền hỗ trợ của Nhà nước về UBND các xã, cấp cho phụ huynh học sinh, chậm nhất là đến cuối tháng 5 này.”- ông Phươnng nói.

Còn ông Cầm Bá Đứng - Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cũng cho rằng, việc cấp tiền hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh trên địa bàn huyện trong năm học 2012-2013 là chậm, vì do khâu lập danh sách, hồ sơ ở phía các UBND xã.

“Ngày 3.5 vừa qua, chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo phòng tài chính, phòng LĐ-TB&XH, phòng GD-ĐT phải nhanh chóng hoàn tất thủ tục hồ sơ, sớm chuyển tiền xuống các xã, nhà trường để cấp cho học sinh”- ông Đứng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem