HLV Ngô Quang Trường đánh học trò U15 SLNA: Đạo đức thể thao và vai trò của người thầy

Trần Oánh Thứ tư, ngày 23/08/2023 21:10 PM (GMT+7)
Thể thao thành tích cao không chỉ đòi hỏi tính chuyên nghiệp, mà để vươn lên đến đỉnh cao, nó còn đòi hỏi VĐV phải có đạo đức thể thao nữa. Và những bài giảng về đạo đức giá trị nhất chính là những sự điều chỉnh hành vi kịp thời, cụ thể chứ không phải là những lời rao giảng hàng ngày.
Bình luận 0

Cái gõ đầu kịp thời của HLV Ngô Quang Trường

Ngày 21/8 trên SVĐ Bà Rịa Vũng Tàu, trong khuôn khổ giải U15 Quốc Gia 2023, trận bán kết diễn ra giữa đương kim vô địch U15 SLNA gặp U15 Viettel. Phút 65 của trận đấu, cầu thủ Trần Đông Thức nâng tỷ số lên 3-2 cho U15 SLNA. Trong khi các đồng đội của anh cùng nhau ăn mừng bàn thắng ở cuối sân, thì hậu vệ Ngô Anh Đức lại chạy tới trước khu kỹ thuật U15 Viettel và làm động tác ăn mừng.

Điều này làm cho HLV Ngô Quang Trường giận dữ. Từ khu kỹ thuật U15 SLNA, ông lập tức chạy sang và trừng phạt hành vi khiêu khích đối phương của học trò bằng cách dùng chai nước rỗng gõ vào đầu hậu vệ Anh Đức. Các cầu thủ U15 SLNA chạy tới can ngăn, ngay cả HLV Nguyễn Thăng Long của Viettel cũng can thiệp để HLV Quang Trường thôi trừng phạt học trò. Sau trận đấu, HLV Ngô Quang Trường đã chủ động sang khu kỹ thuật của U15 Viettel bắt tay xin lỗi BHL đội bạn và nhận được thái độ thông cảm đầy thân thiện của HLV U15 Viettel Nguyễn Thăng Long cũng như trưởng đoàn Nguyễn Hải Biên, là những cầu thủ cùng thời với ông.

Đạo đức thể thao của VĐV và vai trò của người thầy. - Ảnh 1.

HLV Ngô Quang Trường nhận được cái bắt tay đầy thông cảm của HLV Nguyễn Hải Biên.

Nếu HLV Ngô Quang Trường không nghiêm khắc với thái độ xấu của học trò trong tình huống đó, thì không chỉ rất có thể xảy ra câu chuyện "Trẻ con làm mất lòng người lớn", mà nó còn như sự dung túng cho những thói quen, hành vi xấu, phi thể thao. Đây không chỉ là bài học cho riêng cá nhân cầu thủ trẻ Ngô Anh Đức, mà là bài học về sự tôn trọng đối phương, tôn trọng bản thân của cả lứa cầu thủ U15 SLNA này. Và những bài giảng về đạo đức giá trị nhất chính là những điều chỉnh hành vi kịp thời, cụ thể chứ không phải là những lời rao giảng hàng ngày.

Hẳn chúng ta còn nhớ, vụ ẩu đả trong trận chung kết SEA Games 32 giữa 2 đội U22 Thái Lan và U22 Indonesia. Đây là trận đấu được đánh giá là vết nhơ của bóng đá Đông Nam Á và của cả châu Á khi cầu thủ và thành viên BHL của 2 đội lao vào nhau ẩu đả.

HLV Ngô Quang Trường đánh học trò U15 SLNA: Đạo đức thể thao và vai trò của người thầy - Ảnh 2.

Trận ẩu đả đáng xấu hổ của U22 Thái Lan và U22 Indonesia.

Mọi rắc rối dẫn đến ẩu đả giữa các thành viên hai đội cũng xuất phát từ việc một số thành viên của đội U22 Indonesia chạy sang khu vực kỹ thuật của U22 Thái Lan ăn mừng khiêu khích sau khi chân sút Jauhari của U22 Indonesia bất ngờ ghi bàn ở phút đầu tiên của hiệp phụ. Cầu thủ U22 Thái Lan và U22 Indonesia cả chính thức lẫn dự bị cùng nhiều thành viên khác lao vào nhau như những con thiêu thân, trong lúc tiếng còi của trọng tài cũng trở nên vô dụng. Sau trận đấu, Ủy ban Kỷ luật và Đạo đức của AFC đã đưa ra hàng loạt án phạt nghiêm khắc dành cho cả 2 đội bóng.

Bóng đá là một môn thể thao có tính đối kháng mạnh mẽ. Xây dựng thói quen kiểm soát cảm xúc và hành vi là điều hết sức cần thiết đối với các cầu thủ chuyên nghiệp. Mà thói quen lại là kết quả của quá trình rèn luyện, tu dưỡng lặp đi lặp lại, nhất là từ khi còn là những vận động viên trẻ. Và nó là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng đạo đức thể thao trong mỗi vận động viên.

Việc HLV Ngô Quang Trường nghiêm khắc với học trò trong hành vi biểu lộ thái độ xấu là hết sức cần thiết và đáng khen ngợi. Vì thể thao thành tích cao không chỉ đòi hỏi tính chuyên nghiệp, mà để vươn lên đến đỉnh cao của thể thao, nó còn đòi hỏi VĐV phải có đạo đức thể thao nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem