Hiệu quả từ Dự án Lifsap Đồng Nai

Thứ hai, ngày 30/09/2013 09:17 AM (GMT+7)
Khởi động từ năm 2010, đến nay Dự án Lifsap (Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) tại Đồng Nai đã bắt đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Bình luận 0
Hiện mô hình khuyến khích thực hành chăn nuôi trong vùng ưu tiên (gọi tắt là vùng GAHP) tại Đồng Nai đã bắt đầu phát huy hiệu quả, hứa hẹn sẽ là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế đối với những hộ chăn nuôi heo có quy mô nhỏ. Xây dựng vùng GAHP là một trong các tiểu hợp phần của Dự án cạnh Lifsap nhằm hướng chăn nuôi nông hộ theo lối phát triển bền vững đảm bảo an toàn dịch bệnh.

img


Xây dựng vùng GAHP

Điển hình là trại heo của ông Mai Văn Lập ở xã Xuân Lập (TX.Long Khánh) có quy mô khoảng 50 con. Vào năm 2010, khi nghe Ban Quản lý dự án Lifsap Đồng Nai triển khai xây dựng các nhóm GAHP tại địa phương, ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Nhờ được chuyển giao những kỹ thuật nuôi heo tiên tiến nên từ đó đến nay, trại heo của ông đã không còn bị dịch bệnh, thu nhập từ đàn heo nhờ đó cũng ổn định hơn. Ông Lập chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình, tôi luôn được cán bộ tập huấn các kỹ thuật nuôi heo phù hợp nhất, vì thế đàn heo luôn khỏe mạnh, lớn nhanh và cho thu nhập cao”.

Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hộ chăn nuôi heo có quy mô nông hộ, đối tượng chính mà Ban Quản lý dự án Lifsap hướng đến để hỗ trợ kinh phí xây dựng các nhóm GAHP chính là các hộ nuôi heo có quy mô từ 100 con trở xuống. Đến nay, dự án Lifsap Đồng Nai đã xây dựng được 52 nhóm GAHP, mỗi nhóm có khoảng 20 thành viên. Hình thức chia nhóm này không chỉ tạo điều kiện để các thành viên có dịp trao đổi kinh nghiệm, mà còn là tiền đề tạo ra chuỗi tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa nông dân và lò mổ, qua đó hạn chế khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc ban Quản lý dự án Lifsap Đồng Nai, cho biết từ cuối năm 2010 đến nay, dự án đã nâng cấp và đưa vào sử dụng 17 khu chợ bán thực phẩm tươi sống an toàn, với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng và 5 chợ đang thi công xây dựng. Nguồn vốn trên do Chính phủ tài trợ, dựa trên nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới. Dự kiến đến cuối dự án, có 34 chợ thực phẩm được dự án đầu tư đi vào hoạt động. Theo đó sẽ có khoảng 1.700 hộ tiểu thương sẽ hưởng lợi từ dự án, cung cấp ra thị trường gần 50 tấn thịt an toàn/ngày.

“Trước đây chăn nuôi nhỏ lẻ các hộ hay bị ép giá. Nay nếu như 20 người trong một nhóm có kế hoạch phân kỳ thời gian chăn nuôi từng lứa heo, đảm bảo một số lượng cung cấp nhất định để làm hợp đồng trực tiếp, hạn chế được khâu trung gian, số tiền lời này sẽ vào túi nông dân và giá bán cũng sẽ cao, ổn định hơn” - ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết.

Nếu các địa phương cùng phối hợp với Ban Quản lý dự án Lifsap triển khai nhân rộng hiệu quả nhóm GAHP thì đây sẽ là chìa khóa để các hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ tiếp cận được với một hình thức chăn nuôi ổn định, từng bước hình thành vùng chăn nuôi theo hướng VietGAHP, cung cấp ra thị trường các loại thực phẩm sạch, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc.


img

Nhân rộng lò giết mổ tập trung

Đồng Nai hiện có 172 cơ sở giết mổ được kiểm soát (trong đó 3 cơ sở xây dựng đúng quy hoạch được dự án Lifsap hỗ trợ). Để đảm bảo thương hiệu thịt heo Đồng Nai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, Dự án Lifsap sẽ tham gia hỗ trợ nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, việc kêu gọi xây dựng cơ sở giết mổ rất khó, do hoạt động này đòi hỏi đầu tư lớn, các hạng mục công trình bảo đảm công nghệ mổ treo, hệ thống xử lý chất thải phải theo chuẩn quy định... Do đó, dù được dự án hỗ trợ 30 ngàn USD/cơ sở nhưng các nhà đầu tư vẫn “ngán” vì rủi ro cao. Nếu địa phương quản lý giết mổ không tốt sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các cơ sở này. Muốn việc đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung đúng yêu cầu, đạt hiệu quả, các địa phương cần tích cực trong công tác dẹp các lò giết mổ lậu và các lò không đạt chuẩn.

Chợ thực phẩm tươi sống

Trước đây, “chợ thực phẩm tươi sống” là một cụm từ còn xa lạ đối với cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi Ban Quản lý dự án Lifsap Đồng Nai nâng cấp và đưa vào sử dụng nhiều khu bán thực phẩm tươi sống, thì đây là điểm đến an toàn khi có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tươi sống.

Đến với các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, điều khiến không ít người bất ngờ là nhiều khu bán thực phẩm tươi sống đã được xây dựng khang trang, hợp vệ sinh. Đây chính là kết quả của tiểu hợp phần nâng cấp các chợ thực phẩm mà dự án Lifsap Đồng Nai triển khai xây dựng. Toàn bộ các khu chợ xây dựng theo mô hình này đều được trang bị hệ thống cấp, thoát nước đồng bộ. Nhờ đó, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường cũng luôn được đảm bảo…

img


Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, tiểu thương chợ Phú Lộc (huyện Tân Phú), cho biết: “Từ khi được Dự án Lifsap hỗ trợ xây dựng mới, tôi thấy công việc buôn bán tốt hơn, vì người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng của thực phẩm”.

Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các chợ thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống là một trong những tiểu hợp phần quan trọng của Dự án Lifsap. Bởi, không chỉ mang lại sự thông thoáng, sạch sẽ cho cảnh quan, môi trường ở các khu vực bán thực phẩm tươi sống tại các chợ, tiểu hợp phần này còn là một giải pháp hữu hiệu trong việc bảo đảm vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
P.V (P.V)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem