Hãy yên nghỉ nhé anh - nhà báo Nguyễn Thước!

Nguyễn Thị Nhũ Thứ hai, ngày 07/11/2022 08:18 AM (GMT+7)
Đầu năm 1996, từ một tỉnh miền núi, tôi có quyết định điều động về Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN), có trụ sở ở 13 Thuỵ Khuê Hà Nội. Vừa về đến Hà Nội buổi chiều, 4 giờ sáng hôm sau, tôi có chuyến công tác dài ngày với Tổng biên tập (TBT) Nguyễn Thước và một phóng viên nữa.
Bình luận 0

Sau này tôi mới biết được, dụng ý của Ban Biên tập lúc đó là cho tôi làm quan sát viên (người học việc) làm công tác phát hành, đưa tờ báo đến các địa phương trong khắp cả nước. Trước khi về Báo NTNN, tôi làm trong ngành giáo dục nên công việc này đối với tôi là vô cùng mới mẻ và lạ lẫm.

Dọc đường từ Hà Nội vào đến Đà Nẵng, đoàn công tác của chúng tôi ghé vào tất cả các tỉnh trên đường đi. Tỉnh nào tôi cũng thấy Tổng biên tập Nguyễn Thước cứ "nhè" trụ sở UBND tỉnh hoặc Tỉnh ủy mà vào. Trên đường đi, nghe ông nói chuyện, tôi mới vỡ lẽ vì sao đoàn của một tờ báo của nông dân mà lại toàn làm việc với Tỉnh ủy và UBND. Thì ra "thâm ý" của ông nằm ở chỗ: Vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân hiện nay dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ, cởi trói thì mới phát triển được. Mà muốn cởi trói, tháo gỡ vướng mắc thì ở các địa phương phải là hai cơ quan đầu não của chính quyền và Tỉnh ủy. Thế là tôi dã học được bài học đầu tiên.

Nhớ một chuyến công tác cùng Tổng Biên tập Nguyễn Thước - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Thước (thứ 2 từ trái) khi là TBT Báo NTNN, và một số cán bộ của báo (từ trái): Trần Lê Tuấn, Võ Mai Nhung, Nguyễn Thị Nhũ. Ảnh: T.L

Chúng tôi - mấy người đã từng làm việc ở Báo NTNN vừa mới rủ nhau, hôm nào rảnh sẽ về quê thăm bác Thước. Điều này mãi mãi sẽ không thực hiện được nữa rồi.

Hãy yên nghỉ nhé - người anh hiền lành, người TBT luôn đau đáu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Đến đâu tôi cũng thấy TBT Nguyễn Thước say sưa nói về nông nghiệp, nông thôn và nông dân cứ như chính ông là thủ lĩnh của nông dân vậy. Sau này tôi mới biết, ông là một cán bộ trưởng thành từ cơ sở, từ phong trào hợp tác xã rồi lên đến tận cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Và rồi, khi khuyết chức danh TBT Báo NTNN, thấy ông là người viết lách tốt, Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã cử ông đảm nhận chức vụ này.

Lại nói về chuyến công tác, vào đến Huế, tôi thấy TBT Nguyễn Thước thay đổi "chiến thuật". Thay vì làm việc với hai cơ quan đầu não của tỉnh rồi mới xuống cơ sở như các tỉnh khác thì ông cho chúng tôi xuống huyện A Lưới "nắm" tình hình rồi mới về xin làm việc với Tỉnh ủy và UBND. Lần này, ngoài việc "nắm" tình hình thực hiện chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân của địa phương, chúng tôi còn đến thăm người anh hùng Hồ Kan Lịch. Anh hùng Kan Lịch - người con gái Pa Cô, là người được phong Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên ở dải Trường Sơn vì thành tích dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ.

Hoàn toàn khác với hình dung của chúng tôi, vợ chồng Kan Lịch cùng các con khi đó sống trong một ngôi nhà lụp xụp, khốn khó.

img

Đồng chí Nguyễn Thước. Ảnh: G.Đ

TIN BUỒN

Đồng chí Nguyễn Thước - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của T.Ư Hội NDVN, nguyên Tổng Biên tập Báo NTNN (giai đoạn 1995 - 1998), sinh ngày: 18/2/1939, do tuổi cao sức yếu, đã từ trần lúc 17 giờ 5 phút ngày 5/11/2022 (tức 12 tháng 10 năm Nhâm Dần)

Lễ viếng đồng chí Nguyễn Thước bắt đầu từ lúc 7 giờ 30 ngày Chủ nhật 6/11/2022 (13 tháng 10 năm Nhâm Dần), tại nhà riêng ở thôn Lê Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 7 giờ 20 ngày 7/11/2022 (14 tháng 10 năm Nhâm Dần); an táng tại nghĩa trang quê nhà: thôn Lê Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Sau khi có sự phản ánh trực tiếp của chúng tôi đến Tỉnh ủy và UBND tỉnh, và nhất là sau bài báo về Hồ Kan Lịch được đăng trên Báo NTNN, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các ban ngành để rồi đến năm 1997, UBND huyện A Lưới đã cấp cho gia đình Hồ Kan Lịch một mảnh đất 249m2 tại thị trấn A Lưới và hỗ trợ cho gia đình 15 triệu đồng để làm nhà. Tôi được biết, sau bài báo, nhiều cơ quan và tổ chức cá nhân đã góp tiền đủ xây một ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình người anh hùng.

TBT Nguyễn Thước bảo với tôi: "Ngoài nhiệm vụ chính, những nhà báo chúng ta không thể làm ngơ trước những mảnh đời".

Tôi thấy ông rất vui trước kết quả này. Hôm họp toàn cơ quan, ông tuyên dương người phóng viên đã viết bài báo và tuyên dương cả tôi, tuy tôi chả có thành tích gì lớn trong chuyến công tác đó.

Cũng trong chuyến công tác này, chúng tôi có đến thăm Nhà máy bia Huda ở Huế. Tôi còn nhớ tiếp chúng tôi hôm ấy là một người đàn ông (nhưng không nhớ chức danh của anh ta là gì). Ngay câu đầu, anh ta đã hỏi: Các anh chị đến có việc gì? Mà chúng tôi có liên quan gì đến Báo NTNN đâu nhỉ?

Là một người rất điềm tĩnh và hiền lành, hôm ấy, TBT Nguyễn Thước cũng "nóng gáy" khi trả lời anh cán bộ kia. Ông lôi hết nghị quyết nọ, chính sách kia ra để đáp trả đến nỗi tay cán bộ ấy phải xin lỗi mới thôi.

Tôi còn nhớ mãi một lần, TBT Nguyễn Thước gọi tôi đi dự một hội nghị cùng ông ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Hội nghị hôm ấy tặng một túi quà và phong bì 300.000 đồng cho đại biểu chính thức, còn phóng viên là tôi không có tiêu chuẩn. Lúc lên xe, ông bóc phong bì ra xem rồi chia đều cho tôi và cả lái xe.

Hôm nay, nghe tin ông mất, tôi rụng rời không dám tin là thật vì mới vài hôm trước thôi, ông còn bình luận khen ngợi một cái ảnh được đưa lên mạng xã hội trong đó có tôi, chị Mai Nhung (TBT kế nhiệm ông Nguyễn Thước) và mấy người cùng ở Báo NTNN. Vậy mà...

Chúng tôi - mấy người đã từng làm việc ở Báo NTNN vừa mới rủ nhau, hôm nào rảnh sẽ về quê thăm bác Thước. Điều này mãi mãi sẽ không thực hiện được nữa rồi.

Hãy yên nghỉ nhé - người anh hiền lành, người TBT luôn đau đáu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

 

 

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem